(Xây dựng) - Ni tơ (N) và Phốt pho (P) được các nhà khoa học ví như kẻ sát thủ vô hình đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Thế nhưng ở Việt Nam vấn đề xử lý N, P chưa được quan tâm khi thiết kế các nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT), nhiều NMXLNT đã xây dựng không có khả năng xử lý được N, P.
NM XLNT Yên Sở tiết kiệm được chi phí vận hành do đơn vị vận hành áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới.
Chưa có quy định riêng
Ông Lê Thanh - Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền (Cty Phú Điền) cho biết: N, P là vấn đề quan tâm của toàn cầu từ nhiều năm nay. Ở châu Âu vào năm 2003 đã thành lập sáng kiến về N quốc tế, mục đích để xem xét vấn đề về N trước thực trạng sử dụng N tràn lan làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là hiện tượng phú dưỡng diễn ra khá phổ biến ở các ao, hồ, sông, suối.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, nước Mỹ đã ban hành một đạo luật nhằm hạn chế sử dụng P, trong đó hạn chế sử dụng Phosphat trong bột giặt và các loại chất tẩy rửa trên toàn nước Mỹ, trong đạo luật kiểm soát tài nguyên nước, vấn đề lớn nhất là việc kiểm soát Phosphat trong sinh hoạt cũng như tập quán sản xuất. Từ năm 1972 - 1991, nước Mỹ cũng dành một khoản ngân sách 200 tỷ USD đầu tư cho hệ thống XLNT, trong đó chủ yếu dành cho đầu tư tăng cường xử lý N, P tại các NMXLNT đang vận hành. Đến nay tất cả các tiểu bang của Mỹ đều cấm sử dụng Phosphat trong bột giặt.
Trong Ngày nước và môi trường tổ chức tại TP Bắc Ninh mới đây, các nhà khoa học đã nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số những nước bị thiếu hụt nguồn nước khi hệ thống sông và các lưu vực sông đều ở mức độ ô nhiễm trầm trọng, xảy ra đồng loạt và ngày càng dày đặc hơn là hiện tượng phú dưỡng. Bên cạnh đó, vấn đề N, P còn liên quan đến tập quán sản xuất nông nghiệp lạm dụng thuốc trừ sâu và các loại phân bón hóa học. Năng suất lúa của Việt Nam là cao tương đương với việc sử dụng thuốc trừ sâu và các loại phân bón với liều lượng khoảng 300kg/ha, so với các nước là 150-160kg/ha, nhưng chỉ có khoảng 20% số lượng này được thẩm thấu vào cây trồng, phần còn lại phát tán vào môi trường đất, nước, không khí. Do đó, người dân Việt Nam gần như không thể sử dụng trực tiếp nguồn nước từ những con sông cho nhu cầu sinh hoạt.
Tại Việt Nam, mới chỉ có 35 NMXLNT tập trung đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 850 nghìn m3/ngđ. Con số này chỉ chiếm khoảng 12 - 13% tổng lượng nước thải phát sinh. Có 90% khu công nghiệp (190/214) đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống NMXLNT. Ngoài ra, phần lớn trong số 5.000 làng nghề trên cả nước chưa có trạm XLNT. Trong thời gian tới, cũng sẽ có khoảng 40 NMXLNT đi vào hoạt động với tổng công suất 1,6 triệu m3/ngđ. Tuy nhiên, hầu như các NMXLNT ở Việt Nam hiện nay đều không có khả năng xử lý N và P.
Một chuyên gia của Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng Cục môi trường cũng thừa nhận, ở Việt Nam, quy định pháp luật hay các tiêu chuẩn liên quan đến N, P không có quy định riêng mà nó được lồng ghép trong các quy định chung về quản lý và XLNT.
Tại vùng biển Chân Mây - Lăng Cô, Cảnh Dương của huyện Phú Lộc, tỉnh TT - Huế, xuất hiện dải nước màu vàng là hiện tượng tảo Giáp Gonyaulax polygramma với số lượng lớn và nở hoa do nồng độ amoni quá cao gây ra. Theo các nhà khoa học, thông số amoni vượt giới hạn cho phép có thể là do tồn dư chất hữu cơ ở các khu vực sản xuất nông nghiệp hoặc của khu nuôi trồng thủy hải sản hình thành nên, không phải do sản xuất công nghiệp.
Cách nào để xử lý N, P?
TS Nguyễn Phương Quý - Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam đã quy định phải xử lý N, P từ năm 1995 nhưng các quy định này thay đổi qua các thời kỳ, không khắt khe như một số nước và không có quy chuẩn Việt Nam riêng cho NMXLNT đô thị tập trung. Năm 1995, TCVN 5945 quy định tổng N là 30 mg/l, tổng P là 4 mg/l; năm 2002, TCVN 7222 đối với hệ thống xử lý bậc 2 quy định tổng N là 30 mg/l, tổng P là 12 mg/l; năm 2005, trong TCVN 5945 quy định tổng N là 15 mg/l, tổng P là 4 mg/l; năm 2008, QCVN 14 quy định Nitrate là 30, Amoni là 5 - có nghĩa tổng N là 35 mg/l, tổng P là 6 mg/l; năm 2009, QCVN 24 quy định tổng N là 15 mg/l, tổng P là 4 mg/l… Trong khi đó, tại châu Âu hay Ấn Độ, các quy định về N, P là thống nhất, không thay đổi, tổng N là 10 mg/l và tổng P là 4 mg/l.
Số liệu thống kê của TS Nguyễn Phương Quý còn cho thấy, quy định về nước thải sau xử lý của nhiều dự án không theo một tiêu chuẩn nào của Việt Nam, cái thì cao hơn quy định, cái thì thấp hơn quy định, cái thì quy định, cái thì không quy định, chủ yếu chỉ quy định COD, BOD còn N và P, đặc biệt là N thì không quy định, ví dụ tại các NM XLNT: Bình Hưng, Bảy Mẫu, Cao Lãnh, Vinh, Cần Thơ, Nhơn Bình,… dường như công nghệ được lựa chọn đáp ứng được tiêu chuẩn nào thì quy định tiêu chuẩn đó cho nước thải sau xử lý, mà không tiếp cận theo cách môi trường có thể tiếp nhận được - phải xử lý đạt quy chuẩn theo quy định.
Chính vì vậy, thách thức đối với công tác vận hành khi xử lý N, P tại các NM XLNT là rất lớn và khó khăn vì 4 lý do: Thứ nhất, ngay từ khâu thiết kế NM XLNT đã không quan tâm đến việc xử lý N, P; Thứ hai, một số công nghệ đang vận hành tại các NMXLNT không thể xử lý được N và P; Thứ ba, thông số nước thải đầu vào khi thiết kế NMXLNT có sự khác biệt rất nhiều so với thông số nước thải thực tế vận hành; Thứ tư, thống số nước thải của Việt Nam có BOD thấp trong khi N cao, do đó tỷ lệ BOD trên tổng N thấp, dẫn đến khó xử lý N.
Vậy DN vận hành đã phải giải quyết những thách thức này bằng cách nào? Hầu hết phải tìm kiếm giải pháp nâng cấp tốn kém chi phí như NMXLNT Cần Thơ, hoặc phải chấp nhận thực tế như NMXLNT Bình Hưng, hoặc chi phí vận hành khá cao như NMXLNT Hồ Bảy Mẫu, Bắc Thăng Long - Vân Trì. Tuy nhiên, nhiều NMXLNT đã tiết kiệm được chi phí vận hành do đơn vị vận hành áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới như NMXLNT Yên Sở, hay Bắc Thăng Long - Vân Trì thực hiện bởi Cty Phú Điền.
Theo TS Nguyễn Phương Quý, mặc dù một số NMXLNT đã được Cty Phú Điền cải tiến công tác vận hành nhằm xử lý N, P đạt quy chuẩn với chi phí tiết kiệm. Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn là việc xử lý N, P cần phải được quan tâm ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn công nghệ. Có như vậy mới đảm bảo xử lý triệt để N, P, tránh ô nhiễm môi trường với chi phí đầu tư - vận hành tiết kiệm.
Vấn đề ảnh hưởng của N, P đến sức khỏe con người và môi trường đang dần hiện hữu rõ hơn, đặt Chính phủ và người dân Việt Nam trước yêu cầu phải có nhận thức và ý thức thấu đáo bảo vệ môi trường cũng như bức thiết phải có giải pháp kiểm soát và hạn chế sự phát tán của N, P trong môi trường. Một trong những giải pháp trước mắt là cần rà soát lại tổng thể khả năng xử lý N, P của các NMXLNT, đồng thời có cơ chế pháp lý riêng đối với việc kiểm soát N, P.
Thanh Nga
Theo