Không phải bỗng nhiên mà thời gian gần đây hàng loạt công trình bỗng dưng rơi vào tình trạng “chậm tiến độ”. Để các nhà thầu lên tiếng sẽ nghe được hàng chục lý do. Tại Hà Nội, lý do đau đầu nhất của các nhà thầu vừa và nhỏ đó là câu chuyện: Giá VLXD lại tăng. Và chỉ có DN nào “điếc không sợ súng” mới cắn răng thi công bởi nếu tiếp tục thi công, chuyện lỗ tiền tỷ là nhìn thấy trước mắt.
Nhà thầu gặp khó, công trình ì ạch
Mức trượt giá của hầu hết các loại VLXD chính trong thời gian qua là rất lớn, tuy nhiên công tác bù giá vẫn chưa sát thực tế và không thể bù đắp cho các nhà thầu. |
Giá VLXD leo thang từng ngày, bài toán về vốn trong các DN không được giải quyết khiến cả chủ thầu và DN tư nhân gặp nhiều khó khăn “lãnh đủ”. Ngoài việc đối mặt với lãi suất tăng cao, DN còn cuống cuồng lo về thiếu vốn. Nhưng nỗi lo thiếu vốn còn chưa kịp nguôi thì các nhà thầu tại Hà Nội còn nhức đầu về bài toán kinh tế chênh lệch giữa khung giá VLXD thực tế với báo giá vật liệu của Sở Xây dựng Hà Nội quá “vênh nhau”. Một chủ thầu xây dựng tại Hà Nội cho biết, có những công trình đã ký hợp đồng từ tết năm ngoái nhưng đến thời điểm này phải đắp chiếu chờ giá VLXD ổn định trở lại. Trong hợp đồng chỉ cho phép bù giá 10% so với chi phí tại thời điểm ký kết. Song, thực tế hiện nay giá các loại vật liệu đều tăng cao từ 20 - 40%, nên nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn.
Dự án đường liên huyện Thanh Trì tuyến Vĩnh Quỳnh - Đại Áng được khởi công từ đầu năm 2010. Dân làng Đại Áng cho biết, ban đầu thấy xe tải, máy xúc chở cát sỏi về làm đường sôi động lắm, ai cũng háo hức mong con đường mới. Thế nhưng, hơn một năm nay, máy xúc, máy ủi nằm im lìm bên vệ đường. Và tuyến đường Vĩnh Quỳnh - Đại Áng trở thành tuyến đường “đau khổ” vì dự án chậm tiến độ, khói bụi mịt mù. Anh Chiến, người làng Đại Áng cho rằng “giá kể để người dân làng tự làm đường có khi còn nhanh hơn mấy nhà thầu xây dựng ở đây”. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Lương - Chỉ huy trưởng công trình gói thầu 2, dự án cải tạo đường liên xã Vĩnh Quỳnh - Đại Áng, thuộc Cty CP Đầu tư xây dựng Phú Nguyên cho biết, từ ngày 20/10/2009, công trình đã được khởi công. Tuy nhiên, đầu tiên dự án chậm là do khâu GPMB. Thế nhưng, yếu tố quan trọng khiến dự án chậm tiến độ là do giá vật liệu tăng chóng mặt.
Ông Lương lấy ví dụ, với 1,4km đường mà Cty ông đang thi công, lấy đơn giản về giá của đá dăm. Một ngày phải nhập 10 xe cấp phối đá dăm, tương đương với 260m3. Giá thực tế mà Cty phải nhập về là 170 nghìn đ/m3. Trong khi giá của Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra để làm khung thanh toán chỉ đến 147 nghìn đ/m3. Như vậy, cả công trình tốn khoảng 7.300m3 đá dăm thì số tiền lỗ của DN lên cao đến mức nào, chưa tính đến giá cả các loại VLXD khác. Ông Lương giải thích: “Chẳng ai muốn làm công trình chậm tiến độ, Cty cũng muốn làm nhanh để chuyển sang công trình khác. Nhưng giá được thanh toán thấp thế thì chúng tôi phải đàm phán lại với chủ đầu tư. Đi làm mà lỗ nặng thế thì ai sống nổi nữa. Biết là dân cáu mà vẫn phải làm công trình theo kiểu cầm chừng để kêu gọi chủ đầu tư chú ý đến giá VLXD, giá nhân công thực tế”.
Choáng vì bão giá VLXD
Trước cơn bão giá VLXD tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây, hàng loạt công trình xây dựng tại TP Hà Nội đứng trước nguy cơ ngừng trệ. Thêm vào đó, việc các cơ quan chức năng chậm tính toán điều chỉnh mức trượt giá để bù khoản chênh lệch càng khiến các nhà thầu uể oải, ngại thi công. Nhiều nhà thầu cho biết: Đa số các chủ đầu tư chỉ thanh toán cho các nhà thầu 80% tiền công, còn lại 20% chủ đầu tư giữ lại. DN xây dựng cơ bản sống bằng vốn vay, vốn pháp định chỉ chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, chỉ những DN có uy tín được hưởng lãi suất khoảng 16,5 - 17%, nhưng hạn mức cho DN lại bị thu hẹp nên DN càng chật vật hơn. Chật vật như thế nhưng việc đau đầu nhất là đối phó với việc giá VLXD tăng trong khi khung giá của Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra vẫn lạc lõng, thấp hơn hẳn so với giá thực tế.
Anh Lê Văn Tuân - Chỉ huy trưởng gói thầu số 4, công trình đấu giá hạ tầng Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, công trình chậm tiến độ vì thật sự các nhà thầu quá oải: Với tình hình chậm tính toán bù giá của các cơ quan chức năng như hiện nay, chúng tôi khó đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ. Trong khi khoản tiền cả chục tỷ đồng do trượt giá nhà thầu bỏ ra thi công trước đó chưa được thanh toán, nay nếu thi công tiếp đồng nghĩa với việc nhà thầu lại phải bù ra trước 100% kinh phí mua vật tư theo giá thực tế (cao hơn giá dự toán ban đầu khoảng 50%). Một nhà thầu than thở: Đi làm nhà thầu đã rất khổ rồi, nhưng trong lúc phải vật lộn với đình hoãn, thiếu vốn nghiêm trọng, các nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản còn đang rất đau đầu với bài toán trượt giá do nhiều nguyên vật liệu chính tăng quá cao so với thời điểm đấu thầu. Mức trượt giá của hầu hết các loại VLXD chính trong thời gian qua là rất lớn, tuy nhiên công tác bù giá vẫn chưa sát thực tế và không thể bù đắp cho các nhà thầu.
Thiết nghĩ với thông báo giá của Hà Nội để lấy làm căn cứ bù giá hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập, thường rất chậm và giá thấp hơn khá nhiều giá thị trường. Còn những dự án bù theo công thức thì chỉ số giá thực sự thấp và khiến nhà thầu lỗ nhiều hơn. Các nhà thầu vẫn đang chờ những giải pháp thiết thực về hỗ trợ giá của Nhà nước với DN trong thời điểm khó khăn này.
Nhất Quang
Theo baoxaydung.com.vn