(Xây dựng) - Thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng loạt khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An và tuyến đường ven biển. Đây là 3 dự án trọng điểm giúp kết nối và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu góp phần quan trọng giải quyết bài toán giao thông liên vùng. |
Hạ tầng đồng bộ là khâu then chốt để phát triển
Việc khởi công cùng thời điểm cả 3 dự án trọng điểm, như tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ phá thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 51; cầu Phước An kết nối hệ thống cảng nước sâu của Bà Rịa – Vũng Tàu với Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ; đường ven biển kết nối tất cả các địa phương trong tỉnh có hệ thống cảng và bãi biển đẹp. Tạo thành hình vòng cung lớn phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, qua đó cũng thực hiện tốt Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 154 của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Chính vì vậy, tại buổi lễ khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chia sẻ, đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia mà Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154 của Chính phủ xác định, đến năm 2026 phải hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm mở ra tuyến giao thông kết nối các địa phương trong khu vực với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành, giúp giảm tải và rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bà Rịa.
Sau khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng giải quyết bài toán giao thông liên vùng, phát huy tối đa lợi thế của hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, qua đó giúp giao thông được thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tạo động lực để vùng Đông – Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tuyến cao tốc này đã được quy hoạch từ hàng chục năm trước, tuy nhiên vì nhiều lý do, nó vẫn không thể thực hiện. Đến nay, với nhiều yếu tố cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị nên tuyến cao tốc đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư xây dựng. Qua đó, đáp ứng được nguyện vọng của người dân 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu khi hoàn thành đáp ứng được nguyện vọng của người dân 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Anh Phùng Thế Quân ngụ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xúc động cho biết, anh đã sống và lớn lên trên vùng đất Phú Mỹ, từ thời kỳ còn là huyện Tân Thành, thời điểm đó bản thân anh đã được nghe tới tuyến đường cao tốc, vậy mà sau mấy chục năm anh mới thấy được lễ khởi công.
“Tui được nghe ba má tui nói từ lâu lắm rồi, lúc còn nhỏ xíu là có đường cao tốc đi qua, nhưng rồi bao nhiêu năm có thấy đâu. Nay cũng hy vọng nó sớm được đưa vào sử dụng”, anh Quân mong mỏi.
Để tuyến cao tốc này được triển khai nhanh, Chính phủ đã phải có cơ chế đặc thù riêng về đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; Áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho các dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương; Áp dụng chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.
Phát huy tiềm năng của cảng nước sâu và dịch vụ logistics
Khi hoàn thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giúp kết nối cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo quy hoạch phát triển tổng thể cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ là cảng đặc biệt, đón được siêu tàu trên 250.000 tấn.
Tuy nhiên, nhiều năm qua cụm cảng này vẫn chưa khai thác hết lợi thế tự nhiên cũng bởi nhiều điểm nghẽn, trong đó có yếu tố liên quan tới tuyến đường độc đạo - Quốc lộ 51 bị mãn tải nhiều năm trở lại đây.
Đánh giá từ các chuyên gia kinh tế và giao thông cho thấy, tuyến độc đạo - Quốc lộ 51 kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu với các địa phương khác luôn xảy ra tình trạng kẹt vì các điểm đen giao thông trên toàn tuyến. Điều đó gây thiệt thòi khá lớn cho người dân, cho chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và cầu Phước An sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế thiên nhiên nước sâu của cảng Cái Mép - Thị Vải hiện tại và Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép Hạ trong tương lai gần. |
Theo các chuyên gia cảng biển, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới. Điều này cho thấy, Cái Mép – Thị Vải đủ sức để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, thu hút các hãng tàu lớn và cạnh tranh với các cảng nước sâu khác trong khu vực và thế giới.
Chỉ vài năm nữa thôi (năm 2027), khi mà cây cầu Phước An (vừa được khởi công cùng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) kết nối đường liên cảng, thị xã Phú Mỹ với huyện Nhân Trạch, tỉnh Đồng Nai hoàn thành sẽ rút ngắn gần 30km quãng đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, đồng thời cùng với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép Hạ trong tương lai.
Là đơn vị logistics tại khu vực Cái Mép, ông Võ Thanh Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vina Logistics rất mong muốn các dự án này nhanh chóng hoàn thành, qua đó sẽ giúp hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn, chi phí theo đó cũng sẽ giảm đi.
“cầu Phước An giúp rút ngắn tuyến đường vận chuyển từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua TPHCM, Đồng Nai đến Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đó phá thế “độc tuyến” cho Quốc lộ 51, hiện đang ngày càng quá tải. Thời gian vận chuyển nhanh sẽ giúp giảm chi phí vận tải. Giảm tình trạng ù ứ hàng ở cảng Cái Mép – Thị Vải. Từ đó tăng hiệu suất khai thác cảng và tăng kết nối giao thông với cảng”.
Ngoài ra, ông Phương cũng cho rằng, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối các khu công nghiệp Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu vì vậy sẽ thu hút thêm hàng hoá cho cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải. Giảm ùn tắc và rút ngắn khoảng cách từ Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa tới Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải giúp doanh nghiệp Logistics tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát triển hạ tầng kèm phát triển kinh tế biển
Phát triển kinh tế - xã hội không chỉ là các tuyến kết nối với các tỉnh thành khác trong vùng, đặc biệt còn phải có các tuyến nội tỉnh, giúp kết nối liên thông để phát triển kinh tế nội địa. Do vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng phát triển hạ tầng ven biển. Tuyến đường ven biển chính vì thế cũng được hình thành. Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào sử dụng, nó đã như “chiếc áo chật”, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Việc nâng cấp mở rộng và đầu tư mới tuyến đường đã gấp rút được thực hiện ngay sau đó.
Tuyến đường ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu là cung đường rất đẹp, sẽ giúp phát triển mạnh hơn nữa các khu vực du lịch ven biển. |
Lễ Khởi công tuyến đường ven biển (Tỉnh lộ ĐT 994) ngày 17/6 vừa qua, tạo bước ngoặt mới cho các khu vực ven biển như Bình Châu, Hồ Tràm, Long Hải, Phước Hải… giúp du lịch nghỉ dưỡng phát triển mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh, tuyến đường ven biển sau khi nâng cấp mở rộng sẽ thay thế tuyến đường hiện hữu kết nối toàn bộ các khu vực kinh tế du lịch biển ở khu vực phía Đông, xuyên qua những khu du lịch ven biển đẹp nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu là Long Hải, Phước Hải, Bình Châu, tạo nên một sức sống mới cho ngành du lịch nghỉ dưỡng của địa phương.
Nhiều doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh nhận định, khi hoàn thành các tuyến đường mà tỉnh vừa khởi công thời gian vừa qua sẽ là cú hích lớn cho ngành du lịch tỉnh phát triển mạnh.
Ông Đỗ Minh Đức – Giám đốc Công ty TNHH Hà Đạt, doanh nghiệp quản lý khu resort Marina Bay tại thành phố Vũng Tàu chia sẻ trước giờ di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống Bà Rịa - Vũng Tàu, khách du lịch chỉ có mỗi tuyến đường Quốc lộ 51, nhiều năm qua, tuyến đường này quá tải gây nên cảnh kẹt xe thường xuyên vào dịp cuối tuần, điều đó gây trở ngại cho việc phát triển du lịch của tỉnh.
“khách du lịch cho biết di chuyển bình thường đã mất 3 giờ đồng hồ, kẹt xe có thể lên tới 5-6 giờ đồng hồ thì thật khủng khiếp. Người ta có muốn xuống Vũng Tàu cũng ngán ngẩm. Khi mà có tuyến cao tốc thì chắc chắn du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phát triển mạnh cùng với tuyến đường ven biển sẽ hợp cùng nhau như bản đồng ca, chấp thêm cho Bà Rịa – Vũng Tàu đôi cánh mới”, ông Đức ví von.
Ở góc độ quản lý nhà nước về du lịch, ông Trịnh Hàng – Giám đốc Sở Du lịch lại thẳng thắn cho biết, nhiều năm trước tỉnh được đánh giá có hệ thống giao thông tốt, tuy nhiên, qua quá trình phát triển dần bộc lộ một số hạn chế. Khi tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thành sẽ kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu với sân bay quốc tế Long Thành và các tỉnh thành trong khu vực một cách thuận tiện hơn.
“Việc khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là một trong những mong chờ và kỳ vọng của chúng tôi để tăng thêm giao thông đối ngoại của Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối giữa hệ thống cảng biển, hệ thống vùng phát triển du lịch với sân bay Long Thành với các tỉnh trong khu vực. Một khi giao thông thuận lợi sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho thu hút đầu tư cũng như thu hút nhiều khách du lịch hơn và có nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ du khách”, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ thêm.
Mạnh Cường
Theo