Hiệu quả bước đầu
Làn sóng ÐTNN lần thứ hai vào Việt Nam bắt đầu từ năm 2006 đã dâng cao đột biến trong năm 2008, vượt xa mọi dự báo của các cơ quan chức năng và các nhà kinh tế. Theo số liệu của Cục ÐTNN, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đến nay có 1.059 dự án ÐTNN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với số vốn đăng ký lên tới 59 tỷ USD và ước cả năm vốn ÐTNN đăng ký có thể đạt hơn 65 tỷ USD, gấp hơn sáu lần kết quả của năm 2006 và ba lần năm 2007.
Vốn ÐTNN thực hiện tuy thấp hơn so với vốn đăng ký, nhưng cũng tăng trưởng mạnh so với các năm trước, đạt 11,5 tỷ USD, gấp 1,5 lần năm 2007.
Sự góp mặt đáng kể của các nhà đầu tư Ca-na-đa, Hoa Kỳ... cùng với sự tham gia ngày càng tăng của Ấn Ðộ và một số nước Trung Ðông, làm cho bức tranh ÐTNN đa dạng hơn về chủ đầu tư.
Những dữ liệu nói trên cho thấy, mặc dù năm 2008 nền kinh tế nước ta gặp không ít khó khăn, tình hình giá cả - tiền tệ diễn biến phức tạp và dần về cuối năm, dòng vốn ÐTNN chịu ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng đầu tư trung hạn và dài hạn tại nước ta.
Nét nổi bật là đã xuất hiện những dự án công nghiệp có tầm vóc lớn như Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), thép ở Hà Tĩnh, cùng một số dự án quy mô đầu tư lớn xây dựng khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, trung tâm đại học quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế...
Kết quả nêu trên, xuất phát trước hết từ niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phát triển của nước ta, nhất là giữ vững ổn định an ninh chính trị và cải thiện môi trường đầu tư, thể chế kinh tế tiếp tục được hoàn thiện cùng với việc thực hiện mở cửa nền kinh tế theo lộ trình cam kết WTO.
Sự gia tăng các dự án mới cũng như vốn đăng ký và vốn giải ngân đã làm tăng quy mô của khu vực kinh tế có vốn ÐTNN tại nước ta. Trong số gần 9.700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 145 tỷ USD, đã có hơn 4.000 doanh nghiệp có vốn ÐTNN đang hoạt động, đóng góp hơn 40,7% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước (nếu không tính dầu mỏ và khí đốt thì tỷ lệ này là hơn 35%). Trong đó, đóng góp 55,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và nếu không tính xuất khẩu dầu thô, thì tỷ lệ này là hơn 38,4%. Hiện có hơn 1,45 triệu người đang làm việc trong các doanh nghiệp ÐTNN (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước).
Những thách thức lớn
Ðó là, tính khả thi của một số dự án lớn có quy mô vốn hàng tỷ USD còn hạn chế, gây lo ngại về tiến độ triển khai theo cam kết, nhất là trong bối cảnh nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đang gặp khó khăn về tài chính do tác động của cuộc khủng hoảng. Ở góc độ khác, có thể thấy khả năng hấp thụ 65 tỷ USD vốn đăng ký trong năm 2008 là không dễ dàng do những nút "thắt cổ chai" của nền kinh tế, nhất là về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong khi quy hoạch ngành và quy hoạch vùng lãnh thổ chưa hoàn thiện, việc các tỉnh, thành phố vận động đầu tư và cấp phép cho một số dự án còn chịu ảnh hưởng lớn từ lợi ích trực tiếp của từng địa phương, chưa tính đến một cách đầy đủ lợi ích chung của đất nước, của cả nền kinh tế; nhất là các yếu tố về môi trường, tiết kiệm trong sử dụng đất đai, khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng... chưa được coi trọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, sản xuất hàng xuất khẩu còn nhỏ, trong khi đó dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản quá lớn. Nhu cầu thu hút đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, các nhà máy điện... là rất lớn, nhưng vẫn còn thiếu vắng các dự án đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT...
Các thủ tục đầu tư sau cấp phép, nhất là thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng chưa được cải thiện, thậm chí tại một số địa phương đang trở thành vấn đề khó khăn lớn, cản trở tiến độ triển khai dự án.
Tiếng chuông cảnh báo về ô nhiễm môi trường đã được rung lên hơn bao giờ hết, đối với cả các dự án ÐTNN và trong nước, cả các khu công nghiệp và các dự án nằm ngoài khu công nghiệp. Ðây là vấn đề không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai, đòi hỏi phải đặt thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình thu hút cũng như quản lý hoạt động của các dự án đầu tư.
Coi trọng chất lượng
Theo dự báo của nhiều cơ quan nghiên cứu, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể còn kéo dài ít nhất đến quý III năm 2009 và tác động của nó tới kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn. Dòng vốn ÐTNN trên thế giới nói chung và đầu tư vào Việt Nam nói riêng sẽ không nằm ngoài tác động của cuộc khủng hoảng. Kết quả khảo sát mới đây của Công ty dịch vụ thông tin Tài chính WVB Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn Tài chính Dầu khí Việt Nam cho thấy chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam quý IV năm 2008 đã giảm còn 93 điểm so với 100 điểm trong quý III.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với hoạt động ÐTNN trong năm 2009 là tập trung tạo điều kiện thúc đẩy các dự án đã được cấp phép, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ðối với việc thu hút nguồn vốn mới, cần đặc biệt coi trọng chất lượng, nhất thiết không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Việc cải thiện môi trường đầu tư cần tiếp tục được tăng cường. Trước hết về môi trường pháp lý, cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp, nhất là các quy định còn thiếu, chưa rõ ràng và chưa nhất quán giữa các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; sớm ban hành các quy định cụ thể về mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO, về điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Cần tổng kết đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghệ cao để thấy rõ nguyên nhân dẫn tới những hạn chế và sớm đề ra biện pháp khắc phục.
Khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư đúng định hướng và có hiệu quả. Tạo sự đồng bộ phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau và giữa các sở, ban, ngành của địa phương trong công tác quy hoạch, vận động đầu tư và quản lý các dự án đầu tư sau cấp phép. Ðây là yếu tố hết sức quan trọng, nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý nhà nước về ÐTNN trong thời gian qua.
Sớm có chính sách khuyến khích đối với các dự án đầu tư lĩnh vực đào tạo, nhất là đào tạo nghề, nhằm huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xuất phát từ tình hình thực tế, không nhất thiết phải đề ra mục tiêu quá cao đối với thu hút nguồn vốn đăng ký mới, mà cần tập trung thúc đẩy số vốn đã cam kết hiện còn gần 90 tỷ USD chưa được giải ngân. Do vậy, mục tiêu hàng đầu là bảo đảm vốn ÐTNN giải ngân trong năm 2009 ít nhất bằng năm 2008. Ðối với vốn đăng ký mới, cần được sàng lọc kỹ hơn. Ðó là một kết quả đích thực và phù hợp khả năng hấp thụ của nền kinh tế nước ta.
Dòng vốn ÐTNN gia tăng đang tạo điều kiện thuận lợi để sàng lọc các dự án có chất lượng, phù hợp nhu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta. Việc từ chối cấp phép cho một số dự án lớn tại một số địa phương trong năm qua là bước đi cần thiết theo hướng đó và rất cần được phát huy trên diện rộng trong năm 2009.
HÀ ANH (ND)
Theo baoxaydung.com.vn