Thứ bảy 20/04/2024 00:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhanh chóng triển khai quy hoạch, quản lý báo chí đến năm 2025

20:35 | 08/11/2019

(Xây dựng) – Ghi nhận những nỗ lực cũng như kết quả đạt được của ngành Thông tin truyền thông, chiều 8/11, phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Cần tiếp tục triển khai các quy định của Luật Báo chí, kế hoạch sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bảo đảm phát huy yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Nhanh chóng triển khai quy hoạch, quản lý báo chí đến năm 2025
Phiên chất vấn chiều 8/11 (Ảnh: Quốc hội).

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông là nội dung có tính chất đặc thù. Đây là những vấn đề mang tính thời sự đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ gắn với đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, đời sống kinh tế, cuộc sống của từng người dân và đang có nhiều bất cập trong thực tiễn. Vấn đề hôm nay có những nội dung đã được nêu trong Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp IV. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện chưa đáp ứng so với yêu cầu, nhất là trong điều kiện sự bùng nổ của công nghệ thông tin nên nhiều đại biểu tiếp tục chất vấn, tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại của lĩnh vực thông tin và truyền thông để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong thời gian tới và cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tạp chí điện tử đúng quy định của pháp luật. Xác định rõ tính chất chuyên ngành định kỳ của tạp chí, không để xảy ra việc báo "hóa" tạp chí. Rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết của các cơ quan báo chí. Sớm tổng kết để quy định cụ thể, hướng dẫn về liên kết, về xã hội hóa các chương trình trên phương tiện báo chí trong năm 2020.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của Tổng Biên tập trong việc quản lý phóng viên và nội dung thông tin, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của báo chí, nhất là bảo đảm tính chính xác của thông tin; Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đạo đức người làm báo; Tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát chặt chẽ các điều kiện, việc cấp phép trong lĩnh vực báo chí. Xử lý nghiêm các phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Thiết lập và triển khai đường dây nóng, phản ánh thông tin về báo chí, chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận. Có giải pháp để hỗ trợ hình thành nền tảng truyền thông xã hội trong nước phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền.

Tiếp tục có các biện pháp hữu hiệu để làm tốt công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. Phát huy mặt tốt và hạn chế mặt xấu của loại hình phương tiện thông tin này.

Rà soát, hoàn thiện quy định về an ninh mạng, phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Chủ động phối hợp, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả và có các giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, quảng cáo không đúng sự thật, đánh games, đánh bạc trên mạng và phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng.

Xây dựng và vận hành công cụ giám sát và xử lý việc đưa tin sai sự thật. Sớm ban hành văn bản quy định về xử lý vấn đề tin giả, về bảo vệ thông tin cá nhân của người dân. Có các giải pháp về kỹ thuật, nâng cao trách nhiệm của nhà mạng để xử lý sim rác, tin nhắn rác, các cuộc gọi rác. Khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Triển khai Trung tâm tiếp nhận thông tin xấu, sai trên mạng và có các giải pháp cụ thể để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, trang bị kỹ năng khi sử dụng thông tin trên mạng, nhất là các hoạt động giáo dục trong gia đình, trong nhà trường, cần có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Tăng cường hỗ trợ để hình thành các mạng xã hội Việt Nam đủ mạnh. Hướng dẫn, hỗ trợ để người Việt tiếp cận dễ với mạng xã hội trong nước và có chính sách hỗ trợ để phát triển các doanh nghiệp số, kinh tế số, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực này.

Xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, Chiến lược quốc gia về quản trị dữ liệu, xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, kết nối giữa các địa phương và các bộ, ngành để làm tốt công tác chia sẻ dữ liệu. Trong năm 2019 ban hành Nghị định về kết nối và chia sẻ dữ liệu dùng chung, bảo đảm tính liên thông đối với các cơ sở thông tin quốc gia, hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, giảm phiền hà cho nhân dân.

Tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để triển khai mô hình thành phố thông minh. Ban hành hướng dẫn về thí điểm thành phố thông minh với mục tiêu lấy con người làm trọng tâm, công nghệ làm phương tiện, phát huy lợi ích của công nghệ, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, thiết bị an ninh mạng của Việt Nam. Năm 2020 hình thành bộ mã bưu chính điện tử để hỗ trợ cho thương mại điện tử.

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load