Thứ hai 20/01/2025 12:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Việc phá ngôi mộ đang xây cho liệt sĩ ở Đông Sơn (Hải Phòng)

Nhiều vấn đề cần xem xét

09:29 | 14/12/2011

Theo đơn ông Phạm Văn Chiến phản ánh, vì muốn sửa chữa lại phần mộ gia đình khỏi sạt lở và chuyển mộ bố ông là liệt sĩ Phạm Văn Quyên từ nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo về quê để tiện bề hương khói, gia đình ông đã làm đơn xin phép chính quyền xã Đông Sơn - huyện Thủy Nguyên và được Chủ tịch UBND xã giao cho Văn hóa xã hướng dẫn gia đình thực hiện. Tuy nhiên, trong khi đang xây dựng thì UBND xã Đông Sơn đã chỉ đạo… phá dỡ!

Tiền hậu bất nhất!

Ngày 09/12/2010, ông Phạm Văn Chiến có đơn đề nghị gửi UBND xã Đông Sơn về việc xin sửa chữa phần mộ đã bị sạt lở và di chuyển hài cốt liệt sĩ (là bố ông Chiến) về khu vực núi Đầu Voi - xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên. Tại văn bản này Chủ tịch UBND xã Đông Sơn đã phê “chuyển cán bộ văn hóa xã hướng dẫn gia đình thực hiện theo đúng quy định của địa phương”. Cũng tại buổi gặp này, ông Chiến cho biết Chủ tịch UBND xã - ông Vũ Văn Bình đã đồng ý bằng miệng để gia đình ông tiến hành sửa sang và xây phần mộ chuẩn bị cho việc đưa hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Quyên về.

Đến tháng 02/2011, gia đình ông Chiến bắt đầu xây dựng và sửa sang khu mộ trên khu đất thuộc quyền quản lý của gia đình theo hướng dẫn của bộ phận văn hóa xã. Tại đây, gia đình ông có 5 ngôi mộ được đánh số và ghi tên cụ thể. Song, không hiểu vì lý do gì, sau khi đồng ý với chủ trương được phê trong văn bản gia đình đề nghị, thì ngày 06/4/2011, UBND xã Đông Sơn đã lập biên bản đối với ông Chiến về hành vi vi phạm Luật Đất đai? Đến ngày 22/4/2011 UBND xã ra Quyết định xử phạt hành chính 1 triệu đồng và yêu cầu gia đình tháo dỡ toàn bộ tường rào bao quanh, trả lại nguyên trạng ban đầu. Khi gia đình còn chưa biết làm thế nào với Quyết định xử phạt trên thì ngày 30/8/2011, UBND xã Đông Sơn đã ra tiếp quyết định cưỡng chế, phá dỡ toàn bộ phần tường liễu vây quanh lăng mộ và phần bờ kè chống lở đã xây dựng.

Trong Quyết định xử phạt số 61/QĐ-CT ngày 30/8/2011 của UBND xã Đông Sơn ghi lý do cưỡng chế là: “Không thực hiện đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai buộc cưỡng chế, buộc tháo dỡ bờ bao xây dựng trái phép”. Tại biên bản lập ngày 06/04/2011 cũng ghi: “Hành vi của ông Phạm Văn Chiến vi phạm vào Khoản 3, Điều 8, Nghị định 105/2009 NĐ-CP vì đã tự ý xây mộ và khuôn viên bao quanh mộ trái phép trên đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài”.

Liệu có sai luật?

Quay trở về năm 1995, thực hiện dự án trồng rừng 327 của Chính phủ, UBND huyện Thủy Nguyên giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình trồng rừng che phủ đồi trọc. Tại khu vực này, đất được giao cho 3 gia đình ông Xuân, ông Long và ông Minh. Tại diện tích đất được giao này, có mộ của gia đình ông Chiến và nhiều gia đình khác trong xã được chôn cất ổn định từ những năm 1960. Trong quá trình bàn giao đất để trồng rừng, hộ ông Chiến cũng như một số gia đình có mộ trên núi Đầu Voi không được yêu cầu di dời hay chuyển phần mộ đi nơi khác. Điều này cho thấy, đến thời điểm này, các hộ có đất tại đây sử dụng và quản lý phần đất, phần mộ của gia đình mình là hoàn toàn hợp lý.

Mặt khác, theo ông Chiến và một số gia đình có đất xây dựng mộ tại núi Đầu Voi cho biết: Từ khi có dự án đến nay đã hơn… 15 năm ! Họ vẫn sử dụng khu đất đang có mộ đó để hương khói và cũng không có tranh chấp gì với những hộ gia đình đang chăm sóc và trồng rừng tại đây. Hơn thế, trong lần sửa sang gần đây nhất, ông Chiến đã đặt vấn đề với ông Minh (một trong những hộ gia đình đang quản lý rừng) về một số cây keo phía ngoài có thể gây ảnh hưởng đến khu mộ, ông Minh đã đồng ý nhận tiền bồi thường cây.

Ngoài ra, nếu đất thuộc khu mộ của gia đình ông Chiến đã được giao cho các hộ gia đình thì diện tích đất này phải được kiểm kê, đền bù và yêu cầu di dời mồ mả đến một nơi khác khi thực hiện dự án. Nhưng, theo quan sát của chúng tôi xung quanh khu vực đất thuộc dự án trồng rừng này vẫn còn rất nhiều các khu nghĩa trang của các gia đình đã được xây dựng khang trang và kiên cố trong đó có cả phần đất của một cán bộ xã Đông Sơn. Vậy câu hỏi được đặt ra là: UBND xã Đông Sơn đã dựa vào căn cứ nào để kết luận ông Chiến vi phạm Luật Đất đai? Hơn thế, cùng một mục đích sử dụng, cùng một dự án, tại sao gia đình này xây dựng sửa chữa thì vi phạm còn gia đình khác thì lại không?

Một điều khó hiểu nữa là tại hiện trường thể hiện: Toàn bộ tường liễu bên trong dùng để trang trí bị phá dỡ hoàn toàn cùng với một đoạn taluy phía đường đi dùng để chống sạt lở, trong khi tường bao quanh bên ngoài được xây dựng kiên cố và cao hơn thì lại không bị phá dỡ. Lý do của UBND xã đưa ra là taluy phía lối đi đã lấn ra đường dùng để phòng cháy và chữa cháy rừng. Nhưng, xem ra lý do này không thuyết phục vì bờ liễu và taluy khu mộ vẫn nằm trong khuôn viên đất ban đầu và không lấn ra lối đi. Về phía UBND xã cũng không đưa ra được bản quy hoạch nào có chỉ giới của lối đi này.

Thực tế là như vậy, nhưng để kiểm chứng những thông tin trên bằng các văn bản thì UBND xã Đông Sơn cũng như UBND huyện Thủy Nguyên đã từ chối mọi cuộc gặp gỡ làm việc với phóng viên. Chúng tôi đến tận nơi, điện thoại nhiều lần nhưng câu trả lời nhận được vẫn là chờ đợi kết quả thanh tra?

Tuy nhiên, từ khi ông Phạm Văn Chiến gửi đơn khiếu nại đến nay đã gần 3 tháng mà vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào từ phía chính quyền? Trong khi đó, Điều 36, Luật Tố cáo năm 2005 quy định: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết”.

Mong rằng, UBND huyện Thủy Nguyên, UBND xã Đông Sơn sớm có câu trả lời để tránh bức xúc trong dân.

Nhóm PV

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load