Kể từ khi Hiệp hội BĐS Việt Nam ra đời vào năm 2002, đến nay mô hình liên kết dưới dạng CLB, Hội… đã ngày một phổ biến. Quy mô hàng trăm, thậm chí hàng chục, và chỉ vỏn vẹn có 5 thành viên như nhóm G5 vừa được thành lập tại Hà Nội (5 sàn giao dịch BĐS). Dù dưới bất cứ tên gọi hay dạng thức nào, những mô hình này vẫn chưa mang lại hiệu quả như nhiều người kỳ vọng.
Một góc sàn giao dịch BĐS DTJ.
“Liên” nhưng không “kết”
4 năm trở lại đây, những ai quan tâm theo dõi thời sự địa ốc đều biết tới những cái tên như Hiệp hội BĐS TP.HCM, CLB BĐS Hà Nội (HaNoi Land Club), CLB kinh doanh BĐS (REB Club), Hội Môi giới BĐS…. Trong số này quy mô tạm coi là khá khẩm nhất (theo công bố từ chính tổ chức) và trực thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam là CLB kinh doanh BĐS với số lượng hội viên khoảng vài trăm. Đối với phần còn lại, mới nhất tại thời điểm này là nhóm G5 với sự hợp tác của 5 DN BĐS, gồm: Sàn giao dịch BĐS Sudico, Cty CPDịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc, Sàn giao dịch BĐS Cty CP MAX Việt Nam - Maxland, Cty CP Đầu tư và Phân phối DTJ và Sàn giao dịch BĐS Châu Á. Hầu hết những mô hình liên kết kiểu này đều đề ra tiêu chí hướng tới sự minh bạch của thị trường, chia sẻ cơ hội thành công, cùng giúp nhau vượt khó hay thậm chí là cùng hướng tới sự chuyên nghiệp của thị trường. Tại Hà Nội, cuối năm 2009 chứng kiến sự ra đời của CLB BĐS Hà Nội với số hội viên lúc đó chưa tới 100. Tuy nhiên, tới nay, con số này hiện chưa biết còn bao nhiêu. Điều quan trọng là cách thức hoạt động của tổ chức này vẫn còn nhiều điều phải bàn. Cụ thể, theo một chủ DN thành viên trong CLB do ông Nguyễn Hữu Cường làm Chủ tịch thì, sự liên kết vẫn còn rất… lỏng lẻo, tự phát, ai mạnh thì người đó làm. Cái mà người ta vẫn nghĩ về CLB (là nơi giao lưu, vô thưởng vô phạt…) lại đúng với trường hợp này: thay vì liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và cùng khai thác, kinh doanh địa ốc một cách tích cực, một số DN có khả năng tài chính (hoặc có mối quan hệ) tìm tới nhau để tận dụng ưu điểm của hội viên khác và phối hợp “đánh lẻ”. Việc giấu thông tin, thậm chí làm nhiễu thông tin thị trường nhằm tư lợi diễn ra ngay trong CLB là điều không hiếm.
Không chỉ như vậy, với những tổ chức quy mô, bài bản hơn như REB Club, tính liên minh vẫn chỉ được thực hiện ở hình thức. Người viết đã được tham dự buổi lễ ra mắt và công nhận CLB Kinh doanh BĐS và đã phần nào kỳ vọng vào những phát biểu, khẳng định của ban điều hành cũng như một số tên tuổi thương hiệu trong làng BĐS xuất hiện tại buổi lễ. Nhưng dõi theo thời gian phát triển gần 2 năm của CLB này, thì chính những người trong cuộc cũng “nản”. Bởi tiêu chí vẫn được khẳng định và quán triệt, còn thực hiện thì vẫn chưa như mong muốn. Khi BĐS “vượng”, người ta hỉ hả bắt tay nhau bên lề những cuộc mở bán, những lễ khai trương cất nóc khánh thành. Còn khi địa ốc “lao dốc”, hàng ế, người mua lắc đầu, nhà đầu tư lặng lẽ bỏ đi, thì sự chủ động và linh hoạt phối kết hợp để cùng vượt khó giữa các DN hội viên lại chỉ dừng ở những cái bắt tay và quan sát dè chừng nhau. Ngay cả việc ai cũng biết là nên làm, đó là cùng vận dụng thế mạnh của mỗi DN (về VLXD, về thi công, về đầu tư, hay môi giới) để tối đa tiết kiệm chi phí xây dựng nhằm cơ cấu lại sản phẩm và tạo thanh khoản lại dường như chỉ được coi là lý thuyết suông. Vậy phải chăng cái sự liên kết chỉ dừng ở hình thức sáo rỗng và tạo thương hiệu cho những DN đặt bút ký tên vào hiệp hội??!
Vì đâu nên nỗi
Nguyên nhân của thực tế này cốt lõi nằm ở trình độ phát triển không đồng đều giữa các DN. Bên cạnh đẳng cấp (được khẳng định qua thương hiệu), yếu tố tâm lý “nước nổi bèo nổi” cũng đã ru ngủ phần lớn các đơn vị địa ốc mới chập chững bước vào thị trường BĐS khi chưa kịp nhận ra hiện thực không đẹp như họ vẫn tưởng từ vài năm trước. Xét trường hợp của nhóm G5 vừa chào đời, G5 sẽ cung cấp cho khách hàng các dịch vụ như: nghiên cứu, báo cáo thị trường BĐS; tư vấn chiến lược sản phẩm, chiến lược tiếp thị dự án; tổ chức tiếp thị và phân phối sản phẩm dự án; giới thiệu dự án và thu hút đầu tư; thẩm định giá, đấu giá BĐS và nhiều dịch vụ khác.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Đầu tư và Phân phối DTJ, đại diện G5, đây là bước tiến quan trọng của các DN ngành dịch vụ BĐS Việt Nam, có khả năng đảm nhận việc tư vấn và cung cấp dịch vụ BĐS cho các dự án lớn quy mô hàng trăm hecta, vốn trước đây phần lớn là thị phần của các Cty nước ngoài. Hiện các DN trong liên minh G5 đang hợp tác tiếp thị và phân phối nhiều sản phẩm của các chủ đầu tư như: dự án KĐTM Nam An Khánh - Vista De Lago, chung cư cao cấp Star City Lê Văn Lương, Green Bay Tower tại Hạ Long, Quảng Ninh, Indochina Plaza Hanoi...
Có ý kiến cho rằng liên minh BĐS thực ra chưa phải là đã mang lại cái lợi cho khách hàng. Bởi yếu tố quan trọng nhất luôn luôn là chăm sóc khách hàng, đặt chính bản thân người làm dịch vụ môi giới, tư vấn phải đặt mình vào hoàn cảnh của khách hàng. Yếu tố quan trọng nhất hiện tại của các sàn còn quá nhiều khác nhau, thông tin còn sai lệch, thiếu chính xác. Nhân viên chưa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, bán hàng còn cài cắm giá... khiến khách hàng mất lòng tin từ lâu. Việc hợp nhất hay không thực sự không phải là điều quá quan trọng mà quan trọng là sự nhận thức, cái tâm của người làm nghề tư vấn, môi giới. Điều khách hàng cần là những thông tin chính xác và minh bạch về DN và sản phẩm.
Liên minh này chỉ tồn tại được khi đáp ứng nhu cầu thông tin của thị trường. Tại thời điểm này, thị trường có rất ít giao dịch thành công, có nguyên nhân cơ bản là thiếu thông tin và tính minh bạch của thông tin để củng cố niềm tin của thị trường. Người có nhu cầu mua nhà thực sự rất muốn có thông tin chính xác, cụ thể từ chủ đầu tư, giá bán của chủ đầu tư. Hiện các thông tin này mỗi sàn cung cấp theo một kiểu khác nhau, mức giá khác nhau dù cùng một dự án. Điều này càng khiến người mua phải “khảo giá” ở các sàn khác nhau và cuối cùng là đứng ngoài lắc đầu ngao ngán vì ma trận giá vẫn chưa được “hóa giải” bất chấp hàng tồn vẫn đắp chiếu trong tiếng than thở của DN.
Nguyễn Cảnh - Thành Luân
Theo baoxaydung.com.vn