(Xây dựng) - Cổ kính, linh thiêng và mang dấu ấn của thời đại. Đó đều là những đặc điểm chung khi nói về những công trình kiến trúc tiêu biểu ở mảnh đất Thành Nam xưa.
Tháp Phổ Minh - ngôi tháp cổ được in trên tờ tiền 100 đồng
Tháp Phổ Minh được in ở mặt sau tờ 100 đồng.
Tháp Phổ Minh là một công trình nằm trong quần thể chùa Phổ Minh. Đây là một công trình kiến trúc thời Trần lâu đời, còn giữ được tương đối toàn vẹn. Tháp có 14 tầng, cao 19.51m và nặng tới 700 tấn.
Hai tầng tháp dưới cùng xây bằng đá có chạm khắc hoa văn cánh sen, hoa văn sóng nước. 12 tầng trên xây bằng gạch bắt mạch, để trần không trát. Mỗi viên gạch có dòng chữ “Hưng long thập tam niên” (năm Hưng Long thứ 13 - 1305) và khắc họa con rồng nổi thời Trần.
Hoa văn hoa sen, sóng nước trên gạch đá mang dấu ấn nghệ thuật thời Trần.
Chùa Phổ Minh từng là nơi tu hành của nhiều vị vua, quan nhà Trần. Sau khi Kim phật Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai người làm kiệu bát cống bằng đá và xây tòa tháp lên trên. Sau đó đặt 7 trong 21 viên xá lị của vua cha vào một hòm đá quý đưa vào trong tháp Phổ Minh đặt trước chùa.
Ngôi tháp cổ đặt 7 viên xá lị của vua Trần Nhân Tông.
Tháp nằm ngay trước cửa Tam Bảo. Dưới chân tháp còn có những dấu mốc bằng đá. Xưa kia sân chùa có đặt một chiếc vạc đồng rất lớn được xếp vào An Nam Tứ Đại Khí. Tuy nhiên, hiện nay không lưu giữ được lại bốn bảo vật này, do khi quân Minh xâm lược đã phá đi tất cả với âm mưu làm mất sử sách và những công trình văn hóa để đồng hóa dân ta.
Đền Trần - nơi thờ 14 vị vua nhà Trần
Phủ Thiên Trường xưa (nay thuộc tỉnh Nam Định) - kinh đô thứ hai của vương triều Trần sau kinh thành Thăng Long có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Cổng vào đền Trần.
Khu di tích Đền Trần Nam Định bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: Đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa, có kiểu dáng chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.
Đền Thiên Trường là thờ các vị vua, hoàng phi, quan, phu nhân chính thất của nhà Trần.
Đền Thiên Trường được xây dựng trên nền của cung Trùng Quang của nhà Trần (cung Trùng Quang là nơi các Thái Thượng Hoàng nhà Trần sống và làm việc). Tiền đường gồm 5 gian, dài 13m, có 12 cột cái cùng 12 cột quân, tất cả được đặt trên bệ bằng đá hình cánh sen vốn là chân cột cung Trùng Quang cũ.
Đền Cố Trạch thường gọi là Đền Hạ, nằm bên phải Đền Thiên Trường, được xây dựng vào năm 1894, làm nơi thờ tự Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng.
Năm 2005, tỉnh Nam Định quyết định đúc tượng đồng 14 vị hoàng đế nhà Trần tại đền Trùng Hoa, chân dung 14 vị hoàng đế nhà Trần bao hàm đầy đủ tính ước lượng, tượng trưng, biểu đạt và yếu tố tâm linh được thể hiện ở thời kỳ tinh túy nhất của mỗi đấng quân vương trong việc lãnh đạo xây dựng đất nước và đánh giặc ngoại xâm.
Đền Trùng Hoa được xây dựng trên nền tảng cung điện Trùng Giang, Trùng Hoa xưa của các thái thượng thượng hoàng, các đấng tự quân nhà Trần về ngự ở phủ Thiên Trường.
Đền Trần là công trình văn hóa tâm linh, tôn vinh triều đại nhà Trần - một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất của chế độ phong kiến Việt Nam đã cùng với quân dân Đại Việt viết lên những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước kiên cường của dân tộc ta.
Cầu ngói chùa Lương - một trong ba cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam
Cũng thuộc Nam Định, cầu ngói chùa Lương thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, bắc qua sông Hoành. Cầu ngói chùa Lương nằm trong cụm di tích lịch sử - văn hóa “chùa Lương, cầu Ngói, đình Phong Lạc” nổi tiếng của vùng đất Quần Anh xưa.
Người thợ mộc quần anh xưa nhờ tính sáng tạo, bàn tay tài hoa tạo nên cây cầu duyên dáng uyển chuyển trông tựa con rồng uốn khúc bay lên.
Cầu được tổ tiên xây bắc qua sông Trung Giang vào năm Hồng Thuận Tam niên, tức năm 1511. Qua nhiều lần trùng tu, vào năm 1864 cầu được lợp ngói và cho đến nay vẫn giữ được nguyên dáng vẻ cổ kính. Kiến trúc cầu dạng “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) đã tạo nên nét dân dã đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc bộ.
Kết cấu phía trong cây cầu đơn giản nhưng chắc chắn.
Cầu được xây dựng trên 18 cột đá vuông xếp thành sáu hàng gánh sáu vì. Đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to, chắc. Sàn cầu được thiết kế làm hai phần rõ rệt. Phần sàn của lòng cầu rộng 2m, gồm nhiều thanh gỗ lim ghép lại nằm trên hàng dầm uốn cong, đồng thời có nhiều thanh gỗ ngắn hơn vuốt tròn cạnh tạo thành nhiều gờ nổi để khách bộ hành lên xuống đỡ bị trượt chân. Hai bên cầu là hai dãy hành lang cũng được uốn cong để khách bộ hành có thể dừng chân ngồi nghỉ, phía ngoài hành lang là hàng lan can bằng gỗ.
Đầu cầu được chạm hình tượng 2 con nghê chầu uy nghiêm đang nâng cuốn thư đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều”
Mái ngói lợp uốn cong tựa như rồng đang bay, trải qua hàng trăm năm mưa, gió vẫn không bị xô lệch. Nét chạm khắc trang trí trên cầu thể hiện tài hoa của nghề mộc cổ truyền thống.
Cầu ngói được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1990.
Ngày nay, cầu Ngói chợ Lương là 1 trong 3 cây cầu ngói cổ và đẹp nhất Việt Nam cùng cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế và cầu Chùa biểu tượng phố cổ Hội An.
Cột cờ Thành Nam - biểu tượng của nền độc lập
Công trình kiến trúc độc đáo tiêu biểu của Thành Nam xưa. Cột cờ xưa còn gọi là kỳ đài, nằm ở phía Nam nội thành, trước điện kính thiên (nay là chùa Vọng cung). Cột cờ được khởi dựng từ năm Nhâm Thân niên hiệu Gia Long 11 (1812) đến năm quý mão niên hiệu Thiệu Trị 3 (1843) thì hoàn thành.
Cột cờ Thành Nam là một trong sáu cột cờ được triều Nguyễn xây dựng trong toàn quốc
Năm 1972, trong đợt oanh kích thành phố, không quân Mỹ đã rải bom phá sập toàn bộ công trình. Năm 1997, nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng TP Nam Định (1954 - 1997), cột cờ được phục dựng lại theo đúng thực trạng ban đầu.
Thông tin về cột cờ khắc trên bia đá.
Cột cờ Nam Định có chiều cao 23,84m gồm 3 phần: bệ, thân và vọng lâu được xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm. Cửa phía Nam có tấm bia đá khắc chữ hán “Kỳ đài” và “Thiệu trị tam niên phụng tạo”. Trên thân có 16 ô thông gió và cầu thang xoáy 54 bậc đi lên vọng canh được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị của tám mặt thân cột cờ.
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ vững trãi như nhắc nhở người Nam Định về lịch sử, những mốc son tự hào trong các giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành hạnh phúc cho nhân dân.
Nhà thờ đổ hoang sơ ngay trên bờ biển
Đến với miền Xương Điền, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ đổ có cái tên “Trái tim” đẹp lạ lùng nằm ngay bên bờ biển.
Nhà thờ đổ nằm ở miền biển Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Vào năm 1996, biển bắt đầu xâm lấn vào đất liền dài hơn 1km. Sự xâm lấn đó khiến ngôi làng dài theo bãi biển Xương Điền bị biến mất. Các công trình kiến trúc lớn trên biển như nhà thờ đã bị sóng đánh đổ. Độ cao của nhà thờ trái tim giúp giữ lại vòm gác chuông cùng khung xương bên ngoài với nền móng hòa lẫn cát biển.
Nhà thờ đổ hay còn có tên gọi khác là “Nhà thờ Trái Tim” được xây dựng năm 1943, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế.
Nhà thờ đổ dần trở thành một điểm du lịch hấp dẫn tại Nam Định bởi du khách không chỉ được hòa mình vào cuộc sống của ngư dân làng chài ven biển mà còn được tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của dấu tích ngôi nhà thờ vươn ra ngoài tầm sóng.
Giữa bao la trời đất, bên bờ biển xanh mượt, nhà thờ đổ mang dáng vẻ hoang sơ, cô độc nhưng lại rất độc đáo mà không nơi nào có.
Để ngăn chặn sự xâm thực từ biển, chính quyền địa phương đã cho xây dựng đê kè bao quanh công trình. Ngôi nhà thờ đổ bên biển giúp miền biển Hải Hậu có một nét đẹp không nơi nào có. Tương lai, có thể sẽ không còn được trông thấy “nhà thờ trái tim” nhưng vẻ đẹp của một công trình kiến trúc cổ sẽ còn mãi.
Nếu bạn đặt chân đến Nam Định, đừng quên tìm hiểu năm công trình kiến trúc tiêu biểu trên, để hiểu hơn về một mảnh đất văn hóa, văn hiến, anh hùng - mảnh đất Thành Nam.
Trần Thị Ngọc Thúy (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Theo