Thứ hai 07/10/2024 05:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Những bước tiến mới trong đầu tư xây dựng hạ tầng tại TP Hà Nội

23:09 | 30/11/2018

(Xây dựng) – Bắt đầu từ năm 2015, TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương, kế hoạch nỗ lực nâng cấp hệ thống giao thông, cải tạo vệ sinh môi trường để thành phố ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Từ những hành động thiết thực trên, có thể thấy, cho đến nay, TP Hà Nội đã có những đổi thay đáng kể, mỹ quan đô thị xanh - sạch - đẹp và giao thông vận tải có bước chuyển biến tích cực.


TP Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm mở rộng không gian đô thị, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Thủ đô tầm cỡ trong khu vực và thế giới.

Điển hình như chương trình mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn (2016 - 2020), trong 2 năm 2016 - 2017, Hà Nội đã thực hiện trồng được gần 500 nghìn cây xanh. Trong đó, có gần 40 nghìn cây xanh đô thị có đường kính lớn, gần 50 nghìn cây hoa, cây cảnh khóm lưu niên, gần 40 nghìn m2 (khoảng 800 nghìn cây) các loại cây mảng hoa, cây thảm được trồng góp phần làm thay đổi bộ mặt của các tuyến phố Thủ đô Hà Nội.

Đáng chú ý, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố đã trồng được thêm 345 nghìn cây các loại. Lũy kế đến tháng 6/2018, toàn TP Hà Nội đã trồng mới được 837 nghìn cây xanh đạt 83,7% mục tiêu chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh trên 120 tuyến phố, tuyến đường. Ngoài ra, thành phố cũng đã tiến hành cắt tỉa được hơn 11 nghìn cây xanh trên 92 tuyến phố và 7 công viên, vườn hoa kể từ đầu năm tới nay.


Các tuyến đường có hệ thống cây được trồng mới và trồng bổ sung hoàn thiện như Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, khu vực công viên Lê Nin, Hoàng Văn Thụ, Văn Cao...

Ngoài ra, những kết quả tích cực sau hơn hai năm thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020” đã tạo ra những chuyển biến rõ nét tại các quận, huyện. Đây là cơ sở quan trọng để các đơn vị tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Qua những đợt kiểm tra, có thể thấy Chương trình 06 tiếp tục mang đến những chuyển biến rõ nét trong quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh. Sau hai năm triển khai Chương trình 06 tại huyện Đông Anh, hơn 90 đoạn đường nông thôn có tổng chiều dài hơn 50km được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng; duy tu sửa chữa ba tuyến đường dài 5km với tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng; đồng thời trồng thêm 10000 cây xanh tạo ra hạ tầng khang trang. Đến nay, huyện đã cấp nước sạch đô thị cho 15 xã, thị trấn trong tổng số 24 xã, thị trấn. Đến năm 2019, huyện phấn đấu 100% số xã, thị trấn được cấp nước sạch. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác trong ngày đạt 100% ở khu vực đô thị và 98% ở khu vực nông thôn (các xã).

Tại quận Hai Bà Trưng, kết cấu hạ tầng đô thị có nhiều chuyển biến, giải quyết từng bước áp lực, bức xúc về giao thông, đô thị nhờ việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 1, đoạn từ Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái (bao gồm cả cầu vượt), đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài…


Đoạn Ô Đống Mác kéo dài đến Nguyễn Khoái được mở rộng tạo thuận lợi về giao thông di chuyển sang khu vực Vĩnh Tuy, Long Biên.

Một số chỉ tiêu của Chương trình 06 như: Tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đã cơ bản đạt được. Tính đến hết năm 2017, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 950.000m3/ngày đêm, tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch gần đạt 100%; tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đến hết năm 2018 dự kiến đạt hơn 55%.

Ngoài ra, thành phố đang tiếp tục thực hiện 31 dự án cấp nước cho 239 xã. Khi hoàn thành sẽ nâng số xã được cấp nước lên 363 xã, nâng tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn lên 88%.

Việc cải tạo, chỉnh trang hai bên sông Tô Lịch, đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Trãi đã đạt hiệu quả tích cực, mang lại cảnh quan mới. Mới đây, đề xuất cải tạo môi trường như đoạn sông Kim Ngưu (từ Trần Khát Chân đến chân cầu Mai Động) thành khu vực sinh hoạt công đồng kết hợp dịch vụ thương mại được nhiều người dân quan tâm.


Đề án sẽ xây dựng tuyến cống ngầm dưới lòng sông Kim Ngưu, thu gom toàn bộ hệ thống nước thải của các hộ dân hai bên bờ sông, cũng như nguồn nước hỗn hợp từ lưu vực phố Lò Đúc, Trần Khát Chân.

Ngoài ra, hệ thống giao thông gần 2 tỷ USD đã được xây dựng ở các cửa ngõ Hà Nội, gồm các tuyến đường: Đại lộ Thăng Long, đường Tố Hữu, đường Lê Trọng Tấn, đường vành đai 3 trên cao, đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân, đường 5 kéo dài (đường Trường Sa – Hoàng Sa) và cầu Đông Trù. Những tuyến đường hiện đại này đã làm thay đổi diện mạo của Thủ đô, đồng thời phát triển giao thông thành phố, giải quyết được một phần tình trạng ùn tắc.


Nhiều cầu vượt được xây dựng góp phần giảm tình trạng ù tắc giao thông tại các điểm nóng.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có diện tích 3.344,5km2, dân số gần 6,5 triệu người. Để phát triển thành phố trở thành một thủ đô lớn, tầm cỡ trong khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu của một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, đồng thời giải quyết những bất cập của một siêu đô thị trong quá trình phát triển, thành phố cần có một định hướng dài hạn. Vì vậy, ngay sau khi hợp nhất, Hà Nội đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load