Thứ ba 10/09/2024 04:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Nhận diện mô hình Làng đô thị xanh Đà Lạt

21:54 | 06/06/2016

(Xây dựng) - Ngày 3/9/2015, tại Quyết định 1528/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Lạt theo quy hoạch chung xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng được phép triển khai thí điểm xây dựng mô hình nền đô thị xanh tại TP Đà Lạt.


Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng

 

Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan và UBND TP Đà Lạt xác định các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu cụ thể sẽ áp dụng trong tổng thể toàn bộ quá trình thực hiện đầu tư, đồng thời đưa ra “Những định hướng cơ bản mô hình thí điểm Làng đô thị xanh” (thay cho tên gọi cũ là “Bộ tiêu chí Làng đô thị xanh”).

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về mô hình cũng như tiêu chí Làng đô thị xanh, phóng viên Báo Xây dựng đã có buổi phỏng vấn ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng.

Thưa ông, việc xây dựng bộ tiêu chí Làng đô thị xanh có ý nghĩa như thế nào?

Làng đô thị xanh là mô hình mới, chưa có trong quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành xây dựng nhưng lại là xu thế phát triển của các đô thị và vùng phụ cận đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Do vậy, điều đầu tiên là phải định hình được Làng đô thị xanh có mô hình như thế nào, tính chất mô hình ra sao, cơ chế quản lý vận hành thế nào... và thông qua bộ tiêu chí của nó. Bộ tiêu chí sẽ là cơ sở, căn cứ xây dựng đề án và tổ chức triển khai thực hiện.

Vậy xin ông cho biết bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở nào và có được tham chiếu từ các bộ tiêu chí Làng đô thị xanh khác trên thế giới hay không?

Ở Việt Nam đã có các mô hình khu đô thị xanh nhưng mô hình Làng đô thị xanh thì chưa có. Lần đầu tiên mô hình Làng đô thị xanh được thể hiện trong ý tưởng đồ án Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2030, tầm nhìn 2050.

Khi xây dựng bộ tiêu chí này, chúng tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu về vấn đề tăng trưởng xanh, khái niệm đô thị xanh, phát triển không gian đô thị theo hướng bền vững, trên cơ sở đó tổ chức hội thảo chuyên đề quốc tế để làm rõ hơn các tiêu chí cần thiết, định hình cho mô hình Làng đô thị xanh.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu một số mô hình Làng đô thị xanh ở Pháp, ở Mỹ, Singapore… Từ các tư liệu, kết quả hội thảo, căn cứ tình hình thực tiễn của TP Đà Lạt về phát triển kinh tế - xã hội, về phát triển không gian đô thị Đà Lạt theo hướng tăng trưởng xanh, chúng tôi hoàn thiện bộ tiêu chí này.

Được biết, Sở Xây dựng đã hoàn thành dự thảo bộ tiêu chí, vậy xin ông giới thiệu một số nội dung chính của bộ tiêu chí này?

Hiện nay, Sở Xây dựng đã hoàn toàn việc xây dựng bộ tiêu chí. Sau khi đã được Bộ Xây dựng đóng góp ý kiến, Sở đang trình UBND tỉnh ban hành.

Theo ý kiến của Bộ Xây dựng, bộ tiêu chí được đề nghị sửa lại thành “Những định hướng cơ bản mô hình thí điểm Làng đô thị xanh” với 4 định hướng chính về quy hoạch xây dựng, kiến trúc và cơ sở hạ tầng, môi trường, kinh tế xanh.

Về quy hoạch, làng đô thị xanh là quy hoạch phân khu đô thị thuộc Quy hoạch chung TP Đà Lạt. Tại đây hình thành một khu vực sản xuất nông nghiệp - công nghệ cao, kết hợp khu ở và công trình công cộng; phát huy loại hình du lịch canh nông, đảm bảo yêu cầu bảo vệ tối đa đa dạng sinh học, địa hình, cảnh quan tự nhiên - văn hóa của địa điểm và giảm phát thải khí nhà kính, có cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Làng đô thị xanh có diện tích khoảng 150 - 200 ha; dân số khoảng 10.000 đến 15.000 người. Phần đất sản xuất nông nghiệp khoảng 70%. Diện tích đất ở và công trình công cộng khoảng 30% trên diện tích đất quy hoạch. Đất cây xanh công cộng tối thiểu là 50%.

Riêng kiến trúc không gian, làng đô thị xanh ưu tiên khuyến khích nhà ở là nhà biệt lập (mái dốc) và nhà vườn, cao tối đa 03 tầng, mật độ xây dựng trong từng lô đất từ 30 - 40%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đầu tư, kết nối và vận hành đồng bộ theo phân kỳ đầu tư, trong đó hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng các thiết bị và dây chuyền công nghệ thân thiện môi trường.

Làng đô thị xanh áp dụng các tiêu chuẩn quy hoạch, thiết kế dành cho khu vực đô thị đối với các khu vực phi nông nghiệp; thu gom, tái chế các chất thải sinh hoạt; tiết kiệm điện năng và sử dụng năng lượng tái tạo; khuyến khích sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

Mô hình Làng đô thị xanh có phương án tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trở thành những giá trị phi vật thể. Sản xuất nông nghiệp - công nghệ cao theo hướng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển mô hình du lịch canh nông hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu cũng như các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Mô hình sản xuất hàng hóa trải rộng, gắn liên kết các cơ sở sản xuất hộ gia đình thuộc khu dân cư của làng, có thể theo mô hình hợp tác xã kiểu mới...

Theo ông, việc thực thi, ứng dụng bộ tiêu chí này trên địa bàn thành phố Đà Lạt dễ hay khó?

Đây là mô hình mới hoàn toàn, vì vậy trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên do được chọn làm thí điểm nên quan điểm của chúng tôi là vừa làm, vừa học hỏi để đúc rút kinh nghiệm với quyết tâm phải làm cho bằng được một mô hình Làng đô thị xanh tại Đà Lạt, tiếp cận tốt các định hướng vừa nêu.

Còn vấn đề dễ hay khó, thành công hay không là phụ thuộc vào sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở và sự đồng thuận chia sẻ mà của người dân trong vùng quy hoạch.

Thưa ông, liệu bộ tiêu chí này có thể ứng dụng nhân rộng trên địa bàn cả nước hay không?

Như đã nói ở trên, đây là bộ tiêu chí mang tính chất định hướng cơ bản về mô hình Làng đô thị xanh và đã được Bộ Xây dựng đóng góp ý kiến. Vì vậy bộ tiêu chí này có thể ứng dụng nhân rộng trên địa bàn cả nước để các địa phương xây dựng mô hình cụ thể cho phù hợp với quy hoạch và thực tiễn của từng địa phương.

Qua việc triển khai chương trình thí điểm nói trên, tôi thấy rằng để đạt được kết quả tốt cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương; sự quyết tâm thực hiện của cơ quan được giao trách nhiệm; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với chính quyền địa phương và nhất là sự đồng thuận của người dân trong khu vực quy hoạch.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Huyền (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load