Tất cả các hộ gia đình của từng cầu thang thay phiên nhau vệ sinh tầng hàng ngày. Không những thế, cầu thang còn là một "thư viện” nhỏ để người dân đến đọc sách báo. Đó là mô hình Cầu thang văn hóa nhà A3 phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Hà Nội) – nơi đã trở thành địa chỉ văn hóa của khu dân cư này trong 12 năm nay.
Mô hình Cầu thang văn hóa nhà A3 đã được nhân rộng ra 24 điểm trên địa bàn phường
Bí thư chi bộ Nhà A3, ông Trương Văn Côn cho biết: Việc xây dựng Cầu thang văn hoá bắt nguồn từ mong muốn giữ gìn cầu thang trong ngôi nhà tập thể 4-5 tầng được xây dựng từ cuối thế kỷ 20 đã cũ kỹ luôn luôn sạch đẹp. Năm 2000 mô hình "Cầu thang văn hóa” chính thức được thành lập. Ý tưởng ban đầu chỉ đơn giản là hình thành khu vui chơi cho các cụ hưu trí và các cháu thiếu nhi. Ban đầu nhiều công dân trong khu tập thể còn có ý kiến cho rằng, cầu thang là diện tích chung của mọi người việc thực hiện mô hình sẽ khiến không gian thêm chật chội và nếu triển khai thì ai sẽ là người quản lý và lấy đâu nguồn kinh phí để duy trì hoạt động?
Để giải bài toán này, ông Côn và những cán bộ cơ sở ở đây phải vào cuộc để vận động thuyết phục bà con trong khu nhà. Với phương châm cán bộ đảng viên gương mẫu đi đầu, "lấy dân làm gốc” trong việc thực hiện đóng góp kinh phí, hình hài của Cầu thang văn hóa dần được hình thành. Hiểu tác dụng của cầu thang văn hóa trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và nhận thấy mô hình thiết thực, có lợi cho việc nâng cao dân trí nên bà con ai nấy đều ủng hộ. Sau 12 năm hoạt động Cầu thang văn hóa nhà A3 đã thực sự trở thành địa chỉ văn hóa để các công dân trong khu tập thể tìm đến.
Để duy trì mô hình Cầu thang văn hóa được thường xuyên, liên tục, một bản nội quy được hình thành trong đó đưa ra một số chuẩn mực cho các công dân trong khu tập thể. Theo đó tất cả các hộ gia đình của từng cầu thang thay phiên nhau bảo đảm quét dọn cầu thang sạch sẽ. Mọi việc đi lại trên cầu thang phải nhẹ nhàng, không gây tiếng ồn, không tận dụng cầu thang để kinh doanh, tập kết vật liệu, sử dụng cho mục đích cá nhân… Nhờ những quy định đó, nên các cầu thang lúc nào cũng sạch sẽ. Đặc biệt, do việc giữ gìn và bảo vệ cầu thang nên tệ nạn xã hội giảm đi trông thấy. Theo bác Đào Thị Anh Tuấn – Phụ trách cầu thang văn hóa nhà A3: Chính những độc giả đọc sách báo là những "người lính gác” đảm bảo cho an toàn của ngôi nhà. Từ ngày thành lập Cầu thang văn hóa đến nay nhà A3 không có hiện tượng trộm cắp, cướp giật, sử dụng ma túy. Các công dân trong khu tập thể khi có việc đi sớm, về khuya đều cảm thấy yên tâm về tài sản của gia đình.
Không những thế, cầu thang nhà A3 còn là một "thư viện nhỏ để bà con và các cháu đến đọc sách báo, đa phần sách báo, tạp chí do người dân đóng góp. Bác Tuấn cho biết thêm, tại thư viện của Cầu thang văn hóa các độc giả có thể mượn sách báo mang về nhà. Theo nhiều thành viên trong tòa nhà A3 từ thư viện này nhiều kiến thức về văn hóa, xã hội, pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đến những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con đã được các bà, các mẹ chia sẻ phổ biến để áp dụng vào cuộc sống. Ngoài hoạt động như một thư viện thu nhỏ, cầu thang văn hóa nhà A3 còn duy trì bảng tin để thông báo cho nhân dân trong tổ những công việc của tổ, của phường và những thông tin cần thiết trong cuộc sống. Từ thành công Cầu thang văn hóa nhà A3 đến nay mô hình này đã được nhân rộng ra 24 điểm trên địa bàn phường Nghĩa Tân, như cầu thang An ninh văn hóa A2, A5...
Những Cầu thang văn hóa nhà A3, A5 đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân trên địa bàn dân cư. Thành công trong hiệu quả hoạt động của mô hình Cầu thang văn hóa của cán bộ, nhân dân khu Bắc Nghĩa Tân là bài học cho sự đồng thuận, đặt lợi ích chung lên hàng đầu cần được nhân rộng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Trung Hiếu (ĐĐK)
Theo baoxaydung.com.vn