Thứ sáu 29/03/2024 22:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những công nghệ hiện đại nào sẽ được áp dụng tại sân bay Long Thành?

14:22 | 13/05/2019

Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được trang bị các hệ thống “siêu” hiện đại áp dụng công nghệ mới nhất hiện nay như: Hệ thống làm thủ tục hành khách tự động (selfkios), hệ thống làm thủ tục ký gửi hành lý tự động (self baggage drop), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, cửa ra máy bay tự động…


CHK quốc tế Long Thành sẽ được ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất để phục vụ hành khách.

Ông Yamada, Giám đốc dự án, đại diện Liên danh tư vấn JFV - đơn vị lập Báo cáo tiền khả thi (FS) dự án CHK quốc tế Long Thành cho biết, đến thời điểm này, tư vấn đã hoàn thành gần như tất cả công việc, bao gồm việc thu thập toàn bộ dữ liệu phục vụ lập FS; Dự báo nhu cầu giao thông hàng không; Phân chia khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất; Xác định công suất thiết kế Long Thành; Thiết kế sơ bộ hệ thống giao thông kết nối; nhà ga hành khách, hạng mục công trình phụ trợ, hạng mục sân đường, cầu cạn… đảm bảo hoàn thành FS vào cuối tháng 5/2019.

Về việc áp dụng công nghệ trong sân bay, bên cạnh các hệ thống truyền thống, CHK quốc tế Long Thành còn được trang bị các hệ thống siêu hiện đại áp dụng những công nghệ mới nhất hiện nay như: Hệ thống làm thủ tục hành khách tự động (selfkios), hệ thống làm thủ tục ký gửi hành lý tự động (self baggage drop), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, cửa ra máy bay tự động…

Ngoài ra, CHK Long Thành còn có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, được thiết kế cho sân bay thông minh để quản lý toàn bộ nguồn dữ liệu của sân bay (thông tin về chuyến bay, điều hành bay, xuất nhập cảnh, hải quan…) giúp nhà điều hành sân bay có thể phân bổ khai thác cho toàn bộ sân bay (cửa ra máy bay, địa điểm làm thủ tục, bến đậu, cất, hạ cánh…) một cách hiệu quả nhất cũng như giúp nhà quản lý vận hành sân bay có thể giám sát, phát hiện, xử lý các vấn đề an ninh nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Yamada còn khẳng định, liên danh tư vấn đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào CHK quốc tế Long Thành để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tăng cường an ninh an toàn sân bay.

Ông Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC), một thành viên trong liên danh tư vấn JFV cũng khẳng định: Dự án sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, thậm chí “những công nghệ tại Long Thành sẽ hiện đại không kém CHK Changi (Singapore)”.

Về vấn đề giao thông kết nối, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết, trong giai đoạn 1, tư vấn đề xuất xây dựng tuyến kết nối từ QL51 đến ranh giới phía Tây cảng hàng không và nút giao với QL51 dài 3,8km và một tuyến đường dài 3,5km kết nối từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến tuyến 1 và 2 nút giao.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đề nghị triển khai ngay việc kết nối thêm giao thông bằng đường sắt, không chỉ đường bộ đến trung tâm TPHCM. Ngay cả tuyến đường bộ cũng cần phải có tuyến riêng dành riêng cho sân bay.

Trước đó, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ CHK quốc tế Long Thành ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu, ACV phối kết hợp với các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh báo cáo FS trước ngày 31/5/2019, trước khi trình Hội đồng thẩm định Nhà nước vào tháng 6 để có thể kịp tiến độ trình Chính phủ, Quốc hội.

“Nghị quyết số 94/2015/QH13 đã nhấn mạnh việc CHK Long Thành phải áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả. Do đó, yêu cầu liên danh tư vấn, ACV, Cục Hàng không rà soát lại toàn bộ các hạng mục, ứng dụng công nghệ khoa học kĩ thuật hiện đại nhất vào sân bay, vào điều hành bay”, Bộ trưởng yêu cầu.

Riêng về giao thông kết nối, Bộ trưởng lưu ý cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án kết nối trực tiếp giữa Long Thành - Tân Sơn Nhất và kết nối trực tiếp sân bay Long Thành - TPHCM, kết nối qua vận tải hành khách công cộng với các đô thị xung quanh.

Dự án CHK quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD. Mục tiêu của dự án giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng 1 đường cất, hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất, hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

 

Theo Phan Trang/Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load