(Xây dựng) – Những công trình xây dựng từ thời Pháp là điểm đến không thể bỏ qua cho bất kỳ ai đến với Hà Nội. Người Pháp khi đến Đông Dương đã quy hoạch Hà Nội thành một trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế lớn. Bởi vậy, rất nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng một cách bài bản, quy mô vẫn còn nguyên giá trị và vẻ đẹp cho đến ngày nay. Chúng vẫn mang một vẻ đẹp mỹ miều, đem lại cho Hà Nội một dáng vẻ rất riêng.
Bưu điện Hà Nội được thực dân Pháp thành lập từ năm 1884, ngay sau khi triều Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng, chấp nhận chế độ bảo hộ. Vị trí của Bưu điện Hà Nội là nền chùa Báo Ân cũ.
Bưu điện Hà Nội
Ngay khi quy hoạch và mở rộng Hà Nội với việc lấy khu vực Hồ Gươm làm trung tâm để phát triển, người Pháp đã nghĩ ngay đến việc xây dựng tại đây một trung tâm bưu điện, thông tin liên lạc. Đó là lý do vì sao Sở Bưu điện Hà Nội là một trong những công trình được xây dựng ngay từ khá sớm.
Năm 1943, Sở Bưu điện Hà Nội xây dựng thêm một tòa nhà mới nằm ở góc phố Đinh Lễ. Tòa nhà này do kiến trúc sư Henri Cerutti thiết kế. (Nguồn: Internet)
Vào năm 1888, người Pháp phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Tháp Hòa Phong vốn gắn liền với quần thể chùa Báo Ân xưa là di tích duy nhất của quần thể bề thế một thời vàng son còn sót lại đến ngày nay.
Vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dịch vụ bưu điện với hoạt động trao đổi thư từ và những khoản thu từ thuế mà nó mang lại trở thành yếu tố quan trọng trong công cuộc khai thác thuộc địa, đến mức phương tiện liên lạc này còn được người Pháp coi như sự làm chủ lãnh thổ nơi nó tồn tại.
Đi từ phố Đinh Tiên Hoàng hiện nay, người đi bộ được chứng kiến một khung cảnh lý thú của khu đô thị, nơi nối tiếp khu công thự được xây dựng theo phong cách cổ điển, gợi nhớ về một thành phố của Pháp, một dải bê tông ngoại cỡ với vẻ thô cứng kiểu Xô Viết và cuối cùng là một cánh cổng hiện đại mà khát vọng hoành tráng đã ít nhiều giảm bớt để tương ứng với kích thước của một ngôi nhà nhỏ.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Bảo tàng Louis Finot, ban đầu có tên là Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, được khởi công năm 1926 và hoàn thành năm 1932. Công trình đại diện cho phong cách kiến trúc Đông Dương, kết hợp với các giá trị kiến trúc Pháp và bản địa.
Đây là Viện bảo tàng của trường Viễn Đông Bác cổ, trước đó đây là nơi trưng bày những đồ cổ thu thập từ các nước ở Đông Nam Á. Nǎm 1958, người Pháp bàn giao lại ngôi nhà này cho chính quyền cách mạng mới. (Nguồn: Internet)
Năm 1958, Chính phủ Việt Nam chính thức tiếp quản, chuyển đổi từ Bảo tàng Nghệ thuật thành Bảo tàng Lịch sử và đưa vào hoạt động từ ngày 03/09/1958. Những hiện vật, tư liệu lịch sử trong bảo tàng sẽ cung cấp cho du khách cái nhìn đầy đủ và toàn diện về các giai đoạn lịch sử của Việt Nam từ thời tiền sử cho đến giai đoạn đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được chia thành 2 khuôn viên: Khu A của bảo tàng tọa lạc tại số 1 phố Tràng Tiền, Hà Nội và khu B nằm trên số 25 phố Tông Đản đối diện song song.
Hiện nay, công trình Bảo tàng Louis Finot trở thành trụ sở chính của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 1 Tràng Tiền.
Với diện tích trưng bày gần 4.000 m2 và khoảng 10.000 tư liệu hiện vật, hệ thống trưng bày chính của bảo tàng được thể hiện theo nguyên tắc trưng bày niên biểu, lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn và sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, bảo tàng giống như một cuốn sử sống của dân tộc Việt Nam.
Tháp rùa, hồ Gươm – Biểu tượng linh thiêng của người dân cả nước
Nằm giữa hồ Gươm, từ lâu tháp Rùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa hồ Gươm. Theo sử ghi, tên gọi tháp Rùa là vì tháp được xây trên đảo rùa - gò đất nhỏ nổi lên giữa hồ, nơi rùa hồ Gươm thường lên phơi nắng hay đẻ trứng.
Theo ghi chép, tháp được xây từ thời vua Lê Thánh Tông để làm nơi nhà vua ra câu cá. Sang thời Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ XVII - XVIII, chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò, nhưng đến thời nhà Nguyễn thì không còn.
Tháp Rùa là tên gọi nôm na của người dân để gọi ngọn tháp 3 tầng nằm trên gò Rùa giữa hồ Gươm. (Nguồn: Internet)
Thời Pháp thuộc, trên đỉnh tháp Rùa có dựng một phiên bản của tượng Nữ Thần Tự Do (1890 - 1896) mà dân chúng châm biếm gọi là tượng Đầm Xòe. Sang thập niên 1950 tượng này đã bị phá bỏ.
Từ lâu hình ảnh hồ Gươm và tháp Rùa được soi bóng trong văn, thơ, hoạ nhạc, như một biểu tượng lung linh cho Hà Nội.
Mặc dù tháp chỉ được xây vào nửa cuối thế kỷ XIX, tuy nhiên, nhờ nằm ở vị trí đẹp giữa hồ Gươm, cộng với lối kiến trúc Pháp kết hợp với kiến trúc bản địa đã tạo nên nét đẹp độc đáo, riêng biệt của tháp Rùa. Do đó, ngọn tháp Rùa đã trở thành biểu tượng thân thiết của Thủ đô Hà Nội.
Đại học Đông Dương
Ngày 16/5/1906, Toàn quyền Paul Beau đã ký ban hành Nghị định số 1514a thành lập Đại học Đông Dương.
Đại học Đông Dương là mô hình đại học đa ngành, có tính liên thông và có quyền tự chủ cao và là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Người Pháp thành lập Đại học Đông Dương trước hết nhằm mục đích xây dựng một cơ sở giáo dục bậc cao phục vụ nhu cầu đào tạo một đội ngũ trí thức bản địa có thể tham gia vào bộ máy cai trị của họ.
Đại học Đông Dương nằm trên phố Lê Thánh Tông ngày nay, được hoàn thành năm 1927. Công trình đánh dấu sự trỗi dậy của nghệ thuật pha trộn giữa phương Tây và phương Đông. (Nguồn: Internet)
Nhưng ở một nghĩa khách quan, xây dựng Đại học Đông Dương còn có ý nghĩa tích cực trong việc tạo lập một tầng lớp trí thức bản địa mới. Với tinh thần dân tộc cao, chính tầng lớp này đã có vai trò lịch sử quan trọng trong giải phóng dân tộc thế kỷ 20.
Đại học Đông Dương là một mô hình đại học đa ngành, ngôi trường này có tính liên thông và quyền tự chủ rất cao. Đây cũng là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên tại Việt Nam.
Cho đến nay, các mô hình đại học phương Tây đều được coi là niềm tự hào của nền giáo dục hiện đại tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nó tượng trưng cho đỉnh cao trí tuệ và là sự thay đổi tất yếu theo kịp xu thế thời đại.
Ga Hàng Cỏ – Nhà ga trăm tuổi trong lòng Hà Nội nghìn năm
Có thể nói vào những năm đầu thế kỷ 19, ga Hàng Cỏ là một trong những công trình kiến trúc được xếp vào loại kỳ quan thế kỷ, bởi chẳng mấy ai tưởng tượng nổi ở trên cái chợ bồng bềnh bông lau trắng thuộc huyện Thọ Xương ngày xưa ấy, lại mọc lên một “lâu đài” đẹp và nguy nga đến thế.
Thế rồi những tiếng còi đầu tiên vang lên, những chiếc tàu chạy bằng đường sắt lần đầu tiên đã có mặt tại Hà Nội. Chính cái khoảnh khắc quan trọng ấy đã trở thành một dấu mốc quan trọng, mở đầu cho sự phát triển của ngành đường sắt Việt Nam sau.
Lúc đầu ga Hàng Cỏ nằm trong diện tích hơn 21ha, trong đó diện tích xây dựng là 105.000m2 nhà cửa, còn là sân ga, đường sắt, các nhánh đường cho các đoàn tàu tránh nhau, ăn khách, dỡ hàng. (Nguồn: Internet)
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ga Hàng Cỏ không chỉ là cầu nối quan trọng để tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược... từ địa phương ra tiền tuyến mà còn là nơi xuất phát cho hàng trăm chuyến tàu đưa những con người yêu nước của Thủ đô lên đường. Cũng chính nơi đây, bao bài ca đất nước đã vang lên, những giọt nước mắt chia ly rớt xuống, hứa hẹn ngày trở về.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vào năm 1975 ga Hàng Cỏ được đổi tên thành ga Hà Nội và trở thành nhà ga vận chuyển hành khách lớn nhất cả nước.
Người đến ga Hà Nội và đi tàu đã cảm nhận được sự tận tình từ mỗi nhân viên phục vụ, luôn được họ sẵn lòng giúp đỡ để có một chuyến đi thoải mái.
Ngày nay, khi đến ga Hà Nội hành khách sẽ được chứng kiến một nhà ga hiện đại, văn minh với hệ thống phòng đợi tàu, phòng đợi khách liên vận quốc tế khang trang. Cơ sở hạ tầng của nhà ga đang được từng bước hoàn thiện và phát triển nhằm phục vụ một cách tốt nhất cho nhu cầu của du khách.
Tháp nước Hàng Đậu
Tháp nước nằm ở ngã sáu các phố Hàng Đậu, Hàng Than, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Cót, Hàng Giấy. Năm 1894, tháp nước được xây dựng bằng đá từ phế liệu phá thành Hà Nội. Tháp trông như một pháo đài gồm ba tầng, hình trụ tròn đường kính 19m, cao 25m, mái tôn hình chóp nón, xung quanh có những cửa sổ nhỏ như lỗ châu mai.
Năm 1894, tháp nước được xây dựng bằng đá từ phế liệu phá thành Hà Nội. (Nguồn: Internet)
Để tránh cái cảm giác nặng nề do chất liệu xi măng đá hộc gây nên, nhà thiết kế đã cố gắng bao phủ mặt ngoài công trình bằng các giải pháp tạo hình thẩm mỹ bắt mắt: Các vòm cửa hình vòng cung, các mô-típ trang trí sắt uốn, các đường diềm phân tầng, các hình kỷ hà vuông tròn tiếp nối chạy vòng quanh thành những giải phân tầng nhẹ nhõm.
Tháp nước Hàng Đậu tồn tại như một vật chứng, một chứng tích một thời nô lệ và độc lập, áp bức và giải phóng.
Bây giờ tuy không còn công năng chứa nước và cấp nước, song công trình lại có một ý nghĩ to lớn: Tồn tại như một vật chứng, một chứng tích một thời nô lệ và độc lập, áp bức và giải phóng.
Văn Thế – Hải Nguyên
Theo