(Xây dựng) - Ngày ấy, cách đây chẳng bao lâu, khi các chợ Hà Nội còn đông vui như các chợ Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Hôm, Chợ Bưởi, Chợ Mơ... thì chợ nào cũng có một góc riêng cho các bà hàng lá. Các bà đều trung tuổi trở lên hoặc già khụ chứ chẳng thấy ai trẻ, tôi không hiểu vì sao lại thế. Các bà ấy đều là người làng Đại Yên, một làng vốn là một trong thập tam trại của Hà Nội xa xưa chuyên trồng cây thuốc Nam. Bà nội tôi còn kể chuyện cụ Trưởng, một cụ lang chuyên trị bệnh bằng thuốc Nam ở làng đó hay nức tiếng và sau này có ông lang Sự ở Đội Cấn gần đó cũng rất giỏi và cả hai cụ đều hay giúp người cứu mạng làm phúc...
Ảnh minh họa (Nguồn: Intetnet). |
Góc riêng ở các chợ dành cho hàng bán lá thuốc thường là một góc chợ khiêm tốn, không huy hoàng sáng rỡ ở giữa trung tâm chợ như các dẫy hàng khác, chắc xưa nay người ta cho rằng hàng thuốc Nam là dân dã, rẻ tiền chăng? nên phần đóng góp thuế má và các lệ phí khác cho chợ cũng không nhiều?
Cũng như dẫy hàng của mình, các bà bán lá rất giản dị. Các bà toàn mặc áo cánh nâu và khăn mỏ quạ đen y như tranh cụ Nguyễn Phan Chánh thường vẽ, từ nhỏ tôi đã ngạc nhiên sao trông bà nào cũng giông giống nhau thế nhỉ? Và mẹ tôi tủm tỉm bảo tôi rằng: Con tinh ý đấy vì các bà người cùng làng - có thể là dây mơ rễ má họ hàng với nhau cả, lại trạc lứa tuổi như nhau, ăn mặc cùng kiểu thì giống nhau là phải.
Nhưng các bà bán lá thì tuy áo nâu tối màu mà người rất thơm tho như có mùi lá xả, lá hương nhu, lá bưởi ám vào. Đừng coi thường các bà nhé, vì họ đều biết nghề chữa bệnh bằng lá thuốc Nam đấy ạ... Ngoài lá xông giải cảm gội đầu là món hàng thông dụng chung, cứ ai đến kể bệnh thì các bà bốc thuốc trị ngay. Từ trẻ con rôm sảy, mụn nhọt cho chí đau thấp khớp đau trĩ... bà bốc cho nắm lá dặn sắc thế này thế kia, khách dùng hầu như đều có đỡ hơn. Cần nữa thì uống thuốc tễ là những viên nhỏ tròn tròn, đen đen, hơi thơm làm bằng cao lá thảo dược các bà cũng có ngay hàng mấy loại ấy chứ lỵ.
Bà khéo buộc nắm lá xông lá gội đầu thơm sực ngát mùi xả, mùi hương nhu bằng cái đọt chuối gọn gàng mà không ai không nhớ. Nắm mùi già tiệt sởi của bà phơ phất như lá liễu, hiền hòa như bó hoa cắm lọ. Con bé mọn lên thủy đậu hay mắc sởi thì thuốc Tây nào đọ nổi cái nắm lá rẻ tiền của bà. Tôi còn nhớ có dạo em bé gái tôi bị chàm sữa, da mặt mỏng tanh của bé cứ ngứa sần đỏ lên, bé khó chịu quấy khóc rất tội nghiệp, mẹ tôi đưa đi bác sỹ chữa mãi cứ đỡ một ít lâu lại tái phát. Sau chỉ nhờ ít phèn chua phi lên hòa vào nước kinh giới đun sôi để nguội mà tắm bây giờ da cô em trắng hồng đẹp nõn nà từ ngày ấy... Cậu tôi hay bị đi kiết theo lời bà chỉ mua nắm lá mơ tam thể hòa trứng gà nướng lên mà khỏi hẳn.
Chính tôi đây này năm 1965 về Hà Nam thăm các em sơ tán tận xã Lê Hồ - Kim Bảng bị nóng thế nào lên một cái nhọt ở bắp đùi to tướng, đau nhức nhối gần chết. Vội trở về Hà Nội tìm bà hàng lá kể lể... bà hàng thấy tôi đau đớn như phát sốt. Xem cái nhọt của tôi rồi ung dung phán:“Bắp chuối đây mà".
Thế rồi nhờ bài thuốc kim ngân khúc khắc gồm rất nhiều lá và cả quả ké đầu ngựa khô sắc lên, cái nhọt quái quỷ đã đầu hàng... Bà bán hàng hòa nhã, thủ thỉ còn dẫn lời cụ Hải Thượng Lãn Ông: Nam dược trị nam nhân nữa mới nể chứ...
Ôi thật nhớ sao nhớ thế các gánh hàng lá góc chợ với bà hàng lá không bao giờ là trẻ, không khi nào rời cái áo cánh nâu thơm mùi hương nhu dìu dịu.
Nhớ tay bà rút đọt lá tre, lá bưởi cả gai kềnh càng lẫn vài nhánh hương nhu, mấy quả bồ kết, dùng cây xả quấn quanh thành một nắm lá gội đầu rẻ tiền lại dầy tóc ngát hương...
Nhớ lúc bà thành thạo dốc lọ thuốc tễ, chả thèm đếm mà trăm viên chỉ hơn kém có vài viên, ân cần dặn uống ngày mấy bận với nước âm ấm nhé như một thầy lang có hạng...
Bây giờ các bà hàng lá ở đâu nhỉ? Đi các chợ phần lớn đã thành Trung tâm thương mại, phòng tập thể hình, tìm mỏi mắt góc hàng lá của các bà Đại Yên mà chả thấy. Góc chợ hàng Bè trước còn hai bà, một ở đầu Đinh Liệt, một ở góc Cầu Gỗ giờ cũng đi đâu cả...
Chợ Hàng Da còn tầng hầm cũng dành một góc xa nhất, ẩm thấp nhất cho hàng lá mà tôi lùng mãi mới ra,
Hỡi ôi! Dãy hàng cá bán cạnh đó đã át hết mùi hương lá chanh, lá bưởi, xả, hương nhu rồi còn đâu... Lại người bán là những cô chưa đủ già, tóc quăn thời trang - bốc các loại lá đánh xoạt, tống tuốt tuồn tuột vào cái túi nilon, trông đủ nản, chả còn muốn kể bệnh mua thuốc tễ với lá lẩu nào nữa... Chán chả buồn nhắc nhưng hễ cứ nhìn tranh cụ Chánh thì nhung nhớ lại hành trí não tôi đến là khắc khoải. Góc hàng với những bà bán lá ơi! Các bà giờ ở đâu, bảo tôi với! Cho tôi tìm lại một nét chợ quen ngày nào.
Phạm Hồng Thế
Theo