Trong khi thị trường chịu áp lực điều chỉnh, các trụ "bank - chứng - thép" đồng loạt gây áp lực lên chỉ số, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục bứt phá. Chỉ qua 1 tuần, có cổ phiếu bất động sản đã tăng gấp đôi và đà tăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Sau phiên sáng giao dịch khởi sắc, tới khoảng 14 giờ, thị trường đảo chiều, bluechip VN30, các nhóm trụ ngân hàng, chứng khoán, thép giảm mạnh. VN30-Index thủng mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên, lực mua vào đã xuất hiện trong lúc thị trường điều chỉnh, kéo chỉ số chính về lại tham chiếu. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, dầu khí tiếp tục là động lực đẩy thị trường hồi phục mạnh mẽ.
VIC là mã đóng góp tích cực nhất VN-Index, cùng các mã bất động sản DIG, TCH, KDH, ITA lọt nhóm dẫn dắt thị trường. Ngay từ giờ mở cửa, cổ phiếu bất động sản đã đua nhau bứt phá, các cổ phiếu thị giá nhỏ và vừa là nhóm tăng mạnh nhất. TDC, NBB, TDH, TCH, HAR, LDG, QCG tăng trần, CEO tăng sát giá trần.
Trong đó, chỉ qua 1 tuần, CEO tăng 45%. LDG%, tăng giá gần 40, CII tăng 32%, QCG tăng 22%,… Khối lượng giao dịch của nhóm này duy trì mức cao, nhà đầu tư tiếp tục mua vào với tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội.
Ở nhóm dầu khí, GAS, POW tiếp tục bứt phá. POW tăng giá 18% chỉ qua 1 tuần, đóng cửa phiên hôm nay ở ngưỡng 19.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá của POW hiện ở mức cao nhất kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu niêm yết vào 2018. Trong suốt 4 năm niêm yết, khoảng 3 tuần qua là giai đoạn POW bứt phá mạnh mẽ nhất, thanh khoản cũng tăng kỷ lục, phiên 15/11 trao tay hơn 44 triệu cổ phiếu. Gần đây, khối lượng giao dịch luôn ở mức cao, trên dưới 30 triệu cổ phiếu/ phiên. Chốt phiên hôm nay, vốn hoá của POW đạt gần 44.500 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu trụ gây nhiều thất vọng cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm ngân hàng, thép. HPG là mã giao dịch tiêu cực nhất trong phiên hôm nay, đóng cửa giảm 2,2% xuống 45.100 đồng/cổ phiếu.
Hàng loạt mã ngân hàng: HDB, VPB, BID, CTG, SHB gây thêm áp lực lên chỉ số. 20/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong phiên hôm nay. Trên HoSE, chỉ có VCB, MSB, EIB giữ được sắc xanh. Trong đó, hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền của VCB. VietcomBank sẽ trả cổ tức (12%) bằng tiền mặt năm 2020 và cổ tức (27,6%) bằng cổ phiếu năm 2019. Đây là lần đầu tiên nhà băng này được phép tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu kể từ năm 2011. Phần lớn cổ tức các năm đều được chia bằng tiền mặt.
Ở nhóm chứng khoán, sắc đỏ cũng bao trùm hơn 20 cổ phiếu, trong đó ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là SSI. Các mã đầu ngành HCM, VND chìm trong sắc đỏ, còn FTS giảm tới 6,5% xuống sát giá sàn, APS giảm 6,2%.
Thanh khoản thị trường tăng cao so với tổng giá trị khớp lệnh đạt 37.736 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 18% lên mức 31.679 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 107 tỷ đồng, bán mạnh cổ phiếu bất động sản CEO (328 tỷ đồng), NLG, các mã MSN, NT2, VCB… Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung mua ròng VIC, CTG, VHM, DGC.
Chốt phiên, VN-Index giảm 1,07 điểm (-0,07%) xuống 1.477,67 điểm. HNX-Index giảm 1,91 điểm (-0,42%) xuống 453,1 điểm. UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,4%) xuống 110,93 điểm.
Theo Việt Linh/Tienphong.vn
Link gốc: https://tienphong.vn/nhieu-co-phieu-bat-dong-san-tang-gia-gap-ruoi-chi-sau-1-tuan-post1403543.tpo