Các chính sách sai lầm trong nhiều thập kỷ khiến hàng triệu căn hộ tại Nhật Bản bị bỏ không. Tình hình có thể còn tệ hơn nữa khi số lượng hộ gia đình ngừng tăng.
Đến năm 2038, trung bình cứ 3 căn nhà tại Nhật Bản thì gần một căn bị bỏ không. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Financial Times, một ước tính chỉ ra vào năm tới, 11 triệu căn hộ ở Nhật Bản sẽ bị bỏ không, chỉ cao hơn một chút so với số lượng nhà trên toàn nước Australia.
Ước tính cho rằng đến năm 2038, trung bình cứ 3 căn nhà tại Nhật Bản thì gần một căn bị bỏ không.
Đó là một kịch bản không mấy tươi sáng đối với thị trường nhà ở Nhật Bản. Nhiều ngôi làng ở vùng nông thôn nước này đã bị bỏ không và trở nên hoang lạnh.
Trong nhiều năm, Viện nghiên cứu Nomura và các tổ chức khác đã nghiên cứu về thị trường bất động sản tại Nhật Bản. Những nghiên cứu chỉ ra nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản vào thập niên 80.
Dư chấn từ bong bóng vỡ, các cơ quan quản lý thiếu cứng rắn với hệ thống ngân hàng, và hệ thống chính sách phục hồi thiếu sáng tạo vẫn gây ra những vết thương kinh tế, giảm phát và biến dạng.
Một trong số những nguyên nhân lớn nằm ở nhân khẩu học. Tình trạng dân số giảm và già hóa đã tạo ra áp lực cấu trúc lớn đối với thị trường nhà ở. Vấn đề càng trở nên trầm trọng bởi các chính sách sai lầm kéo dài hàng thập kỷ.
Các chính sách đó hoàn toàn phớt lờ sự suy giảm dân số, những căn nhà quá cũ hoặc chất lượng tệ hại, thậm chí khuyến khích xây dựng để bảo toàn GDP.
Từ cuối Thế chiến II đến thập niên 60, Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu hụt nhà ở nghiêm trọng. Điều này buộc chính phủ Nhật Bản phải ban hành các đạo luật thúc đẩy xây dựng nhà ở.
Tình trạng thiếu hụt đã chấm dứt vào năm 1973. Tuy nhiên, trong suốt những năm 2000, một triệu căn hộ mới vẫn được xây dựng mỗi năm.
Nhiều căn không đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn khi động đất và tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Bloomberg. |
"Dù dân số dự kiến giảm xuống, chính phủ vẫn không thay đổi chính sách và tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng nhiều nhà ở hơn", ông Ken Miura - giáo sư tại Đại học Kyoto - giải thích.
Theo dự báo của Nomura Research Institute, ngay cả khi số lượng căn hộ trống tăng gấp đôi từ năm 2023 đến năm 2038, 8 triệu căn hộ vẫn sẽ được xây mới.
Ngoài ra, nguồn cung nhà ở tăng lên do nhu cầu đối với những căn hộ có sẵn suy yếu. Các căn hộ cũ được ưa chuộng ít hơn. Bởi nhiều căn không đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn khi động đất và tiết kiệm năng lượng.
Theo một chuyên gia trong ngành, đây là hậu quả của việc chính phủ ưu tiên số lượng hơn chất lượng.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia, dân số Nhật Bản đã giảm trong hơn một thập kỷ, tình trạng dư thừa nhà ở sẽ nghiêm trọng hơn nhiều và tạo sức ép lớn lên giá nhà.
Theo ông Ken Miura tại Đại học Kyoto, khi số lượng hộ gia đình ở Nhật Bản ngừng tăng lên, 20-30 triệu căn hộ có thể bị bỏ không.
Theo nghiên cứu của chiến lược gia Simon Powell tại Jefferies, bài học của Nhật Bản cho thấy mối quan hệ giữa sự thay đổi trong dân số và nhà đất. Nghiên cứu chỉ ra nếu dân số tăng 1%, giá nhà sẽ tăng 5%. Nhưng nếu dân số giảm 1%, giá nhà sẽ giảm mạnh hơn nhiều.
Theo Thảo Phương/Zingnews.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/nhung-ngoi-lang-bi-bo-khong-o-nhat-ban-post1382117.html