Tại Hà Nội, nhiều dự án nhà tái định cư đã được xây dựng xong nhưng vẫn không thể thu hút được người dân về ở.
Hiện nay, rất nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng căn hộ bỏ trống vì người dân “chê” chất lượng kém nên không về ở.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay, toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C của Khu tái định cư Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) vẫn thưa thớt người ở. Khoảng 50% số căn hộ trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong.
Nhiều nhà tái định cư không có người ở. (Ảnh minh họa).
Có những tầng không một bóng người, nhiều tầng chỉ có 1, 2 căn hộ được sử dụng. Thực tế chỉ có khoảng 15% người dân hiện đang ở đây là dân tái định cư, còn lại là cho thuê hoặc không đúng đối tượng.Người dân ở đây cho biết, do chất lượng xây dựng chung cư quá kém, tình trạng thấm dột, thang máy hay hỏng… khiến nhiều người không muốn về ở.
Anh Nguyễn Hữu Chinh, đại diện cư dân nhà tái định cư Thành phố giao lưu cho biết, nhiều căn hộ mới đi vào ở nhưng đã xảy ra tình trạng thấm dột, thậm chí vỡ đường ống nước...Điều này khiến nhiều người thất vọng, không muốn nhận nhà.
Tại khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 về cơ bản đã hoàn thiện song số người dân về ở còn khiêm tốn. Trên thị trường, nhiều người đã rao bán căn hộ suất ngoại giao được giới thiệu cụ thể, với giá bán rất cao từ 29 - 30,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá gốc của những căn tái định cư này chỉ từ 14,5-16 triệu đồng/m2.
Cụ thể, căn hộ số 6, tầng 10, toà CT2A có diện tích hơn 73m2, giá gốc là 15.466.638 triệu đồng/m2, giá bán là 30,5 triệu đồng/m2. Như vậy, căn hộ này có giá cao gấp đôi so so với giá tái định cư, tương đương 1,1 tỷ đồng.Một môi giới cho biết, nếu mua khách hàng chỉ cần thanh toán tiền chênh và ký hợp đồng, còn tiền gốc sẽ đóng cho Nhà nước khi có quyết định bàn giao nhà.
Thậm chí, có nhân viên môi giới còn mời chào khách chỉ cần thanh toán từ 760 triệu đồng sẽ được nhận nhà ở ngay, số tiền còn lại trả trong vòng 10 năm với lãi suất cố định là 3,6%/năm.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phân tích, theo quy định của pháp luật là phải có nhà cho người dân rồi mới có thể di chuyển người dân để giải phóng mặt bằng. Như vậy, nếu làm trước được các khu nhà ở cho người dân là tốt.
“Tuy nhiên, lý do khiến nhà tái định cư bỏ trống là không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của những người giải phóng mặt bằng.
Ví dụ, người trong diện giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ nhưng lại bố trí tái định cư tận Hà Đông, hay giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đình nhưng đưa người dân tái định cư sang Gia Lâm… đi vài chục cây số mới tới nơi thì không phù hợp, nên người dân không nhận tái định cư hoặc có nhận thì cũng không ở”, ông Hà phân tích.
Vì thế theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cần thực hiện theo Luật Nhà ở, dần dần tiến tới thị trường hóa lĩnh vực tái định cư, đền bù bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà phù hợp với điều kiện của người dân.“Hiện nay vẫn cứ “hàng đổi hàng” nghĩa là thu nhà và trả lại căn nhà khác nhưng thậm chí chất lượng kém hơn, không có trường học, không có chợ búa, không có đường vào… thế thì không ai có thể ở được. Đây là hạn chế ở chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay”, ông Hà nói.
Trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000 ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân. Số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư cho hơn 19.000 hộ dân.
Điều này cho thấy nhu cầu về quỹ nhà tái định cư ở Hà Nội khá lớn mà vẫn tái diễn tình trạng bỏ trống, người dân không về ở như hiện nay thì đó là sự lãng phí rất lớn!
Theo NGỌC VY/Vtc.vn