Sở cảnh sát Osaka đã đưa ra lời cảnh báo phụ nữ trong vùng không nên đi thang máy một mình với đàn ông, sau khi một người bị sàm sỡ khi đi thang máy cùng một người đàn ông tại khu căn hộ ở Naniwa, tỉnh Osaka (Nhật Bản) hôm 5/3 vừa qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: japantoday.com)
Tuy nhiên, theo trang Japantoday, lời cảnh báo này của cảnh sát Osaka lại hứng chịu nhiều sự phản đối của người dùng mạng Internet tại Nhật Bản.
Cụ thể, những bình luận của cư dân mạng chỉ ra rằng việc tránh đi thang máy một mình với đàn ông là rất khó, và cho rằng cảnh sát đang cố đẩy trách nhiệm cho nạn nhân.
“Nếu muốn phòng chống tội phạm thì hãy ra thông báo giúp kiểm soát các vụ hành hung ấy,” một người bình luận.
Một người khác thì cho rằng chẳng bao lâu nữa, sẽ xuất hiện những thang máy chỉ dành riêng cho phụ nữ, giống như những chuyến tàu chỉ chở hành khách nữ đang có mặt ở nhiều thành phố tại Nhật Bản. Bản thân những chuyến tàu này cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: làm thế nào để phòng tránh những vụ việc kiểu này?
Cảnh sát tỉnh Hiroshima, những người từng đưa ra lời khuyên tương tự về việc không đi thang máy một mình cùng đàn ông đề nghị rằng, khi thấy một người đàn ông lạ định đi thang máy cùng mình, người phụ nữ nên để người đó đi trước, còn mình sẽ đi chuyến thang máy sau.
Họ cũng khuyên khi gần về đến nhà, phụ nữ nên gọi người nhà xuống tầng đón mình để tránh các trường hợp xấu xảy ra.
Tuy nhiên, Kazuko Hirakawa, chủ tịch Trung tâm giảm thiểu hành hung tình dục ở Tokyo (SARC) thì cảnh báo rằng những lời khuyên kiểu này có thể khiến dư luận đổ lỗi cho nạn nhân, thậm chí nạn nhân đổ lỗi cho chính mình thay vì buộc tội những kẻ hành hung họ.
Sở cảnh sát Osaka sau đó đã đưa ra một lời giải thích cho dòng tweet của mình: “Chúng tôi làm mọi điều có thể trong quyền hạn của mình và bắt những nghi phạm tấn công tình dục, dùng nhiều cách khác nhau để ngăn những tội ác này xảy ra, và hỗ trợ các nạn nhân. Về dòng tweet liên quan đến vụ quấy rối tình dục trong thang máy, đó chỉ đơn thuần là một biện pháp phòng ngừa cho phụ nữ, không phải là yêu cầu bắt buộc nếu họ muốn tự bảo vệ mình. Do Twitter giới hạn số chữ viết cho mỗi bài đăng, chúng tôi không thể giải thích đầy đủ.”
Hirakawa cho biết SARC không khuyến khích những lời cảnh báo như trên, “vì không phải mọi đàn ông đều là những kẻ đáng sợ.” Bà cho rằng việc lắp đặt các hệ thống cảnh báo tội phạm và camera giám sát trong thang máy là biện pháp thiết thực hơn.
Theo MAI NGUYỄN (VIETNAM+)