Thứ bảy 14/09/2024 22:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

“Nhất cử lưỡng tiện” với mô hình đào tạo kết hợp song song học văn hóa với học nghề

18:39 | 16/01/2019

(Xây dựng) - Trong thời kỳ đất nước, ngành Xây dựng đẩy mạnh hội nhập khu vực, quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu hiện nay, một người lao động dù có tay nghề giỏi nhưng thiếu trình độ văn hóa thì hướng phát triển sự nghiệp trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi người lao động phải vừa có trình độ tay nghề vừa phải có trình độ văn hóa. Do đó, đào tạo song song vừa học văn hóa vừa học nghề là một mô hình đào tạo mới hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng nghề nghiệp đối với người học.

Với mô hình học kết hợp này, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ vừa được học văn hóa, vừa được học nghề. Do đó, thay vì mất 5 năm để vừa học chương trình phổ thông (3 năm) sau đó học trung cấp nghề (2 năm), thì nay người học chỉ cần mất 3 năm cho cả thời gian học chương trình phổ thông và học trung cấp nghề (mô hình 9 + 3).

Với những học sinh vừa học văn hóa kết hợp học nghề, số lượng môn văn hóa sẽ được giảm bớt đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt với mô hình này, người học chỉ phải chi trả học phí cho phần học văn hóa và hoàn toàn được miễn học phí đối với phần học nghề, nhưng khi tốt nghiệp, học sinh sẽ được cấp đầy đủ 2 loại bằng, đó là bằng Tốt nghiệp phổ thông và bằng Trung cấp nghề mình đã theo học.

Đối với những trường nghề tham gia mô hình đào tạo kết hợp vừa học văn hóa vừa học nghề, chương trình học sẽ được xây dựng đổi mới theo hướng giảm bớt thời gian học những môn học lý thuyết không cần thiết, đồng thời tăng cường thời gian thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và làm quen với môi trường công việc thực tiễn. Mô hình này hiện nay được áp dụng phổ biến ở các nước tiên tiến và dần trở thành xu hướng chung trên toàn thế giới vì tính “nhất cử lưỡng tiện” của nó.

Đặc biệt hơn, nếu mô hình đào tạo từ lớp 9 lên thẳng cao đẳng được áp dụng sẽ mở ra nhiều hơn những cơ hội cho người học khi chỉ mất 5 năm để học sinh tốt nghiệp THCS có được bằng Cao đẳng, danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành mà không phải mất thời gian học và chờ liên thông như trước.

Mô hình đào tạo song song 9 + 3 hay đào tạo thẳng từ trung học lên cao đẳng 9 + 5 sẽ giúp thị trường lao động được hưởng lợi khi vừa tiết kiệm chi phí xã hội lại vừa tận dụng được nguồn lao động trẻ có trình độ văn hóa, trình độ tay nghề cao.

Với những lợi ích lớn lao dành cho người học, mô hình vừa học văn hóa vừa học nghề đã trở thành chủ trương đào tạo được Thủ tướng Chính phủ đưa vào trong Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày14/5/2018, với mục tiêu tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đã ban hành các công văn chỉ đạo các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên toàn quốc đẩy mạnh công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS.

Là đơn vị đi đầu của ngành Xây dựng trong đào tạo cán bộ kỹ thuật bậc cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật các ngành nghề thuộc lĩnh vực xây dựng suốt 40 năm qua, trường Cao đẳng nghề xây dựng đã nhanh chóng thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bắt tay đẩy mạnh công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS.

Ngay giữa năm 2018, Nhà trường đã triển khai kế hoạch tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh và giao cho Trung tâm hướng nghiệp và dịch vụ đào tạo cử cán bộ đến các địa phương nắm bắt nhu cầu đào tạo, xây dựng mạng lưới công tác viên nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cho đối tượng học sinh THCS và phụ huynh về lựa chọn học trung cấp tại trường Cao đẳng nghề Xây dựng ngay sau khi tốt nghiệp THCS; phối kết hợp với chính quyền cấp xã, phường và các đoàn thể, hội khuyến học ở địa phương để thông tin về các chính sách ưu đãi của Nhà nước nói chung, của trường Cao đẳng nghề Xây dựng nói riêng đối với học sinh tham gia học trình độ trung cấp, liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học, chính sách việc làm sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tích cực nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo chương trình cao đẳng liên thông từ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS theo hướng: Đảm bảo xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện đào tạo theo đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; Chương trình được thiết kế tổng thể đảm bảo người học khi chuyển từ trình độ đào tạo trung cấp lên trình độ cao đẳng không phải học lại những nội dung đã học; Chương trình đào tạo trung cấp được tăng cường đào tạo kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo học sinh đủ điều kiện tiếp tục học liên thông trình độ cao đẳng; thời gian đào tạo được thiết kế đảm bảo phù hợp với quy định, các điều kiện đảm bảo chất lượng và giảm tải cho người học;

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình học được nhà trường thiết kế kết hợp đào tạo nghề nghiệp và học bổ sung kiến thức văn hóa THPT theo quy định nếu người học có nhu cầu. Đảm bảo người học khi tốt nghiệp trình độ trung cấp có đủ năng lực tham gia thị trường lao động hoặc có thể tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn.

Mặt khác, Nhà trường tăng cường hợp tác với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp kết hợp học văn hóa THPT; đảm bảo người học có đầy đủ các trang thiết bị thực hành, thực tập, đáp ứng yêu cầu về an toàn và vệ sinh lao động; tổ chức hướng nghiệp cho học sinh phổ thông theo định hướng giáo dục STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học); liên kết đào tạo với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đào tạo hệ vừa làm vừa học; chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho học sinh để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước hoặc nắm bắt nhanh các cơ hội đi lao động tại nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...).

ThS. Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Xây dựng cho biết: Để nâng cao uy tín thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào giáo dục nghề nghiệp, trường Cao đẳng nghề Xây dựng chỉ tuyển sinh với các nghề đã đăng ký hoạt động, bao gồm: Hệ Cao đẳng nghề: Kỹ thuật xây dựng, Trắc địa công trình, Điện công nghiệp, Điện dân dụng, Cấp thoát nước; Hệ Trung cấp nghề: Trắc địa công trình; Điện công nghiệp, Điện dân dụng, Cấp thoát nước, Hàn, Cốt thép hàn, Kỹ thuật xây dựng; Hệ sơ cấp: Trắc địa công trình, Điện dân dụng, Điện công nghiệp, Hàn, Sản xuất gốm xây dựng, Xếp dỡ cơ giới tổng hợp, Nề hoàn thiện, Cốp pha - Giàn giáo, Bê tông, Kỹ thuật xây dựng, Cơ điện nông thôn, Cốt thép – Hàn, Cấp thoát nước.

Hiệu trưởng, ThS. Bùi Văn Dũng cho biết: Hiện nay, trường Cao đẳng nghề Xây dựng đang chú trọng đẩy mạnh tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS, theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Bộ Xây dựng.

Thông qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu và sứ mệnh của nhà trường trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng kỹ thuật và các trình độ thấp hơn theo quy định của pháp luật; nghiên cứu khoa học - công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ đào tạo, sản xuất kinh doanh của ngành Xây dựng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thanh Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load