Chúng tôi đến công trường xây dựng thủy điện Hủa Na (công suất 180MW) vào trung tuần tháng 12 khi cơn lũ cuối cùng trong năm 2011 vừa đi qua 1 tháng. Công trường đang vào mùa thi công quyết liệt nhằm giành lại tiến độ chậm trễ do thời gian mưa lũ cướp đi. Giám đốc Ban Điều hành dự án Đỗ Đình Hiện trao đổi vài nét về tình hình chung để còn họp với chủ đầu tư bàn về tình hình vốn. Người đầu tiên, ông giới thiệu và dẫn tôi ra công trường là Giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 6.05 kỹ sư Phạm Việt Trình. Đã lên xe, đi họp, ông Hiện còn dặn với: 6.05 là đơn vị chủ lực đã sớm hoàn thành chỉ tiêu quan trọng của dự án đấy anh ạ.
Giám đốc Trình tự lái xe đưa chúng tôi ra công trình đầu mối. Con đập dâng cao lừng lững chặn ngang sông Chu cao gần bằng 2 mỏm núi ở 2 phía bờ trái, bờ phải, Trình cho biết: Đập thủy điện Sơn La đắp bằng công nghệ Đầm Lăn; Đập thủy điện Tuyên Quang đắp bằng bê tông Bản Mặt, còn ở đây, đắp 450 nghìn m3 toàn bộ bằng bê tông nguyên chất. Nhiệm vụ của Xí nghiệp 6.05 được giao thi công 1/2 khối lượng của đập với thời gian chỉ cho phép làm trong vòng 2 năm. Điều cốt tử hơn cả là phải bằng mọi biện pháp, mọi phương tiện và sức lực hơn 340 CBCN của Xí nghiệp 6.05 phải hoàn thành mức đập vượt lũ năm 2010; số còn lại của năm 2011 là phải xong để phục vụ lắp thiết bị cửa nhận nước và 2 tổ máy tiến tới chặn dòng, tích nước. Với khối lượng bê tông khổng lồ ấy cùng với tiến độ nghiêm khắc của Ban Điều hành đề ra, trong khi thời tiết, khí hậu trong 1 vùng mà quanh năm mưa nhiều hơn tạnh, nắng, riêng mùa lũ, thì năm nào cũng vậy, nước sông Chu ào ạt đổ về tràn ngập khắp công trình cắt đứt đường giao thông liên tuyến đến 1 vài tuần kể…
Cánh thợ của Xí nghiệp 6.05 kể rằng: Cơn lũ năm 2010, bất thình lình tràn về đã cuốn trôi một số phương tiện, vật tư của Xí nghiệp, may mà số người đã kịp đu, bám và chạy kịp lên núi cao. Chiếc cầu tạm qua sông bị cuốn trôi, không còn đường giao thông tiếp viện. Hơn 1 tuần sau mới khôi phục lại. Công việc to lớn, điều kiện khó khăn như vậy, bằng cách nào Sông Đà 6.05 có thể hoàn thành được các chỉ tiêu, tiến độ. Giám đốc Hoàng Việt Trình cho biết: Xí nghiệp 6.05 do Cty mẹ (Cty CP Sông Đà 6, đơn vị Anh hùng mới được Nhà nước phong tặng) thành lập ra từ thời kỳ làm tổng thầu ở các công trình thủy điện SêSan 3A và SêSan 4 tại vùng Yagrai xa xôi của tỉnh Gia Lai. Khi được điều chuyển về xây dựng thủy điện Hủa Na; Cty đã đầu tư mua sắm riêng cho Xí nghiệp 6.05 một dây chuyền nghiền đá tốt nhất Việt Nam có công suất 250 nghìn m3/năm, cộng thêm 1 đầu nghiền đá để sản xuất thành cát nhân tạo trị giá 5 tỷ đồng, theo đó Xí nghiệp còn mua mới 1 trạm trộn bê tông lạnh công suất 120m3/h.
Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Phạm Quang Hưng bổ sung thêm: Lãnh đạo Xí nghiệp đã lập ra kế hoạch bàn biện pháp giải bài toán: Nếu muốn thực hiện tiến độ, đắp đổ được 15 nghìn m3/tháng; tương ứng với số lượng 25 nghìn m3 cát, đá các loại phải sản xuất ra vật liệu từ mỏ đá đưa về các hệ thống trạm nghiền, trạm trộn thì Xí nghiệp cần phải có đủ số máy xúc, máy đào, máy lật, cùng với ngót 30 đầu xe Ben, xe vận chuyển và 9 xe chuyên dụng chở bê tông tươi mới thực hiện được định mức kể trên. Do phải thi công trên địa bàn khá rộng, khoảng cách trên, dưới 20km, Xí nghiệp đã chia tách từng đội, phân xưởng độc lập và khoán gọn công việc có định mức, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, năng suất được thẩm định, kiểm tra nghiệm thu từng ngày.
Tuy chỉ là đơn vị sản xuất vật liệu và đổ bê tông, nhưng với Sông Đà 6.05 có tới trên 30 đầu xe cơ giới nặng, nhiều thiết bị khoan, đào lại thêm các trạm nghiền, trạm trộn hiện đại. Xí nghiệp đã lập ra xưởng sửa chữa cơ khí, tập hợp được một số kỹ sư chuyên ngành giỏi và đội ngũ thợ bậc cao. Hơn 1 năm qua, xưởng đã tự duy tu, sửa chữa, thay thế tại chỗ cho gần 20 chục đầu xe, máy và thiết bị hỏng hóc ở trạm nghiền làm lợi hàng tỷ đồng vì không phải đi sửa chữa xa 200km đồng thời đảm bảo được tiến độ thi công. Sông Đà 6.05 thực hiện nhiệm vụ ở nơi rất xa trụ sở Cty mẹ (Hà Nội) nhưng họ là khối đoàn kết, năng động có bản lĩnh vượt qua nhiều khó khăn thử thách, nhất là cuộc sống, tình cảm vì luôn luôn làm công việc ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh, khí hậu khắc nghiệt. Tết Nhâm Thìn này già nửa quân số đã đăng ký ở lại công trường làm tăng ca để sang đầu quý I/2012 sẽ hoàn thành trọn vẹn công tác đắp đập bàn giao cho công trình.
Nguyễn Tất Lộc
Theo baoxaydung.com.vn