Thứ sáu 26/04/2024 01:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những công trình trọng điểm bám tiến độ

09:07 | 20/01/2023

(Xây dựng) – Năm qua, tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình xây dựng, trong đó, có các công trình xây dựng trọng điểm của đất nước. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm vượt khó của chủ đầu tư, các nhà thầu và sự kiểm tra thường xuyên của Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu (Hội đồng) nên nhiều công trình trọng điểm vẫn nỗ lực bám sát tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Những công trình trọng điểm bám tiến độ
Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu khắc phục các tồn tại liên quan đến công tác quản lý chất lượng các công trình quan trọng quốc gia.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 sắp về đích

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (NMNĐ Vân Phong 1) được Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) khởi công xây dựng ngày 06/10/2019, tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Dự án có công suất 1.320 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 2,58 tỷ USD. Mỗi năm, dự kiến cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh (lượng điện này được truyền tải thông qua đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân), góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng cho khu vực miền Nam.

Đây là một trong những dự án trọng điểm của cả nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói chung và Khu Kinh tế Vân Phong nói riêng. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần thực hiện an ninh năng lượng cho hệ thống lưới điện quốc gia; giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương. Dự án này được kỳ vọng là sẽ có sức lan tỏa, thúc đẩy, thu hút các dự án khác đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, phát triển công nghiệp địa phương, tạo sức bật cho kinh tế Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ.

Tính tới cuối tháng 11/2022, tổng số lao động tại công trường gần 4.500 người. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã đạt 87%. Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào vận hành thương mại trong năm 2023.

NMNĐ Vân Phong 1 thuộc thế hệ cuối cùng của các nhà máy điện than tại Việt Nam. Trong giai đoạn vận hành, nhà máy sử dụng loại nhiên liệu nhập khẩu, công nghệ đốt là lò hơi siêu tới hạn, với loại vòi đốt thấp NOx và công nghệ xử lý ô nhiễm hiện đại, nên khói thải lò hơi NMNĐ Vân Phong 1 sẽ không là vấn đề đáng quan ngại.

Hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí cho NMNĐ Vân Phong 1 gồm có hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống khử SO2 bằng nước biển (SW-FGD) và vòi đốt loại phát thải NOx thấp sẽ được lắp đặt và vận hành để đáp ứng QCVN 22:2009/BTNMT.

Hơn 3 năm qua, Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (VPCL) là chủ đầu tư của Dự án NMNĐ Vân Phong 1 đã kết hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành liên quan lập kế hoạch và thực hiện gần 70 chương trình an sinh - xã hội tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Sức khỏe và an toàn cộng đồng; hỗ trợ sinh kế; phát triển giáo dục; hỗ trợ cơ sở hạ tầng; sự kiện cộng đồng… Những đóng góp này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa ghi nhận và trao tặng bằng khen cho VPCL về thành tích cống hiến cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa năm 2020 và 2021.

Năm 2022, với sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, VPCL tiếp tục cam kết thực hiện các hoạt động an sinh - xã hội để đồng hành cùng cộng đồng địa phương trong quá trình xây dựng lại cuộc sống và phục hồi kinh tế.

Những công trình trọng điểm bám tiến độ
Toàn cảnh Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Vận hành nhiều hạng mục Dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam

Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), công ty con của SCG Chemicals (SCGC) làm chủ đầu tư, là dự án trọng điểm quốc gia và chịu sự quản lý giám sát của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, với tổng diện tích 464 ha, đặt tại xã Long Sơn, tỉnh BR-VT.

Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn bao gồm nhà máy Olefinsa, các nhà máy hạ nguồn Polyolefin (HDPE, PP và LLDPE), các hạng mục hỗ trợ như cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm.

Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, công suất 1,35 triệu tấn olefin/năm và được thiết kế để sản xuất nhiều loại sản phẩm hóa dầu khác nhau, bao gồm các nguyên liệu nhựa thiết yếu như: Polyetylen và Polypropylen, với sản lượng mục tiêu hơn 1,4 triệu tấn mỗi năm để thay thế các sản phẩm polyolefin đang phải nhập khẩu hiện nay.

Những công trình trọng điểm bám tiến độ
Hệ thống bồn bể tại Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam.

Kể từ khi khởi công xây dựng vào năm 2018, đến nay, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đã hoàn thành cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và khu vực tiện ích trung tâm, bao gồm 3 hạng mục với công nghệ tiên tiến nhất như: Cầu cảng Hydrocarbon dài khoảng 2,5 km tính từ bờ biển và có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT; hệ thống bồn bể bao gồm 31 bồn bể chứa khép kín chứa nguyên liệu trung gian và thành phẩm với tổng dung tích sử dụng lên đến 350.000 tấn; Nhà máy tiện ích trung tâm có chức năng sản xuất điện, hơi nước, không khí phục vụ cho hoạt động của toàn bộ Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn.

Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn của LSP được kỳ vọng sẽ tạo bàn đạp cho ngành hóa dầu Việt Nam khi giảm bớt nhu cầu nhập khẩu và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, LSP sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn trong việc xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu, đưa Việt Nam xuất hiện trên bản đồ các nước xuất khẩu hóa dầu, đặt nền móng cho các hoạt động đầu tư trong tương lai vào ngành hạ nguồn (chuyển hóa hạt nhựa thành thành phẩm) và các ngành liên quan khác.

LSP áp dụng công nghệ sản xuất hóa dầu hiện đại và quá trình xây dựng sử dụng công nghệ mô-đun hóa cho các đơn vị trong nhà máy nên chất lượng công trình và an toàn sẽ được kiểm soát tốt hơn.

“LSP tuân thủ đầy đủ luật pháp và các quy định của Việt Nam bao gồm cả những bản cập nhật bổ sung, sửa đổi, đặc biệt là môi trường, sức khỏe và an toàn. Chúng tôi luôn sắp xếp kịp thời cho công tác nghiên cứu các yêu cầu trong luật định, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên quan để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Với sự hỗ trợ sát sao từ các cơ quan chính quyền, tất cả các giấy phép cần thiết được hoàn thành trước khi vận hành các hạng mục của Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động, bảo tồn môi trường tự nhiên và chăm lo an sinh xã hội”- ông Tharna Sanee - Tổng giám đốc LSP cho biết.

Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại từ nửa đầu năm 2023 để đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ngọc Hà

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load