Người dân TP.HCM sẽ không còn được tận hưởng vẻ đẹp, bóng mát và không khí trong lành trên đường Tôn Đức Thắng và một số khu vực khác khi 500 cây xanh sắp bị đốn, bứng.
Lâu nay, đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1 được nhiều người dân Sài Gòn biết đến với những hàng cây sọ khỉ (xà cừ) có tuổi đời từ vài chục cho đến hàng trăm năm vươn cao, tỏa nhánh xum xuê rợp bóng mát.
Nhiều cây sọ khỉ tuổi đời hàng trăm năm, đường kính lớn gần 2m, cao hơn 10m, rễ mọc lan rộng ra vỉa hè đường. Trong ảnh, một cây sọ khỉ cổ thụ đoạn gần nhà máy đóng tàu Ba Son, giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng.
Tập trung cây cổ thụ nhiều nhất trên tuyến đường này là từ giao lộ Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng đến gần bờ sông Sài Gòn, nơi có mật độ cây dày đặc nhất, như một góc rừng xanh của thành phố.
Đoạn đường này có 4 làn xe với những hàng cây sọ khỉ chạy song song khiến người đi đường luôn được tận hưởng bóng mát, không khí trong lành giữa thành phố náo nhiệt.
Vừa qua, theo phương án thiết kế mà UBND TP.HCM thống nhất, cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và quận 2) sẽ được xây tại vị trí nhà máy đóng tàu Ba Son. Dự án phải vượt qua giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh để kết nối vào ngã tư Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng. Sở Giao thông thành phố cho biết, trong hơn 270 cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án thì trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) sẽ có 84 cây, trong đó 63 cây có đường kính từ 80 cm trở lên bị đốn hạ, 37 cây di dời và cố giữ lại 151 cây.
Các loại cây xanh được đề nghị đốn hạ nằm dọc chiều dài của cầu và gần các trụ cầu. Các cây này lớn, có đường kính thân từ 80 cm trở lên, nếu bứng dưỡng thì khả năng chết rất cao và đòi hỏi chi phí thực hiện lớn.
Sở GTVT TP.HCM khẳng định, số cây bị đốn hạ trên đường Tôn Đức Thắng chủ yếu là loại có rễ ăn ngang, lồi trên mặt đất, gây hỏng vỉa hè, mặt đường và có thể ảnh hưởng giao thông. Đây cũng là loại cây nằm trong danh mục cấm trồng trên đường phố mà UBND TP.HCM đã ban hành cuối năm 2013.
Trong khi đó, khu quản lý giao thông đô thị số 2, TP.HCM mới cho biết, có kế hoạch đốn bỏ khoảng 215 cây xanh trên dọc đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (quận 2) trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực này. Trong ảnh là hai bên đường Nguyễn Văn Hưởng với các loại cây xanh khác nhau như sọ khỉ, điệp vàng, bò cạp nước.
Trong số 215 cây sọ khỉ đề nghị đốn bỏ trên đường Nguyễn Văn Hưởng có 53 cây loại 1 (chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng 6 m, đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 20 cm), 162 cây loại 2 (chiều cao lớn hơn 12 m, đường kính lớn hơn 50 cm). Các cây được đề xuất đốn bỏ chủ yếu có bộ rễ nổi làm nứt vỉa hè, cây nghiêng ra đường và có nguy cơ ngã đổ.
Thời gian đốn cây trên tuyến đường này sẽ kéo dài trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 10/2014. Theo đó, năm nay sẽ đốn 50 cây, năm 2015 đốn 100 cây và năm 2016 đốn 65 cây. Dự kiến trong quá trình đốn bỏ cây sọ khỉ sẽ trồng bằng lăng thay thế dần. Trong ảnh, những cây sọ khỉ nhánh xum xuê trước mặt đường của một dự án xây dựng vừa mới được san lấp mặt bằng trên đường Nguyễn Văn Hưởng.
Theo khu quản lý giao thông đô thị số 2, những cây xanh trên đường này đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập nước, các công trình xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, do đó rễ cọc không thể phát triển. Mặt khác rễ nhiều cây sọ khỉ nổi lan trên bề mặt gây nứt vỉa hè khiến cây dễ bị ngã đổ khi có mưa kèm gió lớn. Các cây loại 2 chiếm tỷ lệ phần lớn tổng số cây dự định đốn bỏ, khả năng sống và phát triển các cây này khi bứng dưỡng rất thấp. Bên cạnh đó, chi phí bứng, chăm sóc cây còn cao hơn việc trồng, chăm sóc cây mới. Cây sọ khỉ vốn thuộc danh mục cây cấm trồng ở TP.HCM. Trong ảnh, những cây sọ khỉ rễ nổi lan trên bề mặt gây nứt vỉa hè đường Nguyễn Văn Hưởng.
Vào năm 2015 sẽ có 57 cây xanh tại góc công viên 23-9, đoạn gần chợ Bến Thành bị chặt để làm nhà ga.
57 cây xanh này gồm dầu, sao đen, bò cạp...
Như vậy, nếu theo đề xuất và kế hoạch được thực hiện trong thời gian tới, ngoài 51 cây xanh đã bị bứng, đốn để làm nhà ga trước Nhà hát Thành phố sẽ có 393 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, khu vực góc công viên 23-9, quận 1 và đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2, TP.HCM sẽ bị đốn, bứng. Mảng xanh của Sài Gòn đang ngày càng teo tóp bởi tình trạng đốn hạ cây. Những hàng cây cổ thụ này vốn là những lá phổi xanh, một hình ảnh đẹp gắn bó với người dân thành phố.
Theo Lê Quân/Zing
Theo