Hơn 1 năm trôi qua nhưng nhiều hộ dân ở Tiểu khu I, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn vẫn vô cùng bức xúc và liên tục gửi đơn tới các cơ quan chức năng phản ứng về việc những việc làm chưa đúng địa phương trong thực hiện Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Do ngăn quyết liệt nên cổng nhà ông Hà đã không bị phá.
“Đầu voi, đuôi chuột”
Trong đơn, 18 hộ dân ở Tiểu khu 1, thị trấn Nà Phặc nêu rõ: Ngày 27/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1856/QĐ-TTg về việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Đội công tác liên ngành. Ngày 31/8/2010 UBND huyện Ngân Sơn cũng đã ban hành Quyết định 1650/QĐ-UBND thành lập Tổ cưỡng chế bao gồm đại diện lực lượng của các xã, thị trấn liên quan, công an huyện, và Cty TNHH MTV QL&SCĐB 244.
Tuy nhiên, Tổ cưỡng chế đã không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân trong khu vực bởi họ cho rằng trong phạm vi 5m phải giải tỏa từ năm 2004 vẫn chưa được đền bù theo quy định. Ngày 17/12/2010 ông Đào Văn Hả (ở Km191+200) đã ngăn cản không cho Tổ cưỡng chế đập cổng nhà. Tuy nhiên, Tổ cưỡng chế đã dùng cần máy múc đập nát 6 cây mít cổ thụ nằm ngoài chỉ giới giải tỏa từ 7 - 8m, gây thiệt hại cho gia đình.
Cũng trong đợt này, Tổ cưỡng chế tiếp tục kéo sập đổ “những công trình của nhà nước” nhưng: Panô "Thuế là nguồn thu quốc gia” và "Hiểm họa ma túy” bịt kín cửa bếp nhà ông Lục Văn Tiến, tường rào trụ sở Công an cụm phía Nam để “thị uy”, tiếp đó chặt phá 3 khóm tre lên tới vài trăm cây của gia đình bà La Thị Lãm cũng như toàn bộ vườn cây ăn quả lâu năm của gia đình bà Hoàng Thị Thỏa…
Điều khó hiểu là sau một ngày ra quân được tổ chức khá rầm rộ với quyết tâm “hoàn thành giải tỏa” như trên thì những ngày tiếp theo Tổ cưỡng chế lại làm việc “như nín thở”, thậm chí có nơi “chỉ lướt qua xem” rồi bỏ qua luôn. Chẳng hạn, tại Km192+200, tường bao, cổng nhà của 3 hộ là các ông Lợi, ông Hòe, ông Sung xây dựng sau thời điểm giải tỏa năm 2004, đã bị thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành lang giao thông và chỉ cách mép đường 1,85m, nhưng Tổ cưỡng chế không hề đụng đến. “phải chăng đây là tổ kiến lửa”???. Tương tự, tại Tiểu khu 1, thị trấn Nà Phặc, rất nhiều cành cây, mái vẩy nhô ra đường ảnh hưởng tầm nhìn Tổ cưỡng chế cũng “không hề nhìn thấy”?!
Dân bảo không, chính quyền nói có!
Hầu hết những người dân tại Tiểu khu 1, thị trấn Nà Phặc cho biết, họ rất đồng tình với chủ trương giải phóng hành lang an toàn đường bộ, nhưng cũng rất bức xúc với cách làm của các cơ quan chức năng địa phương.
Tại Văn bản số 304/UBND-CT ngày 31/5/2011 trả lời đơn thư khiếu nại của công dân, UBND huyện Ngân Sơn khẳng định “Căn cứ Tờ trình số 11/TT-HĐĐB ngày 27/8/2004 về việc trình duyệt phương án đền bù GPMB gói thầu số 6 công trình cải tạo, nâng cấp QL3 đoạn qua huyện Ngân Sơn. UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Quyết định số 1637/QĐ-UB ngày 08/9/2004 quyết định về việc phê duyệt phương án đền bù GPMB gói thầu số 6 (Km190+800 - Km205+400)… Căn cứ Quyết định trên, Hội đồng đền bù GPMB huyện Ngân Sơn đã tổ chức bồi thường và các hộ được đền bù đã nhận tiền bồi thường”.
Tuy nhiên, trong đơn, ông Đào Văn Hả và các hộ dân đều khẳng định “Thực tế 18 hộ chúng tôi chưa được đền bù giải tỏa nâng cấp năm 2004 tại tờ trình số 11/TT-HĐĐB”.
“Tiền hậu bất nhất”
Theo đơn của ông Mã Dùng Nạn (Tiểu khu 1, thị trấn Nà Phặc), nhà ông nằm cùng trục giải tỏa, kết cấu hạ tầng nhà cửa như nhà ông Nông Văn Liòng nhưng không được đền bù. Trong khi ông Liòng được đền bù 76 triệu đồng. Tại Văn bản số 16 của Hội đồng GPMB, QL3 trả lời đơn ông Nạn, cho hay: "Nhà ông không nằm trong phạm vi gói thầu số 5... nên không đo diện tích... gói thầu số 6 mới xác định diện tích nhà ông(???)”. Và với gói thầu số 5, từ cọc thi công đến cọc GPMB đo rộng ra 3m làm hành lang thi công. Còn gói thầu số 6, cọc thi công trùng với cọc GPMB, không có hành lang thi công và mặt đường thiết kế giảm đi 2m... không ảnh hưởng đến nhà ông nên không được đền bù”!.
Điều trái ngược là, nếu đúng như vậy thì vì lý do gì Tổ cưỡng chế lại giải tỏa nhà ông Nạn? Có vẻ như để hợp lý việc giải tỏa này, ngày 31/8/2011, UBND huyện Ngân Sơn có Văn bản số 544/ UBND-CT, nêu: "Năm 1989 trở lại đây những tài sản, cây cối... nằm trong chân mái ta luy đường đắp và cách đỉnh mái ta-luy đường đào 2m… không hợp pháp và vi phạm các nghị định...” nên "không được bồi thường”... Như vậy, nội dung Văn bản này "vênh” với Văn bản số 16 trước đó…
Cũng theo phản ánh của người dân, mặc dù tại Văn bản số 304/UBND-CT ngày 31/5/2011 của UBND huyện Ngân Sơn và Văn bản số 171/Cty 244-QLGT ngày 30/6/2011 của Cty TNHH MTV QL&SCĐB 244 đều khẳng định: “Trong quá trình thực hiện giải tỏa tại thị trấn Nà Phặc, Tổ công tác liên ngành của huyện không có biểu hiện lộng hành, quan liêu, móc ngoặc, lừa dối chính quyền… như đơn khiếu nại, tố cáo”. Nhưng cũng văn bản được phát ra từ UBND huyện Ngân Sơn (Văn bản số 359/UBND-CT ngày 23/6/2011) lại thừa nhận: “Trong quá trình thực hiện tại thực địa đã xảy ra một số thái độ và ý thức không đáng có đối với công dân của một số ít cá nhân trong đội công tác”.
Chưa hết, với “Phiếu trả đơn khiếu nại và hướng dẫn” số 128/TTrT-NV1 ngày 15/4/2011, Thanh tra tỉnh Bắc Kạn đã “Đề nghị ông Hả và 18 công dân viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến UBND huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn để được giải quyết theo quy định của pháp luật”. Thế nhưng, ông Hả cho hay, trước đó ông cũng đã gửi đơn đến UBND huyện Ngân Sơn và được cấp chính quyền ở đây thông báo: “Căn cứ nội dung đơn và theo quy định của pháp luật UBND huyện Ngân Sơn đã chuyển đơn của ông đến Cty quản lý và sửa chữa đường bộ 244 Bắc Kạn để giải quyết theo quy định.” (TB số 01/TTUBND ngày 4/1/2011). Vì thế, ông và bà con cũng không biết tin cậy vào đâu.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Đào Văn Hả và nhiều hộ dân thị trấn Nà Phặc đề nghị chính quyền cùng các cơ quan chức năng của huyện Ngân Sơn và tỉnh Bắc Kạn cần sớm có những phúc đáp hợp tình, hợp lý, tránh việc gây bức xúc cũng như khiếu kiện kéo dài của người dân.
Nguyễn Thành - Mai Pha
Theo baoxaydung.com.vn