Hơn mười năm qua, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã chọn phát triển công nghiệp để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng là giải pháp then chốt. Việc phát triển các KCN - CCN trong vùng đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về CNH, là động lực phát triển nông thôn, góp phần vào phát triển nông nghiệp, đổi mới nông thôn ở ĐBSCL, trực tiếp là các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản. Thế nhưng, các KCN ở ĐBSCL đang phát triển lệch hướng, thiếu quy hoạch.
KCN Bình Minh (Vĩnh Long) lấy đất trồng lúa năng suất rất cao làm KCN nay đang bỏ trống.
Những KCN đìu hiu
Tính tới thời điểm này, khu vực ĐBSCL có 120 KCN - CCN, trong đó chỉ có khoảng 4 KCN - CCN được lấp đầy. Phần lớn các KCN - CCN chỉ mới sử dụng khoảng 36 - 40% diện tích đất, có những nơi chỉ mới sử dụng khoảng 5% diện tích. Sở dĩ có tình trạng này là do các địa phương khi thành lập các KCN - CCN đã thiếu nghiên cứu đầy đủ về mặt chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn, từ đó mỗi nơi phát triển theo một cách mà không có sự liên kết phát triển chung trong toàn vùng.
Tại TP Cần Thơ, hiện còn hàng trăm hécta đất tốt ven sông Hậu ở KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, 2B đang trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm qua vì chủ đầu tư chưa GPMB và xây dựng hạ tầng. Tại Đồng Tháp, trong lúc KCN Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh) còn nhiều đất bỏ hoang thì tỉnh này tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích KCN lên 2.730ha. Tại Hậu Giang, 2 KCN Sông Hậu & Tân Phú Thạnh (400ha) đang trong tình trạng đìu hiu, hàng trăm hécta đất bị bỏ hoang, nhưng tỉnh này vẫn sẽ tiếp tục mở rộng KCN Sông Hậu giai đoạn hai thêm 540ha.
Tại Vĩnh Long, khu đất rộng hơn 73ha thuộc ấp Tân Vĩnh Thuận, xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long) làm KCN Mỹ Thuận, nhưng 11 năm qua bị bỏ hoang. Tỉnh Kiên Giang có 5 KCN, diện tích hơn 750ha nhưng đến nay mới có KCN Thuận Yên (Hà Tiên) đang triển khai xây dựng hạ tầng. Tại Long An, Tiền Giang, hàng ngàn hecta đất rừng phòng hộ ven biển và sông Soài Rạp cũng được mạnh tay phá bỏ để làm KCN. Tình trạng các KCN trống vắng cũng xảy ra phổ biến ở Sóc Trăng, Bạc Liêu… TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, cảnh báo: “Thực tế cho thấy đất đai tại các KCN ở ĐBSCL đang lãng phí vì bỏ hoang hoặc bị nhà đầu tư “xí phần” rồi để đó. Hiệu quả thu hút đầu tư cũng rất thấp, ít dự án đầu tư nước ngoài và thiếu các dự án chiều sâu về chế biến lương thực, thực phẩm”.
Lấy đất lúa lập KCN
Đất đai ở ĐBSCL vốn được sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, hiện nay hầu hết đất nông nghiệp có vị trí đẹp đang trồng lúa và vườn cây ăn trái đã trở thành nơi quy hoạch KCN - CCN. Theo một khảo sát mới đây của VCCI Cần Thơ, ĐBSCL đang lãng phí đất rất lớn trong các KCN với diện tích lên đến hơn 17.600ha (hơn 92% diện tích quy hoạch). Đáng chú ý là hàng ngàn hécta đất cặp sông Tiền, sông Hậu từ thượng nguồn đến hạ nguồn, được các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học đánh giá là rất tốt, cần được bảo vệ phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang bị khoác lên chiếc áo KCN.
Để có điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng CNH… nên tỉnh Vĩnh Long quy hoạch thêm 5 KCN mới ở huyện Long Hồ, Bình Tân, Bình Minh và Mang Thít, với tổng diện tích 1.930ha. Trong đó có khoảng hơn 1 nghìn ha là đất đang sản xuất lúa năng suất rất cao, từ 6 - 7 tấn/ha, thậm chí có nơi 8 tấn/ha. Vấn đề lấy đất nông nghiệp chuyển sang làm KCN, có lẽ Long An là “điểm nóng” nhất tại các tỉnh ĐBSCL. Bởi sau hơn 10 năm tập trung phát triển công nghiệp, Long An đã thành lập được 64 KCN - CCN, với 15.467ha đất bị thu hồi, trong này phần lớn là đất nông nghiệp.
Khi triển khai dự án lập các KCN, chính quyền và DN chỉ nghĩ đến việc đền bù tiền cho dân là xong, còn chi tiêu ra sao, cuộc sống thay đổi thế nào thì hình như không ai để ý tới. Ông Võ Tá Thắng - Giám đốc Sở KH&ĐT Hậu Giang nói: “Trong thời gian tới, đối với dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau 12 tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc dự án chậm tiến độ quá 12 tháng so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư mà không có lý do chính đáng thì thu hồi theo Điều 68, Nghị định 108/2006. Đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà nhà đầu tư không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn thì thu hồi theo Khoản 12, Điều 38, Luật Đất đai”.
Phương Nghi
Theo baoxaydung.com.vn