Thứ sáu 13/09/2024 12:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Những biện pháp phòng chống sét đánh khi xảy ra mưa dông

18:29 | 16/06/2016

Hiện các khu vực trên cả nước đang vào mùa mưa dông, nên hiện tượng sét đánh thường xuyên đã và đang gây nhiều thiệt hại về người và của tại một số địa phương. Do đó, việc phổ biến rộng rãi các biện pháp để mọi người biết cách phòng, chống sét nhằm giảm thiểu những nguy cơ do hiện tượng này gây ra là rất cần thiết.


Ảnh minh họa.

Các nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong 3 tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh.

Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ một năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét. Khu vực như Cổ Dũng (Hải Dương), Sơn Lộc (Hà Tĩnh), Đồng bằng sông Cửu Long... là những nơi được coi là tâm sét.

Từ năm 2005, Viện Vật lý địa cầu hoàn thành công trình nghiên cứu về dông sét và các giải pháp phòng chống. Kết quả nghiên cứu đã có đủ dữ liệu để có thể xây dựng quy phạm phòng chống sét tại Việt Nam. Tuy vậy, phòng chống sét tuyệt đối là điều không thể đối với loài người hiện nay. Không chỉ Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng chỉ có thể nghiên cứu để giảm thiểu tác hại của loại hình thiên tai này.

Về phòng, chống sét ngoài trời, cơn dông thường kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km một giờ. Khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như mây đen, không khí lạnh, gió. Có thể ước tính được khoảng cách từ nơi đang đứng tới nơi sét xảy ra bằng cách ước lượng khoảng thời gian từ lúc tia chớp lóe lên và lúc nghe thấy tiếng sấm. Chia số giây cho 3 sẽ được khoảng cách đến tia sét. Ví dụ đếm được 3 giây thì sét cách vị trí đứng là 3/3= 1km.

Ngoài ra còn có phương pháp xác định vị trí của sét đó là cảm nhận cơ thể khi đang ở khu vực dông, mưa. Nếu thấy lông tay, tóc rung lên thì chúng ta đang có nguy cơ bị sét đánh, trong trường hợp này phải lập tức chụm hai chân lại, dùng tay bịt tai, cúi thấp người (nhưng không để cơ thể chạm đất ngoài hai bàn chân). Sau khi nghe tiếng sét khoảng 7-10 phút thì cơn sét đã qua có thể trở về trạng thái bình thường. Nếu thời gian này nhỏ hơn 20 giây thì phải di chuyển đến nơi an toàn hơn.

Khi nghe thấy tiếng sấm đầu tiên bất kể là gì cũng cần phải thấy nguy hiểm đã đến. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km. Người đang lao động hoặc đi lại ngoài trời cần tìm nơi trú an toàn. Nếu ở ngoài trời, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt...

Nên tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất; nhón chân, không được nằm xuống đất. Đặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau.

Với phòng chống sét trong nhà, khi sắp xảy ra dông, biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà hay ở lại công sở. Các ngôi nhà, trụ sở làm việc... nên lắp đặt hệ thống chống sét (đơn giản nhất là cột thu lôi).

Khi ở trong nhà nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông gần xảy ra.

Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Cần rút ăngten ra khỏi tivi khi có giông. Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào, lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất./.

Theo Minh Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load