Thứ sáu 06/12/2024 22:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thái Nguyên:

Nhiều dự án “vướng” mặt bằng

09:34 | 24/07/2014

(Xây dựng)- Được ví là một đại công trường với sự góp mặt của hàng nghìn dự án lớn nhỏ. Tuy nhiên, tới thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên có gần 200 dự án chưa triển khai và không có khả năng thực hiện; bên cạnh đó còn có hàng trăm dự án chậm vì vướng mặt bằng.

Nhiều dự án chưa triển khai

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, trong tổng số 620 dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư (trong đó có 430 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, 190 dự án được chấp thuận đầu tư) có khoảng 250 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động, 195 dự án đang tiến hành và 175 dự án chưa triển khai, triển khai chậm hoặc không có khả năng thực hiện, chiếm khoảng 25% tổng số dự án.

Điển hình nhất là loạt 14 dự án đầu tư vào Khu du lịch hồ Núi Cốc với tổng số vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng thì đến nay mới có 2 dự án được triển khai theo kế hoạch, 11 dự án chưa triển khai và 1 dự án xin rút đầu tư.

Nguyên nhân của tình trạng này được xác định do khủng hoảng kinh tế, lãi suất tín dụng trong những năm qua tăng nhanh khiến cho các nhà đầu tư không có lãi và tiến hành đầu tư cầm chừng. Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai có nhiều biến động. Khó khăn nhất hiện nay là quy trình và thời gian việc chuyển đổi thu hồi đất lúa kéo dài nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện đền bù và thu hồi đất. Một số nhà đầu tư thực hiện đồng thời nhiều dự án trên địa bàn tỉnh dẫn đến không đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện...

Trong khi đó, kết quả đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2011-2015 cũng cho thấy: Trong số 45 dự án, công trình thì đến nay có 4 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng; 26 dự án đang triển khai thực hiện; 15 dự án chưa khởi công xây dựng.

Đáng lưu ý, trong 45 công trình trọng điểm có 6 công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do các bộ, ngành trung ương đầu tư trên địa bàn; 13 công trình do địa phương quyết định đầu tư và cân đối ngân sách để triển khai thực hiện; 26 công trình, dự án do doanh nghiệp đầu tư.

Các công trình trọng điểm đáng được nhắc tới như: Dự án đường vành đai 1 tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 2.091 tỷ đồng; Dự án xây dựng cầu Quang Vinh và Bến Tượng, có tổng mức đầu tư cho mỗi cầu trên 700 tỷ đồng; Dự án Cảng ICD Sông Công, mức đầu tư 400 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế tại xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm và chợ vùng Việt Bắc…

Duy nhất một dự án chưa khởi công xây dựng với lý do không có nguồn nguyên liệu để sản xuất là Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm bột màu điôxit Titan Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư 1.488 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên.

Và vướng mặt bằng

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện vẫn có khoảng 40 dự án các loại đang còn những tồn đọng, vướng mắc về mặt bằng, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP Thái Nguyên, huyện Phổ Yên, Đại Từ và Võ Nhai.

Tại TP Thái Nguyên, trong 8 dự án vướng mắc về mặt bằng thì có trên một nửa dự án nằm trong danh sách dự án trọng điểm của tỉnh, gồm các dự án: Nhà hát ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc; Khu đô thị Hồ điều hòa Xương Rồng; đường Bắc Sơn, đường Minh Cầu (đoạn nối đường Bắc Sơn) và khu dân cư số 1 phường Hoàng Văn Thụ; Xây dựng Trường Đại học Việt Bắc...

Tại huyện Đại Từ hiện đang có 6 dự án còn tồn đọng về mặt bằng, trong đó, có cả đại dự Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Ở Phổ Yên, các dự án còn tồn tại về mặt bằng những công trình quy mô lớn, có mức độ ảnh hưởng đặc biệt đối với địa phương, như: Dự án xử lý điểm đen và mở rộng Quốc lộ 3 cũ (chủ đầu tư chưa bố trí được kinh phí bồi thường cho các hộ ảnh hưởng); Xây dựng Khu công nghiệp Điềm Thụy (chủ đầu tư chưa làm xong quy hoạch về tái định cư và GPMB, còn một số hộ tranh chấp, chưa nhất trí với phương án bồi thường); Khu đô thị dịch vụ công nghiệp Yên Bình (chưa quy hoạch khu tái định cư và tái nghĩa địa); Khu công nghiệp Yên Bình I, phần mở rộng (xây dựng các khu tái định cư còn chậm, còn nhiều hộ xây dựng đón đền bù)...

Còn tại huyện Võ Nhai số dự án vướng mắc về mặt bằng tập trung nhiều ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản như các dự án: Khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường ở mỏ đá La Đồng (chủ dự án chưa bố trí được kinh phí bồi thường GPMB, người dân chưa nhất trí giá bồi thường); Xây dựng xưởng nghiền tuyển xỉ luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng và tận thu kim loại (chủ dự án chưa chi trả tiền bồi thường); Khai thác khoáng sản vàng gốc khu vực Khau Âu và dự án Khu phụ trợ mỏ đồng Khau Vàng (đều nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ)…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo công tác GPMB của tỉnh Thái Nguyên, những tồn đọng về mặt bằng chủ yếu do các hộ dân trong diện ảnh hưởng của dự án chưa đồng ý với đơn giá bồi thường; một số trường hợp đã có quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng chưa nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng; có trường hợp đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa nhận đất tái định cư...

Các nhà chuyên môn cho rằng, nếu như các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hẳn Thái Nguyên đã thoát khỏi vị trí “lẹt đẹt” về cấp độ phát triển kinh tế- xã hội và thu ngân sách.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load