Thứ năm 28/03/2024 16:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhìn về vụ xét xử mua bán AVG: “Hội chứng” thao túng quyền lực

16:00 | 26/12/2019

(Xây dựng) - Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử vụ đại án mua bán giá trị DN ảo AVG “bật ra” nhiều chuyện và những chi tiết như “diễn” hài của các bị can.

nhin ve vu xet xu mua ban avg hoi chung thao tung quyen luc

1. Sự thành thật khai báo trước Hội đồng xét xử của các bị cáo Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ và các lãnh đạo thuộc cấp của Mobifone cho đến cả việc bị cáo Nguyễn Bắc Son khai nhận lúc thế này khi thế khác càng lộ ra bản chất lươn lẹo gian manh tưởng “khéo” mà lại chẳng “khôn”. Cái đích của phiên tòa là chỉ rõ bản chất vụ án, xử đúng người đúng tội, không để ai lọt tội, ai oan sai, nên khi đưa ra các mức án cho từng bị can đều được các luật sư tranh tụng rất thẳng thắn công khai. Các bị can được quyền tự bào chữa cho chính mình, cùng với những lời bào chữa của các luật sư cho từng thân chủ càng thể hiện rõ phiên tòa xét xử công khai minh bạch.

Nhưng nhìn với con mắt thẳng thắn ở nhiều góc cạnh thì vụ án có nhiều vấn đề không thể không bàn. Mới thấy cốt lõi “đẻ ra” vụ án hy hữu với 14 bị can đưa ra xét xử về làm trái, làm ngược các quy định về đầu tư công bằng tiền ngân sách và tội đưa hối lộ, nhận hối lộ lớn có một không hai bị phanh phui chính là từ quyết định mua giá trị DN ảo AVG. Quyết định sai này cần mổ xẻ từ đâu? Nhà nước có cần thiết phải mua thêm kênh truyền hình AVG này khi đã có hàng loạt kênh VTV, Nhân Dân, Quốc hội, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các kênh của truyền hình của 63 tỉnh thành? Nếu việc mua bán này được công khai trước dư luận báo chí để cho các chuyên gia kinh tế và người dân phản biện, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là không cần thiết phải ném cả núi tiền ra mua cái không cần ấy. Nhưng chính vì sự mua bán cứ nửa kín nửa hở dưới bàn tay đạo diễn kiêm kịch bản vụ mua bán này nên mới sinh thành chuyện.

2. Đi đến cùng sự thật, truy đến cùng bản chất vụ đại án phải mổ xẻ từ cái sự thổi vống giá trị AVG lên tận “trời xanh”. Đó chính là những chiêu trò của một án có sự lừa đảo, có vẽ ra những huyễn hoặc ảo tưởng về hiệu quả của AVG của nhóm lợi ích kết bè kéo cánh với nhau ngồi cùng chung một thuyền không? Nói gì khi AVG tài chính không sạch mà ai đó cứ “tung hê” như DN AVG với bức tranh vàng son lấp lánh về sức mạnh tài chính? Có hay là AVG thua lỗ và nợ nần đủ thứ, là thực trạng tài chính DN rất xấu. Thế mà chả hiểu chỉ đạo chọn cơ quan thẩm định giá trị AVG kiểu gì mà đẩy giá, “thổi vống” giá lên để quyết định Mobifone phải mua với cái giá gần 8.900 tỷ đồng, gấp tới 15 lần giá trị phần kinh doanh truyền hình hiện có của AVG! Dấu hiệu lừa đảo trong vụ án này ai cũng nhìn rất rõ. Nhưng tiếc rằng phiên tòa với cáo trạng dày gần 60 trang lại không hề xem xét và nhắc đến là có sự lừa đảo hay không? Có hay mấu chốt khởi đầu chính là từ những chiêu trò thổi vống giá AVG để moi bạc tiền từ ngân sách. Phải chỉ thẳng vụ án này “chơi con bài” rất cao tay, khi họ hiểu rõ những quy định của pháp luật. Nếu “thổi vống” lên 10.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải trình ra Quốc hội thẩm định phê duyệt. Thế nên họ biết né, biết tránh luật hợp đồng ký tá chỉ dừng ở con số gần 8.900 tỷ, đúng ra là với con số lẻ rất đẹp để tỏ rằng được tính toán kỹ từng xu, chứ không phải họ không biết “nâng niu từng đồng ngân sách”.

Tinh vi và xảo trá ngay từ con số thẩm định giá mua này. Trắng trợn và tế nhị hơn, khi chọn ngày ký tá là ngày liên hoan tổng kết của Mobifone theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son. Dù chỉ có một giờ để chuẩn bị với lời giục như ra lệnh của ông Son với ông Lê Nam Trà: “Cậu ký đi!”. Thế nên vụ án xét xử tòa án cần truy đến cùng xem đại gia DN tư nhân ông chủ AVG Phạm Nhật Vũ có giật mình không, khi đại gia này hơn ai hết thừa biết giá trị thật của AVG, sao có thể “thổi vống” giá trị ảo lên nhiều lần như thế? Bàn tay sắp đặt cho cái “giá ảo” này là những ai, họ “diễn” những chiêu trò gì để có thể “qua mặt” các bộ ngành, để việc ký hợp đồng mua bán quá nhanh, và bạc tiền “cả núi” lại có thể giải ngân nhanh chóng như thế?

Nhìn thẳng ra thì những văn bản đóng dấu “Mật”, và “Tuyệt mật”, chính là những bức “tường thành”, những “chiếc lá chắn” kỳ diệu để chặn lối báo chí, và chặn cả nghi ngờ của các cán bộ cục vụ dưới quyền ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn và cả các thuộc cấp của ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải ở Mobifone. Ấy là chưa kể “cái uy” của Bộ trưởng TT&TT, “cái uy” như “vua con”, như ông “trời con” của ông Lê Nam Trà không ai dám cãi lời ngay trong nội bộ DNNN Mobifone mà trước tòa, một nữ Phó tổng giám đốc giọng quá ngậm ngùi xót xa cho những đồng nghiệp của mình bị vạ lây đã “nói toẹt” cả ra.

“Phơi ra” trước “thanh thiên bạch nhật”, chính là “hội chứng” thao túng quyền lực ở ngay cái ghế quyền uy Bộ trưởng TT&TT cuối nhiệm kỳ vẫn cố “giơ vuốt giương oai” đã vô tình lún sâu vào thao túng quyền lực như căn bệnh trầm kha. Đến nỗi ông Trương Minh Tuấn không phụ trách mảng DN vẫn cứ phải cúi đầu ký tá cả văn bản đồng ý mua AVG cho đến công văn đề nghị Bộ Công an đưa các văn bản vào danh mục “Mật”. Với trình độ như ông Trương Minh Tuấn, không phải ông không biết mình sai ngay từ khi hạ bút, nhưng vì cái chức Thứ trưởng giúp việc Bộ trưởng như “phận mỏng cánh chuồn”, hay cả sự kỳ vọng về cái ghế Bộ trưởng quyền uy sẽ là người kế nhiệm ông Son ngay trước mắt nên cúi đầu “ào ạt” cho qua chăng?

3. Không thể không giật mình khi trước tòa, ông Trương Minh Tuấn chả cần giấu giếm gì khi cho rằng 200 nghìn USD với lẵng hoa mà Phạm Nhật Vũ đem đến tận phòng làm việc của ông là quà mừng vào Ủy viên Trung ương, lên chức Bộ trưởng. Ông trải lòng rất thật: Dịp ấy nhiều người đến chúc mừng, ông nhận nhiều quà lắm nên chả nhớ hết! Nghe ông nói giữa tòa, chợt nhớ đến đã có lần ông Tuấn hùng hồn tuyên bố: Ông không bao giờ nhận quà cáp gì của ai. Mới thấy quan chức oai uy như ông Tuấn nói và làm còn xa vời, còn huyễn hoặc, còn “diễn”, còn “làm màu” như chuyện trên trời và dưới đất.

Những chi tiết, những chuyện thật mà như “hài - hề” ấy của ông Trương Minh Tuấn và cả khi nghe ông Nguyễn Bắc Son buổi sáng chối không có chuyện nhận 3 triệu USD, rồi ngay buổi chiều lại “nhoen nhoẻn” nhận là có, nhưng không phải đưa cho cô “con gái rượu”, là cả một sự tính toán khôn ngoan cho một bài toán “cân não” với hội đồng xét xử. Ai bảo ông mệt mỏi bệnh tật nhớ nhớ quên quên bởi áp lực điều tra, xét hỏi? Cần chỉ thẳng: Ông Nguyễn Bắc Son rất minh mẫn nắm rất chắc các điều luật. Có hay khi thay đổi lời khai một hay rằng ông nhận hối lội, nhưng không đưa tiền cho con gái như lời khai trước đó, là tránh cho cô con gái thoát vòng lao lý cùng ông. Nhưng khi ông Son nói 3 triệu USD từ nhận hối lộ ông đã tiêu xài cá nhân, nhưng lại chả nhớ tiêu vào việc gì, thì có lẽ trẻ lên ba nghe cũng chả lọt tai.

Càng thấy “công bộc” ngồi ghế càng cao thì sự “trong sạch liêm chính” phải là cốt cách hàng đầu. Còn khi đứng trước đủ thứ “bả vinh hoa mùi phú quý” mà quan chức nào ngã lòng, mà không cưỡng nổi, không kiềm chế được lòng tham, thì trước sau cũng “ngã ngựa” như Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải… ắt là điều khó tránh!

Vụ “đại án” AVG đi vào lịch sử ngành tư pháp về làm trái phép nước, về đưa và nhận hối lộ lớn sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới. Không biết những ngày cuối phiên tòa cho đến khi tuyên án có còn “bật” thêm ra những chi tiết, tình tiết, những chuyện “hài bi” gì nữa. Nhưng dư luận vẫn cứ đặt ra hàng loạt câu hỏi: Có không chuyện lừa đảo từ khi thẩm định giá, có không việc để lọt tội lừa đảo, có không việc để “lợi ích nhóm” thao túng cấu kết với nhau? Có không việc Bộ TT&TT cùng Mobifone cấu kết với “đại gia” Phạm Nhật Vũ trong xây dựng kịch bản và đạo diễn thổi vống giá trị quá lớn AVG để moi tiền ngân sách? Cả câu hỏi chát chúa: Nếu không có Thông báo của Văn phòng Chính phủ đồng ý mua AVG, không có Bộ KH&ĐT bút phê đồng ý mua AVG, nếu không có sự “gật đầu” của “tư lệnh” ngành Tài chính, thì sao có vụ án này, sao có chuyện lại giải ngân cả “núi tiền” cho ông chủ AVG chóng vánh như thế? Vậy việc không xem xét trách nhiệm cá nhân của ai đó ở Văn phòng Chính phủ, ở Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính có phải là để lọt người lọt tội không? Rồi cả những gói quà chứa đầy “đô-la” Phạm Nhật Vũ tặng cho ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Lê Nam Trà, ông Cao Duy Hải, thì Phạm Nhật Vũ có còn đem hối lộ cho ai khác nữa mà chưa lộ ra “chân dung” danh tính không?

Chỉ đạo của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Quốc hội, của Chính phủ là không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ” cho bất cứ ai, chính là “pháp luật tối thượng” trong xử lý các vụ án tham nhũng, hối lộ được người dân cả nước đồng thuận, càng yêu cầu tất cả phải được làm rõ trong vụ án quá tai tiếng này.

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load