Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt ra mấy vấn đề rất đáng suy nghĩ về sự phát triển kinh tế của đất nước tới đây.
Ba câu hỏi trăn trở
Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành cuối tuần trước ông nêu ba câu hỏi: Một là, khó khăn thách thức chủ yếu của nền kinh tế và doanh nghiệp là gì? Hai là, phản ứng chính sách thích ứng với tình hình thế giới là gì? Ba là, đâu là động lực đột phá cho tăng trưởng hiện nay và các chính sách nào thúc đẩy tăng trưởng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn?
Những câu hỏi đó được đặt ra trong bối cảnh tăng trưởng trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 3,72%, quá thấp so với mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm. Để tăng trưởng cả năm dự đạt 6,5% thì tăng trưởng quý III cần đạt 7,4% và quý IV cần đạt 10,3%; hay nói cách khác, tăng trưởng trung bình trong nửa cuối năm nay phải đạt 8,9%.
Tốc độ này Việt Nam chỉ đạt được trong vài năm đầu thập kỷ 1990, khi nền kinh tế bung ra như lo xo bị nén chặt nhờ tự do hóa thương mại, Đổi mới và mở cửa sau hàng chục năm dựa trên nền kinh tế quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa tập trung.
Ông Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP năm 2022 tăng cao 8,02% nhưng trên nền tảng tăng trưởng chỉ là 2,58% trong năm 2021, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Mức tăng trưởng kinh tế thấp của 2,5 năm vừa qua cũng đặt ra thách thức rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Dũng bày tỏ lo lắng: "Mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%, mà trong 6 tháng mới đạt 3,72% thì nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, chưa kể nhiệm vụ tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ. Nếu năm nay không đạt thì khó cho các năm sau, cho cả nhiệm kỳ và cả giai đoạn đến năm 2030, năm 2045 với mục tiêu là trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Những băn khoăn đó thể hiện vai trò của người đứng đầu cơ quan tham mưu chiến lược tổng hợp của Đảng và Nhà nước, luôn được tham vấn và đưa ra các giải pháp, chiến lược chỉ đạo, điều hành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, bảo đảm các cân đối vĩ mô, các mục tiêu kế hoạch…
Khu vực công trì trệ là lực cản
Trước những câu hỏi của ông Dũng tại hội nghị, chỉ duy nhất có đại diện của Hà Nội trong số các địa phương tìm cách trả lời. Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nói: “Cần sớm khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của cán bộ, công chức. Chúng tôi ở dưới cơ sở đánh giá, vấn đề này là then chốt nhất”.
Vấn đề mà ông Quyền nói ra đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023: “Một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền”.
Báo cáo về kinh tế - xã hội nửa đầu năm nay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ góc nhìn này: tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một số trường hợp, một bộ phận cán bộ, công chức đang là những khó khăn, hạn chế lớn nhất trong phát triển hiện nay.
Bên cạnh đó là các nguyên nhân khác như phản ứng chính sách trong một số trường hợp, của một số bộ, ngành chưa chủ động, thiếu đồng bộ, thận trọng quá mức; tổ chức thực thi và giám sát các chính sách đã ban hành chưa đúng mức, chưa có thời gian cụ thể; và, tất nhiên, là do tình hình thế giới, khu vực phức tạp, khó lường.
Được mời đến tham vấn tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói, trước đây, khi đất nước gặp khó khăn, các nhà lãnh đạo luôn tìm những sáng kiến để tạo thuận lợi, tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp để duy trì sản xuất và duy trì các động lực tăng trưởng.
Tuy nhiên thời gian gần đây, nhất là sau Covid-19, doanh nghiệp vừa chịu tác động mạnh của thế giới, vừa chịu hàng loạt các chính sách tăng thêm khó khăn, chi phí. Hàng loạt quy định ban hành tạo ra chi phí tuân thủ quá mức cần thiết, thậm chí không thể tuân thủ được như phòng cháy, chữa cháy, làm trì trệ sản xuất kinh doanh, chi phí tuân thủ nhiều khi tăng thêm 2-3 lần so với trước mà doanh nghiệp không cần biết kết quả đạt được thế nào.
Thị trường chứng khoán tụt giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng; tình trạng đứt gãy xăng dầu, cắt điện, ùn tắc đăng kiểm toàn quốc; số doanh nghiệp phải đóng cửa “rời thị trường” kỷ lục;… cho thấy khu vực công trì trệ, không có những sáng kiến, sáng tạo đồng hành cùng doanh nghiệp như trước đây.
“Những hiện tượng thực tế này cần đánh giá xác đáng để tạo áp lực thay đổi, chứ không cứ bằng lòng mãi trước nỗi khó khăn, khống khổ của dân và doanh nghiệp”, ông nói.
Ông Cao Viết Sinh, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đang giữ vai trò tư vấn cho Bộ, cho rằng, nếu phấn đấu tăng trưởng 6,5% trong năm nay thì tăng trưởng phải hơn 8% trong 6 tháng cuối năm. “Đây là vấn đề quá lớn”, ông nói.
Sáu tháng đầu năm nay tăng trưởng công nghiệp chỉ đạt 0,4%. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà |
Ông phân tích, có 26 tỉnh, thành phố có tăng trưởng cao hơn 6,5%, có 19 tỉnh thành phố tăng trưởng dưới mức bình quân cả nước, đặc biệt có 4 tỉnh thành phố tăng trưởng âm cho thấy khó khăn, thách thức không đồng đều.
Tăng trưởng công nghiệp trong 6 tháng chỉ đạt 0,4% trong nửa đầu năm nay, hơn 15 tỉnh chịu suy giảm về tăng trưởng công nghiệp và “cái khó nhất” là tăng trưởng công nghiệp không được, cả xuất khẩu, nhập khẩu đều suy giảm kéo dài. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khu vực dịch vụ vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn do cầu giảm.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền của Hà Nội cho rằng, để có động lực tăng trưởng thì phải thúc đẩy bằng được giải ngân đầu đầu tư công nhưng việc giải phóng mặt bằng cũng gặp vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó, ông kiến nghị cần tháo gỡ các cơ chế chính sách vĩ mô liên quan đến tài chính tiền tệ.
“Trong thực tiễn chúng tôi tiếp xúc với doanh nghiệp thì thấy, nhiều doanh nghiệp có tài sản nhưng đến nay rất khó khăn về nguồn vốn, họ không vay được. Tôi mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tham mưu Chính phủ tháo gỡ nội dung này”, ông Quyền nói.
“Cần tháo gỡ khó khăn toàn diện cho doanh nghiệp về thị trường vốn, lao động, đơn hàng, xuất khẩu, pháp lý, … vì nếu doanh nghiệp không phục hồi thì nền kinh tế tiếp tục khó khăn”, ông nói.
Điều hành cần quyết liệt
Những ngổn ngang thì bao giờ cũng có. Quy hoạch là một ví dụ. Đến nay, sau nhiều năm Luật Quy hoạch có hiệu lực, mới chỉ có 10/63 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 30/63 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt; 4/63 quy hoạch tỉnh Thủ tướng Chính phủ đang xem xét chuẩn bị phê duyệt. Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt thì cả chính quyền và doanh nghiệp căn cứ vào đâu để xây dựng, mở rộng dự án? Mà tình hình này đã kéo dài nhiều năm.
Đây là điều mà ông Dũng trăn trở. "Bất kể lúc nào các địa phương đủ điều kiện là họp thẩm định ngay", ông nói và bổ sung: “Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch nhưng không bỏ mặc chất lượng, không phó mặc cho tư vấn. Đây là cơ hội để sắp xếp, phân bổ, sử dụng nguồn lực đất nước cách hiệu quả”.
Trước các câu trả lời cho những vấn đề ông nêu, ông Dũng tỏ ra lắng nghe chăm chú. Nhưng có một điều, bản thân ông cũng tự đánh giá được hoàn cảnh hiện nay, khi tốc độ tăng trưởng đã bị ghì chặt.
Xin trích dẫn phần “khó khăn, thách thức” trong báo cáo của Bộ: khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về NSNN, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội,... Trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng.
Những đánh giá đó cho thấy, nếu không có thêm nhiều nỗ lực, nói đi đôi với làm, thì tăng trưởng sẽ còn khó khăn thế nào. Mà tăng trưởng mới là công ăn việc làm, là thịnh vượng hay đói nghèo, là khoảng cách phát triển với thế giới được thu hẹp hay tiếp tục doãng ra.
Theo Tư Giang/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/nhung-dieu-tran-tro-cua-bo-truong-nguyen-chi-dung-2168870.html