(Xây dựng) - Trong điều kiện địa lý và thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, nhưng những người xây dựng cáp treo Fansipan, như loài hoa đỗ quyên kiên cường ở nóc nhà Đông Dương, bằng niềm tin, ý chí và lòng quả cảm, đã vượt qua chính mình để làm nên những công trình kỳ tích.
Ngày 02/02/2016, khi cáp treo Fansipan Sa Pa khai trương, toàn thể cán bộ công nhân viên Sun Group vỡ òa trong cảm xúc. Những khó khăn, vất vả, mồ hôi và nước mắt đã được đền đáp bằng những kỷ lục thế giới mà cáp treo Fansipan - Sa Pa xác lập, bằng nụ cười của những cụ già, em nhỏ và cả những người không bao giờ dám mơ một ngày được chạm tay vào “nóc nhà Đông Dương” nếu không có cáp treo.
Máu, mồ hôi và nước mắt trên đỉnh trời
Tháng 11/2013, khi Sun Group bắt đầu khởi công xây dựng tuyến cáp treo Fansipan, những chuyên gia của đối tác Doppelmayr từ CH Áo xác nhận đây là dự án cáp treo phức tạp nhất thế giới. Phức tạp là bởi đây là hệ thống cáp treo 3 dây đầu tiên và duy nhất trên thế giới hoạt động không cần tới hệ thống cứu hộ thông thường. Nó phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe nhất về an toàn cho du khách, và phải chạy êm ru trong mọi điều kiện thời tiết nổi tiếng khắc nghiệt của Fansipan. Những “phức tạp” ấy là thách thức, nhưng thử thách cao hơn nữa chính là những khắc nghiệt từ địa hình, thời tiết Fansipan.
7 tháng đào đất tạo mặt bằng và thi công bê tông cốt thép là giai đoạn “kinh hoàng” nhất trong 26 tháng xây dựng cáp treo Fansipan Sa Pa. Với anh Trần Công Mỹ, một trong 5 người đầu tiên có mặt trên đỉnh Fansipan, đó là những “thước phim” mà cả đời anh cũng không quên được. Trong cái lạnh khiến người ta gần như “đông cứng” cả về thể xác lẫn tâm hồn”, anh em Fansipan gói mình trong tầng lớp những áo len áo khoác mà vẫn không cảm thấy đủ ấm. Cứ làm 15 - 20 phút, họ phải chạy vào hơ tay cho bớt cóng rồi lại ra làm tiếp. Những ngày đó, anh em chỉ có thể làm được vài giờ, thời gian còn lại là chờ đợi, trong đủ thứ thiếu thốn, nghiệt ngã bủa vây.
Thiếu nước, họ phải dùng thứ “dung dịch” nước trộn bùn đất khi trời mưa, phải gõ đường ống để nước chảy về bồn chứa khi trời rét, phải đi bộ tới 2 cây số đường rừng để địu nước lên. Ở Fansipan khi đó, tắm là một khái niệm xa xỉ, bởi lấy nước đâu ra mà tắm, và trong cái rét âm độ trường kỳ ấy, có lấy hết dũng khí cũng chẳng ai dám nghĩ đến việc trút tầng lớp quần áo ra để tắm bằng thứ nước lạnh như đá kia. “Vậy là chúng tôi đành chỉ rửa ráy và thay quần áo mỗi tuần một lần. Một hai tháng chúng tôi mới xuống núi, khi đi taxi, tài xế phải hạ cửa xuống mới chịu đi vì không ai chịu nổi thứ mùi nồng nặc tỏa ra” - anh Mỹ kể.
Thiếu nước khổ một, thiếu ăn khổ mười. Anh Mỹ hồi tưởng: “Chưa có khi nào chúng tôi được ăn một bữa cơm chín đúng nghĩa. Áp suất thấp, nước không thể sôi, cơm không thể chín, thức ăn vừa đem ra đã nguội. Anh em làm việc vất vả, rét cắt da cắt thịt vậy mà thực đơn sáng trường kỳ là mì tôm. Ngày thường cơm cũng chỉ có rau luộc, trứng chiên, thịt anh em tự chế biến bởi chẳng có chị nuôi nào chịu nổi thứ thời tiết ấy trên đỉnh Fansipan. Những hôm trời mưa, tuyết rơi, anh em chia nhau từng miếng trứng chiên, từng gói mỳ tôm suốt 3 ngày liên tục khi không thể vận chuyển thức ăn lên cao được”.
Ở Fansipan, anh em công nhân ăn cơm cùng máu cam là chuyện thường tình. Cái lạnh khiến họ đổ máu cam, thường xuyên cảm sốt, viêm họng và đặc biệt là ho. Uống kháng sinh nhiều hơn ăn cơm gạo, vượt qua đau ốm cũng bằng niềm tin bởi lấy đâu ra cơm ngon canh ngọt để bồi dưỡng.
Thiếu điện, anh em công nhân đánh răng bằng nước đá mỗi sáng. Không có internet, điện thoại cũng chẳng có sóng, thứ máy móc hiện đại nhất để liên lạc với nhau là bộ đàm. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con khiến những người đàn ông cứng rắn nhất cũng rơi nước mắt mỗi lúc chạy xa cách lán trại cả cây số để hứng sóng điện thoại nghe con gọi “ba ơi!”. Đêm xuống, tưởng có thể đặt lưng xuống ngủ ngon lành thì gió lớn giật tung những tấm bạt, mưa đá dội xuống ướt mèm những lớp chăn. Anh em hì hục dậy căng lại bạt, tiếp tục ngủ trong chăn ướt, giá lạnh, trên những chiếc giường trúc khô khiến lưng đau ê ẩm, chờ đợi một ngày mai tươi sáng hơn, để… được làm việc.
Tồn tại bằng niềm tin, chiến thắng bằng ý chí
Mọi việc trở nên dễ thở hơn khi có cáp treo công vụ nhưng cáp công vụ cũng không giúp gì nhiều cho những người “lát đá lên đỉnh trời.” Để có thể lát 639 bậc đá với 4.425 viên đá bậc cấp nguyên khối từ khu nhà ga Fansipan lên nóc nhà Đông Dương, mồ hôi đã trộn lẫn với máu. Đã có lúc cả trăm công nhân bỏ việc vì không thể chịu nổi vất vả. Sức người có hạn, không ai dám trách họ, bởi mỗi trụ đá nguyên khối lan can nặng 300kg, 20 người khiêng vác, không có máy móc trợ giúp, trong điều kiện không khí thiếu ô-xy, đường trơn dốc, chịu sao thấu. “Dân phượt khi bò bốn chân trên các thang sắt mà công nhân vác đá đi lên hỏi tại sao anh em Fansipan có thể bốc vác đá lên đỉnh trời trên từng bậc cấp thép được, chúng tôi chỉ có thể trả lời ngắn gọn trong ba từ: Vì cộng đồng” - anh Trần Công Mỹ kể. Vì cộng đồng, những chiến sĩ Fansipan đã lát đá lên đỉnh trời, đã mang ánh sáng điện lên từng cung bậc Fansipan.
Anh em công nhân thi công đường điện cũng chẳng sung sướng gì hơn. Khoảng cách mỗi trụ điện lên tới vài ba trăm mét đường đồi núi, không thể đi về trong ngày, họ đành ngủ rừng, trong những lán bạt sơ sài, lấy cây trúc khô làm giường, lá cây làm đệm. Cả tuần họ cứ diễn đi diễn lại một món thịt lợn gác bếp và các loại củ đã ôi héo vì gió rét. Cái đói, cái rét khiến anh em khi xuống núi ai cũng gầy nhom, mặt mũi đen nhẻm, tóc tai bù xù, đúng nghĩa “người rừng”.
Từng móng trụ cột được thi công tiến đến gần đến phía chân của đỉnh Fansipan hơn. Có những người đuối sức bỏ về, vẫn còn những người ở lại, động viên nhau tiếp tục. Mục tiêu duy nhất lúc này chỉ là đưa nguồn điện cao thế lên trên đỉnh Fansipan. Mồ hôi trộn nước mắt, nỗi nhớ nhà và sự thiếu thốn vật chất khiến con người ta rã rời tinh thần lẫn thể xác. Nhưng anh em Fansipan vẫn bám trụ đến cùng, bởi như Trần Công Mỹ nói: “Mỗi lần ngắm hoa đỗ quyên trên đỉnh Fansipan, chúng tôi cảm thấy mình cũng như loài hoa kiên cường kia, trong những hoàn cảnh và điều kiện khắc nghiệt vẫn vươn lên đón đầu những con gió, đơm hoa rồi trổ bông rực rỡ!”.
Ngày rực rỡ vinh quang
Ngày cáp treo Fansipan khánh thành và nhận cùng lúc 2 kỷ lục Guiness “Cáp treo 3 dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1.410m” và “Cáp treo 3 dây dài nhất thế giới: 6.292,5m”, không ai có thể tưởng tượng được họ - những người bám mặt trận đến cùng - sung sướng cỡ nào.
Ngắm cáp treo lao đi, mang theo những nụ cười trẻ thơ, ánh mắt bừng sáng của những người già, tiếng reo hò phấn khích của người trẻ, mỗi “người lính trên mặt trận cáp treo Fansipan” không khỏi bồi hồi xúc động và tự hào. Anh Phạm Đức Hùng - Giám đốc Cty TNHH Dịch vụ du lịch Cáp treo Fansipan- Sa Pa, một trong những người đầu tiên tham gia đoàn quân kiến tạo nên cáp treo nói: “Cứ đi qua mỗi trụ của Cáp treo, tôi lại hồi tưởng lại hình ảnh các cán bộ công nhân lặng lẽ làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để đi đến một cái đích chung là ngày hôm nay. Mồ hôi, máu đã đổ nhiều nhưng thật xứng đáng để cống hiến cho xã hội, cho sự kiêu hãnh của chính bản thân mình”.
Những ngày cáp treo Fansipan thi công, nhiệt độ ngoài trời luôn từ -20C đến -70C, băng giá, sương mù bao phủ, không khí loãng, thiếu ô-xy để thở, thiếu cả thức ăn nước uống để tồn tại. |
Phương Anh
Theo