Những phát hiện mới về khu vực điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long của Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa rồi đang giúp công tác phục dựng di sản có thêm nhiều tín hiệu vui.
Vướng trong khâu quản lý
UNESCO đã trao tặng Thủ đô món quà ý nghĩa khi công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, công tác bảo tồn cũng như phát huy giá trị di sản nơi đây còn quá nhiều bất cập. Thế nên UNESCO đưa ra hẳn 8 khuyến nghị yêu cầu phải hoàn thành, đồng thời, Việt Nam cũng phải có bản cam kết với UNESCO về vấn đề bảo vệ di sản. Và hơn 4 năm qua, những vấn đề như tiếp tục khảo cổ làm lộ diện thêm giá trị di sản tại khu vực trung tâm, hoàn thiện bàn giao mặt bằng, không để công trình xây dựng xung quanh ảnh hưởng đến di sản… được thực hiện ráo riết, song kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng của những người làm di sản. Việc bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn tất, nhà dân vẫn còn tồn tại ngay trong khu vực 1 của di sản.
Du khách tham quan điện Kính Thiên, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Công Hùng
Cũng phải nhắc lại, khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu bắt đầu được khai quật từ cuối năm 2002 và mở rộng với quy mô khai quật khảo cổ từ đầu năm 2003. Vậy nhưng đã gần 12 năm đi qua, việc bàn giao mặt bằng di tích, di vật, hồ sơ khoa học giữa cơ quan khai quật với cơ quan quản lý vẫn chậm dài so với tiến độ đặt ra. Mãi đến cuối năm 2013, đầu năm 2014, mặt bằng khu C - D và các di vật mới từng bước được bàn giao, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Các hồ sơ (nhật ký khai quật, báo cáo sơ bộ về khai quật) mới bàn giao một số bộ phận, nhiều di vật quý còn chưa bàn giao.
Khẳng định khu vực trung tâm
Một trong 8 khuyến nghị mà UNESCO đặt ra cho công tác bảo tồn di sản ở Hoàng thành Thăng Long là tiếp tục khảo cổ tại khu vực trung tâm. Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, mặc dù vấn đề bàn giao mặt bằng còn nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam mở các hố khai quật mới trong phần diện tích cho phép. Sau khi phát hiện đường nước lớn thời Lý, các chuyên gia mở hố khai quật ở phía Tây và phía Bắc với tổng diện tích 1.000m2. Điều đặc biệt là địa tầng hố khai quật rất đầy đủ các thời kỳ, dưới cùng là thời Đại La, trên là thời Lý thế kỷ XI, XII, tiếp đến là thời Trần, Lê, Nguyễn. Hơn nữa, trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ học có thể khẳng định điện Kính Thiên là trục trung tâm từ thời Lê Sơ, loại bỏ kết quả điện Kính Thiên là trục trung tâm từ thời Lý so với các lần khảo cổ trước đây, và loại bỏ cả hoài nghi điện Kính Thiên có đúng là trục trung tâm hay không.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam: "Qua nhiều cuộc khai quật, các chuyên gia đã chứng minh thành bậc chạm rồng của điện Kính Thiên đúng là được xây dựng năm 1467, đặt nguyên vị từ đó đến nay, còn các vị trí khác được làm lại hoặc thời Nguyễn chồng lên. Qua 3 cuộc khai quật từ năm 2011 đến nay đã xác định được toàn cảnh khu vực Đoan Môn, Kính Thiên chắc chắn là trung tâm Hoàng thành từ thời Lê Sơ được tiếp tục cho đến thời Mạc. Nét mới này được chứng minh khu vực này có 2 lớp Lê Sơ và Lê Trung Hưng chồng lên nhau".
Trong khi những kiến thức về điện Kính Thiên đang là ẩn số, thì phát hiện mới này đã có tác dụng rất lớn đối với công tác nghiên cứu và bảo tồn di sản. Ngoài khẳng định được đường hướng tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn phía trước, phát hiện này đã gợi mở cho những người làm di sản ở đây con đường để có thể thực hiện được ý tưởng mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo từng yêu cầu: Các đơn vị cần phối hợp với các nhà khoa học sớm phục dựng cho được điện Kính Thiên để người dân đến với Hoàng thành Thăng Long có thể sờ thấy, nhìn thấy kinh đô của ông cha ta ngày xưa, chứ không phải mang tính chất mường tượng qua sử sách và lời giới thiệu như hiện nay.
(*) Tiêu đề đã được baoxaydung.com.vn
Theo Linh Anh/KTĐT
Theo