Đầu năm mới, người Việt thường có thói quen đi lễ chùa để cầu may mắn, sức khoẻ cho gia đình... Đây là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam nhưng đi lễ sao cho đúng để được may mắn hay không phạm phải những điều kiêng kị là điều mà bạn cần phải biết, đặc biệt là các bạn trẻ.
Lựa chọn trang phục phù hợp khi đi lễ chùa
Chùa là nơi thờ Phật, là chốn linh thiêng về mặt tín ngưỡng nên khi đi lễ chùa bạn nên ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề sao cho phù hợp với bối cảnh của chùa, không nên mặc trang phục quá sặc sỡ, hở hang. Đối với các bạn nữ thì không nên mặc váy quá ngắn hoặc quần quá ngắn. Điều này vừa thể hiện sự tôn kính của bạn dành cho tổ tiên, thánh thần vừa tránh những hệ quả xấu phát sinh do sự không hợp lý của trang phục đem lại.
Đi lễ chùa cần mặc trang phục phù hợp (ảnh minh hoạ: Internet)
Nguyên tắc ra vào chùa
Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan (cửa chính giữa) chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này. Bạn cũng nên nhớ là không dẫm lên bậu cửa, phải bước qua bậu cửa, nếu không sẽ phạm tội bất kính.
Xưng hô thế nào cho đúng khi lễ chùa?
Vào chùa, nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt. Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy,… và xưng mình là con. Xưng hô như vậy tức là nhìn thấy tăng mà tưởng nhớ thầy Thích Ca Mâu Ni, mình xưng hô như vậy là đang xưng hô với Đức Thích Ca. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.
Đi chùa cầu nguyện gì?
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che trở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Đặc biệt vào Đình, Đền bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm của mình để cả năm luôn được may mắn và thuận lợi nhất.
Sắm sửa lễ vật
Chùa là nơi thanh tịnh nên khi sắm sửa lễ vật bạn phải chọn những lễ chay như hương , hoa quả tươi, oản, xôi chè và cấm kị lễ vật mặn như một số người thường mang lên chùa. Nếu mang như vậy không khác gì phỉ báng thánh thần vì họ chỉ ăn chay, dâng đồ mặn thật khó coi.
Dâng lễ mặn chỉ được áp dụng trong trường hợp đền chùa đó có các vị Thánh , Mẫu, Thành Hoàng,…Các vị này thường an tọa ở các khu ngoài chính điện. Lễ mặn có thể dâng gồm gà , giò , chả, rượu, trầu cau.
Đi chùa có thể chuẩn bị tiền giấy âm phủ và hương nhưng không nên đặt tiền thật hoặc vàng mã lên hương án, chính điện kẻo bị cho là đút lót thánh thần, lợi bất cập hại. Tiền hãy để vào hòm công đức để cải tạo chùa chiền mang lại phúc đức lâu dài cho con cháu.
Dâng hoa ở các đền chùa nên chọn các loại hoa thanh tao như hoa sen, hoa huệ, mẫu đơn, hoa cúc… Tránh dùng những loại hoa lạ, hoa dại
Cách hành lễ khi đi chùa
Hành lễ đi chùa cũng cần có phép tắc và thứ tự. Trước hết hãy đặt lễ vật lên và thắp hương ở chính điện trước. Sau khi đặt lễ và thắp hương ở chính điện xong hãy đi đến các ban thờ khác, thường đều có 3-5 ban để thờ mẫu, tứ phủ, bạn cần đặt lễ và dâng hương tất cả tránh sót ban thờ nào.
Nếu đình chùa có nhà thờ Tổ, nhà Hậu thì cũng cần phải ghé qua. Cuối buổi lễ sau khi lễ tạ để hạ lễ thì nên đến trai giới hay phòng khách để thăm hỏi và trò chuyện với các nhà sư và công đức nếu có.
Theo Hải Phong/Dantri.com.vn
Theo