Thứ sáu 29/03/2024 07:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045

21:16 | 18/09/2020

(Xây dựng) – Ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai đến năm 2045.

nhiem vu quy hoach chung xay dung khu kinh te cua khau quoc te le thanh den nam 2045
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì hội nghị thẩm định.

Quy hoạch cũ không còn phù hợp

Ngày 21/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg về việc áp dụng chính sách Khu kinh tế cửa khẩu đường 19, tỉnh Gia Lai. Dựa vào đó, UBND tỉnh Gia Lai đã triển khai lập quy hoạch xây dựng làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng.

Ngày 4/7/2002, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thị trấn Cửa khẩu đường 19 tại Quyết định số 46/2002/QĐ-UBND. Trong đó, dân số dự báo đến năm 2020 là 9.600 người và diện tích đất xây dựng là 276,6ha, chủ yếu thuộc các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu như khu trạm kiểm soát, khu kho bãi, khu ngoại quan, khu thương mại, văn phòng…

Nhưng Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg chỉ phê duyệt tổng diện tích của khu kinh tế cửa khẩu là 41,5ha và bao gồm thị trấn Chư Ty, các xã Ia Kla, la Dom, la Nan, la Pnôn (huyện Đức Cơ). Do đó, quy hoạch chung năm 2002 chưa có định hướng kết nối tổng thể để phát triển toàn khu kinh tế, đặc biệt là kết nối thị trấn Chư Ty với khu vực phía Tây của tỉnh. Ngoài ra, quy hoạch năm 2002 còn thiếu một số khu chức năng như khu công nghiệp, các khu dân cư thuộc khu kinh tế...

Năm 2007, Khu kinh tế cửa khẩu đường 19 (nay đổi tên là Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh) được nâng cấp từ cửa khẩu quốc gia lên cửa khẩu quốc tế theo Quyết định số 306/QĐ-TTg ngày 13/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là bước ngoặt quan trọng giúp Lệ Thanh nằm trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam và hội tụ các điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, từng bước trở thành đô thị biên giới.

Tuy nhiên, việc tổ chức, quản lý không gian phát triển kinh tế - xã hội của khu vực chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế đang có. Chính vì vậy, UBND tỉnh Gia Lai xác định việc lập quy chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh là rất cần thiết để phát triển khu vực toàn diện và lâu dài.

Vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh bao gồm thị trấn Chư Ty và các xã Ia Kla, la Dom, la Nan, la Pnôn thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Thời gian quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Diện tích khu vực quy hoạch là 41.515ha, dân số năm 2019 đạt 41.240 người. Tính đến năm 2018, Lệ Thanh chiếm 2,8 dân số và đóng góp 2,5% giá trị kinh tế toàn tỉnh Gia Lai.

Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Trước hết, Lệ Thanh có vị trí đắc địa, là điểm đầu của tuyến đường 19, nằm trong khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam và nằm trên tuyến cao tốc thuộc hành lang Đông – Tây, thuận lợi cho việc kết nối với các khu vực phát triển trong nước lẫn quốc tế.

Trên cơ sở đó, nhiệm vụ quy hoạch chung xác định, Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đầu mối giao thương phía Tây của tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên và quốc tế. Vị trí đắc địa cũng sẽ giúp Lệ Thanh trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Từ đó, Lệ Thanh sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Gia Lai với trọng tâm phát triển tập trung các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới. Ngoài ra, Lệ Thanh còn có vị trí chiến lược đối với an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và quốc gia.

Nhiệm vụ quy hoạch dự báo quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 50.000 – 55.000 người và năm 2045 là khoảng 75.000 – 90.000 người. Trong đó, dân số đô thị chiếm khoảng 30 – 40%. Tính đến năm 2045, đất xây dựng đô thị chiếm khoảng 2.000 – 3.000ha, đất du lịch, dịch vụ khoảng 2.000 – 3.000ha và đất công nghiệp là 220 – 300ha.

Về chỉ tiêu lập quy hoạch, thị trấn Chư Ty đang hướng đến mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại IV và đô thị cửa khẩu trong khu kinh tế đạt tiêu chí đô thị loại V. Ngoài ra, Nhiệm vụ quy hoạch chung cũng trình bày chi tiết về đánh giá hiện trạng, định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, định hướng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường và đề xuất các chương trình, dự án đầu tư ưu tiên, nguồn lực để thực hiện.

Cần làm rõ động lực phát triển của Lệ Thanh

Về cơ bản, các Bộ, ngành đều nhất trí với các nội dung trong Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045. Đây là kết quả của việc địa phương và đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp bằng văn bản của các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.

nhiem vu quy hoach chung xay dung khu kinh te cua khau quoc te le thanh den nam 2045
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông tiếp thu và giải trình một số ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành tại hội nghị thẩm định.

Tuy nhiên, đại diện các Bộ, ngành và chuyên gia dự Hội nghị thẩm định vẫn đóng góp thêm một số ý kiến để bổ sung, hoàn thiện Nhiệm vụ quy hoạch chung tốt hơn.

Trong đó, Bộ kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung số liệu về hoạt động xuất nhập khẩu qua Lệ Thanh. Bộ Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị rà soát số liệu về tài nguyên thiên nhiên.

Bộ Tài chính góp ý địa phương cần rà soát danh sách các dự án ưu tiên đầu tư, bám sát nhiệm vụ quy hoạch chung của tỉnh Gia Lai và phân tích, đánh giá rõ vai trò, vị thế, tiềm năng của khu kinh tế để tránh đầu tư không hiệu quả.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lưu ý về kế hoạch phát triển du lịch ở khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Bộ Công Thương đề nghị bổ sung đánh giá hiện trạng hạ tầng thương mại, đặc biệt là chợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị rà soát nội dung xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản qua cửa khẩu và quy hoạch lâm nghiệp.

Bộ Ngoại giao góp ý địa phương nên trao đổi, kết hợp với tỉnh bạn của Campuchia để cùng nhau phát triển hiệu quả. Vụ Quy hoạch kiến trúc lưu ý phân tích kỹ hơn các lợi thế về tự nhiên và xác định rõ yêu cầu phát triển các khu chức năng trong khu kinh tế.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định, việc lập nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là rất cần thiết để phát triển khu vực toàn diện và lâu dài. Thứ trưởng lưu ý địa phương và đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Gia Lai cần rà soát, bổ sung căn cứ pháp lý, đánh giá thực trạng phát triển và cập nhật các số liệu mới, đặc biệt là căn cứ pháp lý về diện tích của khu kinh tế, phần ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia.

nhiem vu quy hoach chung xay dung khu kinh te cua khau quoc te le thanh den nam 2045
Quang cảnh hội nghị.

Mặt khác, Thứ trưởng cũng yêu cầu địa phương làm rõ động lực của khu kinh tế cửa khẩu để khai thác hiệu quả, tránh lặp lại vết xe đổ của một số khu kinh tế được đầu tư rất lớn, nhưng không hiệu quả. Để làm được điều này, UBND tỉnh Gia Lai phải đánh giá kỹ vai trò của Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh với vùng, tỉnh và các khu kinh tế xung quanh, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y ở rất gần đó.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn và địa phương sớm hoàn thiện thuyết minh nhiệm vụ, tờ trình và dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load