Thứ bảy 20/04/2024 03:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhọc nhằn bán vốn tại các doanh nghiệp

16:39 | 08/08/2020

Hoạt động bán vốn trong năm nay đang vấp phải nhiều khó khăn khi thị trường chứng khoán và tài chính bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

nhoc nhan ban von tai cac doanh nghiep
SCIC chưa thể bán vốn nhà nước tại FPT. Ảnh: FPT

Vào ngày 7.8 vừa qua, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), nơi SCIC đăng ký thực hiện đấu giá lô hơn 46 triệu cổ phần tại FPT đã phải ra thông báo hủy tổ chức buổi bán đấu giá. Nguyên nhân là đến thời điểm kết thúc thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc mua cả lô cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần FPT thì không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá.

Việc thoái vốn FPT ở thời điểm này được các chuyên gia trên thị trường đánh giá là không mấy hấp dẫn dù đây là doanh nghiệp đạt tăng trưởng tốt. Theo phân tích của ông Nguyễn Duy Phương, chuyên viên CTCK VCSC, với tỷ lệ sở hữu trên cũng chỉ chiếm hơn 5% cổ phần tại FPT nên mức độ hấp dẫn từ đợt thoái vốn này không cao. Thứ nhất, cuộc chơi chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước vì đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã kín room 49%. Thứ hai, các nhà đầu tư trong nước nếu mua lô cổ phần này sẽ chỉ phục vụ được mục tiêu đầu tư tài chính, bởi tỷ lệ sở hữu trên không đủ để họ tham gia vào công tác quản trị doanh nghiệp. Dưới góc độ đầu tư tài chính với mức giá trúng đấu giá có thể khiến tổ chức phải trích lập dự phòng ngay một khoản không nhỏ so với chênh lệch thị giá cổ phiếu trên sàn. Sẽ khó có tổ chức nào chấp nhận phương án kinh doanh trên.

Trước đó, nhiều buổi bán đấu giá cổ phần của SCIC tại một số công ty cũng phải thông báo hủy do hết thời hạn nhưng không có nhà đầu tư đăng ký đấu giá. Theo thông tin từ SCIC, nếu năm 2019, SCIC chỉ bán được 314 tỉ đồng, thì trong 6 tháng đầu năm, đã bán vốn được khoảng 700 tỉ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đạt 54% kế hoạch. Tình hình được dự báo khó khăn khi thị trường chứng khoán và tài chính bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia thì việc thoái vốn nhà nước còn lại theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020 không hề đơn giản, vì còn nhiều vướng mắc trong các quy định hiện hành, đặc biệt là tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Luật sư kinh tế Nguyễn Thanh Nhã, văn phòng luật DBS đưa ra phân tích, một khó khăn lớn hiện nay là cơ chế xác định giá khởi điểm bán cổ phần. Theo quy định, trường hợp giá khởi điểm thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán, thì lấy giá tham chiếu làm giá khởi điểm chuyển nhượng vốn. Việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải đảm bảo giá giao dịch (giá sàn) không thấp hơn giá khởi điểm.

Như vậy, trong trường hợp thị trường chứng khoán tăng, giá sàn khi đem đấu giá phần vốn nhà nước phải lấy theo giá thị trường giao dịch bình quân 30 ngày liên tiếp. Ngược lại, khi thị trường giảm, thì giá sàn không được thấp hơn giá khởi điểm, trong khi giá khởi điểm và giá giao dịch trên thị trường luôn có khoảng cách.

Cách xác định giá sàn quá chặt chẽ, không linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, đang gây ra nhiều khó khăn trong việc bán vốn tại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và các doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số, luật sư Nhã phân tích.

Theo Gia Miêu/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load