(Xây dựng) - Các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả của tỉnh trong năm qua giống như những cú hích mạnh mẽ để thêm nhiều xã trong tỉnh "về đích" trong xây dựng nông thôn mới.
Diện mạo nông thôn mới ở xã Nam Tân (Nam Sách)
Bứt phá từ cơ chế đặc thù
Trước năm 2014, nhiều cán bộ, người dân nhận định tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) còn chậm, thiếu đột phá. Nếu tỉnh không có cơ chế, chính sách hiệu quả sẽ khó đạt mục tiêu số xã đạt chuẩn NTM. Từ yêu cầu bức thiết của cuộc sống, trong 2 năm 2014 - 2015, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các xã phấn đấu sớm đạt chuẩn NTM. Năm 2014, tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn cho 18 xã đăng ký hoàn thành NTM (tăng 10% so với những xã không đăng ký), 60% kinh phí kiên cố hóa kênh mương và 70% chi phí xây dựng các công trình khác như trụ sở, sân vận động, trường học, trạm y tế. Năm 2015, tỉnh hỗ trợ 8 tỷ đồng/xã đối với 46 xã đăng ký hoàn thành NTM. Cơ chế đặc thù này đã tạo bước đột phá, có tác dụng tiếp sức để nhiều xã bứt lên về đích sớm.
Đến thăm các xã đã đạt chuẩn NTM năm 2014 hoặc phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2015, ai cũng nhận thấy sự đổi thay rõ rệt về kết cấu hạ tầng. Các công trình đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, sân vận động, nhà văn hóa... đều khang trang, rộng rãi. Xã Thanh Quang (Nam Sách) phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2015. Do vậy đến cuối năm 2015, xã vẫn "chạy đua" để xây dựng 2 phòng học ở Trường Tiểu học, 4 phòng làm việc ở Trạm Y tế, kiên cố hóa 1,8 km kênh mương... Dự kiến tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 8 tỷ đồng, huyện hỗ trợ 500 triệu đồng, còn lại do địa phương huy động. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết: "Cơ chế đặc thù của tỉnh đã tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong xây dựng NTM. Nếu không có chính sách này, nhiều địa phương khó hoàn thành một số tiêu chí".
Ngoài chính sách đặc thù có tính chất tổng hợp, UBND tỉnh còn có những chính sách hỗ trợ cho từng ngành, mang lại hiệu quả rõ rệt. Chính sách hỗ trợ trong dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng (CTĐR) là một điển hình. Trong hai năm 2013 - 2014, tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/ha CTĐR và năm 2015 nâng mức hỗ trợ lên 1,5 triệu đồng/ha.
Dẫn chúng tôi đến thửa ruộng của mình, chị Đỗ Thị Huệ ở đội 2, thôn Vé, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) tươi cười cho biết: "Sau DĐĐT, nhà tôi chỉ còn 2 thửa ruộng, giảm 3 thửa so với trước nên không phải mất nhiều công lao động như trước. Tôi cũng thuê được 1,5 mẫu đất để làm trang trại. Chương trình DĐĐT, CTĐR tạo nhiều thuận lợi cho những người muốn thuê đất". Ở xã Đồng Tâm (xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2015), tổng kinh phí DĐĐT, CTĐR đạt hơn 2,4 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ trên 300 triệu đồng. Ông Trịnh Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm đánh giá: "Chính sách của tỉnh đã khơi dậy cuộc cách mạng trên đồng ruộng. Những thửa ruộng lớn hình thành đã tạo thuận lợi để đưa máy móc vào sản xuất, giải phóng sức lao động cho nông dân, tăng hiệu quả canh tác. Theo ước tính, sau DĐĐT, CTĐR, tỷ lệ gặt bằng máy toàn xã sẽ đạt 75%".
Đến hết tháng 11-2015, toàn tỉnh đã có 165 xã thực hiện DĐĐT, CTĐR. Đến nay, các địa phương đã DĐĐT được 41.482 ha, đạt 72% diện tích cần DĐĐT. Sau DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa ruộng. Dự kiến hết năm 2015, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, vượt 6 xã so với mục tiêu đề ra, chiếm 28,3% tổng số xã. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 60% số xã đạt chuẩn NTM.
Bứt phá từ giao thông
Mùa này, đến cánh đồng trồng bạt ngàn cà rốt ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng), chúng tôi ngỡ như đang chiêm ngưỡng một bức tranh đẹp. Màu xanh của cà rốt hòa quyện với màu sáng của những con đường bê tông rộng dài chạy dọc cánh đồng. Chị Vũ Thị Xuyến ở thôn An Lãng phấn khởi nói với chúng tôi: "Trước đây đi lại vất vả lắm. Khi thu hoạch cà rốt, nếu trời mưa, xe phải chuyển cà rốt thành nhiều chuyến. Từ ngày làm đường bê tông, việc vận chuyển nông sản nhanh hơn, bán cà rốt cũng dễ hơn vì xe tải của thương lái chạy ra tận đầu bờ". Chỉ trong 5 năm vừa qua, xã Đức Chính đã cải tạo, mở rộng, làm mới 49,1 km đường giao thông nông thôn. Ông Cao Thanh Côn, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: "Cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh là vốn mồi, động lực mạnh mẽ giúp xã thực hiện thành công tiêu chí giao thông, qua đó góp phần giúp xã đạt chuẩn NTM vào năm 2014".
Tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó đạt nhất trong xây dựng NTM bởi cần nhiều tiền. Tuy vậy, nhờ chính sách hỗ trợ sát thực tế, đáp ứng mong mỏi của nhân dân nên tỉnh ta có bước tiến dài trong lĩnh vực này. Thực hiện "Đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015", trong 5 năm qua, tỉnh hỗ trợ 20% chi phí làm đường giao thông cho tất cả các xã, được quy đổi thành xi măng. Trong năm 2014, riêng các xã đăng ký đạt chuẩn NTM được tỉnh hỗ trợ 30% (cũng bằng xi măng). Chính sách này đã tạo cú hích mạnh mẽ xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ năm 2011 đến 2015, toàn tỉnh đã huy động đầu tư 2.460 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo 2.350 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ mua xi măng cho các xã. Đến nay, 92,5% đường xã và liên xã, 91,7% đường thôn, 88,6% đường xóm đã đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Các chính sách hỗ trợ của tỉnh rất quan trọng, cần thiết, giúp đẩy nhanh tiến độ, góp phần tạo ra nguồn lực lớn để xây dựng NTM. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã có chính sách hỗ trợ các xã, giúp các địa phương phát huy nội lực, khơi thông nguồn lực, tạo sức bật thực hiện thành công các tiêu chí NTM. Nhờ đó, 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được 24.470 tỷ đồng xây dựng NTM. Riêng ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 1.103 tỷ đồng (587 tỷ đồng và 410.000 tấn xi măng), ngân sách huyện hỗ trợ 495,5 tỷ đồng, ngân sách xã hỗ trợ 1.336,1 tỷ đồng".
PV
Theo