Từ phục hồi nhanh chóng trong 9 tháng đầu năm, kinh tế TPHCM phải đối mặt cùng lúc nhiều khó khăn trong 3 tháng cuối năm khi nhiều yếu tố đảo chiều nhanh chóng.
Những con số phục hồi
Một năm trước, ông Trần Khang Duy - Giám đốc Khách sạn Odys - tất bật với việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho những vị khách đặc biệt là các y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch tại TPHCM. Với ông Duy, an toàn đi qua đại dịch và được đóng góp một phần sức lực cùng thành phố chống dịch đã là điều may mắn và tự hào nhất khi tổng kết năm 2021. Thời điểm đó, TPHCM vừa mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế chỉ mới chớm phục hồi, còn ngành du lịch sau 2 năm đại dịch vẫn đối diện tương lai đầy thách thức.
12 tháng sau, ông Duy lúc này đã thật sự thở phào khi từ tháng 7 thì công suất phòng của khách sạn luôn đạt trên 90%, tháng 11 lên tới 99%. Du lịch vẫn chưa thể lấy lại toàn bộ những gì đã mất nhưng những người kinh doanh trong ngành như ông Duy đã nhìn thấy ánh sáng sau hai năm u ám.
Thống kê của TPHCM cho thấy tổng lượng khách du lịch nội địa năm nay đến thành phố ước đạt 25 triệu lượt khách, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt, hoàn thành kế hoạch đề ra. Từ mức nền rất thấp của 2021, ngành du lịch thành phố đạt tổng doanh thu khoảng 120.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng trưởng hơn 170% so với cùng kỳ và vượt 33% so với kế hoạch.
Khi năm 2022 đang đi về những ngày cuối cùng, các con số tổng kết trên nhiều lĩnh vực của thành phố dường như đều mang lại cảm giác hồ hởi. Tốc độ tăng trưởng GRDP của TPHCM năm nay ước đạt 9,03% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa kế hoạch đề ra ban đầu 6-6,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại TPHCM ước tăng hơn 30% so với năm 2021. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trưởng 20%, ngành lưu trú, ăn uống tăng 128%, dịch vụ lữ hành tăng gần 200%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 của thành phố ước tăng 14,2% so với 2021, riêng nhóm ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung, ước đạt 16,4%.
Cũng trong năm nay, hơn 43.000 doanh nghiệp được thành lập mới tại TPHCM với số vốn đăng ký mới ước đạt 500.000 tỷ đồng. Ấp ủ ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực gần 10 năm nay, 2022 với ông Lê Anh Tú là thời điểm chín muồi để thành lập chuỗi nhà hàng Lấu. Khi không ít đơn vị trong ngành ẩm thực đã thu hẹp quy mô sau năm 2021 ông Tú lại nhìn thấy cơ hội cho bản thân khi có thể săn được những mặt bằng đẹp tại TPHCM với chi phí thấp hơn so với trước dịch
Nói về bức tranh kinh tế TPHCM sau 2 năm đại dịch, TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - đánh giá con số tăng trưởng GRDP trên 9% là ấn tượng. "Chúng ta đã phục hồi sau khi trải qua những khó khăn quá lớn dù công bằng mà nói, 9% là tăng trưởng từ mức âm của năm 2021. Nhưng nếu so với bối cảnh ảm đạm của thế giới bên ngoài, mức tăng trưởng của TPHCM và Việt Nam là rất tuyệt vời. Nhưng vấn đề là làm sao phải đảm bảo được tốc độ tăng trưởng có thể ổn định trong thời gian tới", vị chuyên gia đồng thời là đại biểu HĐND TPHCM chia sẻ với Dân trí.
Quý cuối cùng thay đổi mọi thứ
Từ khóa ổn định được ông Thắng nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình kinh tế TPHCM đột ngột đối diện nhiều thách thức cùng lúc trong những tháng cuối năm. Thiếu đơn hàng, công nhân mất việc, lãi suất cao trở thành những cụm từ được nhắc đến thường xuyên trong 3 tháng cuối năm.
Gần 1.200 công nhân của Công ty Tỷ Hùng tại quận Bình Tân bị cho thôi việc vào đầu tháng 11 (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của TPHCM, các doanh nghiệp trong ngành cao su - nhựa đạt kết quả tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ tốc độ phục hồi nhanh chóng 6 tháng đầu năm. Nhưng từ quý III, kết quả bắt đầu chững lại và đến quý cuối cùng nhiều doanh nghiệp đều thiếu đơn hàng, phải giảm sản lượng, theo Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM Nguyễn Quốc Anh.
Không chỉ tình hình xuất khẩu ảm đạm trong bối cảnh khó khăn, suy thoái bao trùm các thị trường lớn trên thế giới, ông Quốc Anh đánh giá sức cầu trong nước cũng đã giảm sút. "Mùa Tết có thể khách hàng vẫn sẽ mua sắm nhưng tình hình sau Tết sẽ tiêu điều lắm. Tình hình khó khăn có thể còn kéo dài ít nhất 6 tháng đầu năm 2023", ông dự báo.
Bán hàng khó, dòng tiền chậm, doanh nghiệp lại còn phải chịu áp lực lớn từ mức lãi suất cao của ngân hàng hiện nay. Ông Quốc Anh thẳng thắn nhìn nhận khó có doanh nghiệp nào chịu đựng nổi mức lãi suất hiện nay giữa lúc đơn hàng kém, nguy cơ hoạt động đình đốn.
Còn theo Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM Trương Tiến Dũng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều đã chuẩn bị sản lượng hàng hóa tăng 15-20% so với cùng kỳ để đáp ứng mùa tiêu thụ cao điểm Tết sắp tới. Dù vậy, các doanh nghiệp không mấy lạc quan về sức mua của khách hàng, dù đây là nhóm sản phẩm thiết yếu.
"Một số lĩnh vực người lao động đã mất việc, thu nhập giảm, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sức cầu. Hơn nữa chi phí sản xuất hiện nay đã tăng lên nhiều nhưng chúng tôi không thể tăng giá bán tương ứng, sẵn sàng chấp nhận giảm mức lợi nhuận", ông Dũng chia sẻ.
Lãi suất tăng cao từ đầu quý IV khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó (Ảnh: Mạnh Quân). |
Báo cáo kinh tế vĩ mô TPHCM của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) do TS Phan Thị Thanh Xuân chủ trì vừa được công bố ngày 28/12 cho thấy tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng tại thành phố vừa chạm ngưỡng tăng trưởng từng có trước dịch đã tuột dốc trong quý IV.
Sức mua hiện tại chỉ xấp xỉ 80% năm 2019, dù đang là mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Sự sụt giảm mạnh xuất hiện ở chính những ngành vốn là lõi tổng cầu của kinh tế TPHCM như lương thực thực phẩm, gỗ, vật liệu xây dựng, vật phẩm văn hóa, giáo dục.
Với đặc điểm chiếm trung bình 65% GRDP của TPHCM, sức khỏe của khu vực thương mại dịch vụ chính là chỉ báo quan trọng cho kinh tế TPHCM. Việc tổng cầu giảm tốc rõ ràng là chỉ báo không lạc quan cho bức tranh chung. "Quý III xác lập đỉnh tăng trưởng thì quý IV lại là đáy của 2022", TS Xuân nhận định.
Còn về hoạt động sản xuất công nghiệp của TPHCM, tháng 11 chứng kiến mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đã giảm về xấp xỉ gần 0. Tuy nhiên, chỉ số này có thể còn diễn biến xấu hơn, bắt đầu tăng trưởng âm từ tháng 12 đến tháng 2/2023.
Vượt cơn gió nghịch
Theo nhóm nghiên cứu của TS Phan Thị Thanh Xuân, tất cả dự báo dù độc lập hay liên ngành đều cùng phát tín hiệu về sự xuất hiện của cú sốc kinh tế vào quý I/2023. Tuy nhiên, cú sốc lần này chưa có khả năng đẩy mọi thứ rơi vào tình trạng trầm trọng hơn như suy thoái. Sự phục hồi cũng được dự báo sẽ quay trở lại vào quý II/2023.
Theo TS Xuân, kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) có thể là một giải pháp để cứu sức cầu đang suy giảm. Việc các gói hỗ trợ về thuế, phí sẽ kết thúc sau ngày 31/12 có thể khiến lộ trình hồi phục kinh tế gập ghềnh hơn.
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật đề xuất cơ quan quản lý nên tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT để cứu sức cầu đang suy giảm hiện nay (Ảnh: Phương Nhi). |
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật, nhà điều hành có thể cần chấp nhận mức độ tăng trưởng thấp hơn một chút nhưng ổn định trong dài hạn. 2023 sẽ là năm có nhiều khó khăn với kinh tế nhưng với những giải pháp tích cực, với động lực từ chính nội lực, TPHCM vẫn sẽ vượt qua.
Còn TS Trần Quang Thắng cho rằng không riêng TPHCM hay Việt Nam, các nước đều phải đang đối diện áp lực từ lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng giá năng lượng. "Với những khó khăn lần này, nếu chúng ta luôn chuyển đổi để thích ứng, vượt qua được, nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, ổn định hơn nữa", ông Thắng nhận định.
Theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm những cơ hội, đối tác mới, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy cách quốc tế để tận dụng được lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Trong khó khăn, doanh nghiệp phải chấp nhận tự tái cấu trúc, định hướng lại thị trường.
Về phía chính quyền TPHCM, ông Thắng cho rằng trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức trong năm tới, thành phố càng phải đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động giải ngân đầu tư công vốn chưa đạt kỳ vọng trong năm nay để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8% trong năm tới.
Nút giao An Phú là một trong những dự án trọng điểm tại TPHCM được khởi công những ngày cuối năm (Ảnh: Hải Long). |
Để làm được điều này, kế hoạch giải ngân của TPHCM phải thật chi tiết và cụ thể, những dự án trọng điểm như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai 3, rạch Xuyên Tâm cần được tiến hành rốt ráo. Song song đó, đội ngũ thực thi cần mạnh mẽ, khẩn trương hơn nữa. "Con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Những con người chủ động, quyết liệt sẽ biết tìm nguồn vốn ở đâu, tìm cách tháo gỡ những điểm nghẽn của chính sách", ông Thắng bình luận.
Vừa khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, ông Lê Anh Tú đã cảm nhận được bối cảnh sắp tới tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đã xác định làm kinh doanh là đối diện thách thức, ông Tú vẫn tự tin nếu phát triển thận trọng thay vì mở rộng nhanh, chọn chiến lược giá và sản phẩm phù hợp, doanh nghiệp vẫn có cơ hội dù người tiêu dùng có cắt giảm chi tiêu.
Còn Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM Trương Tiến Dũng nhìn nhận khó khăn hiện tại là khó khăn chung, doanh nghiệp không thể lúc nào cũng mong mọi thứ thuận lợi. Dù hiệu quả kinh doanh có bằng 0, các doanh nghiệp vẫn xác định cung ứng đầy đủ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng thành phố mùa Tết. Cũng như trong giai đoạn dịch, dù khó khăn đến mấy, các doanh nghiệp lương thực thực phẩm của TPHCM cũng chưa dừng sản xuất ngày nào.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - TS Trương Minh Huy Vũ đánh giá những mục tiêu của chương trình phục hồi kinh tế TPHCM từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022 đã được hoàn thành vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, với sự suy yếu của tổng cầu, sức mua, chỉ số sản xuất công nghiệp, kinh tế của TPHCM đang đối diện một cú sốc thật sự. Dù vậy, TPHCM vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% trong năm 2023 để bù đắp cho quãng thời gian hụt hơi trong 2 năm 2020-2021. "Rất khó trong bối cảnh này nhưng thành phố sẽ quyết tâm làm cho bằng được", ông Vũ khẳng định.
Theo Nội dung: Việt Đức/Dantri.com.vn