Dư luận thời gian vừa qua đều đồng tình với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi đưa ra những quyết định quyết liệt “trảm” hàng loạt các nhà thầu xây dựng vì thi công chậm chạp các công trình giao thông lớn của quốc gia do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Bên cạnh việc “trảm” nhà thầu, Bộ trưởng cũng chỉ đạo về vai trò BQL, cá nhân tổng chỉ huy công trường, chính sách về vốn và GPMB kèm theo. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, nếu như các biện pháp này được giải quyết từ đầu thì các nhà thầu có bị trảm như vậy không?
Chậm tiến độ, lỗi không hoàn toàn do các nhà thầu.
Nhiều nguyên nhân chậm tiến độ
Nhìn lại các nhà thầu xây dựng bị trảm đều là các thương hiệu lớn ở nước ta. Từ Constrexim Holding (dự án Nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng), TCty Xây dựng Hà Nội, đến một loạt nhà thầu như VINACONEX, Cienco 8, TCty Thăng Long, TCty Trường Sơn (dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên)… Việc bị trảm là một tổn thất về hình ảnh thương hiệu, nhưng với những khó khăn cơ bản để giải quyết khâu tiến độ mà lỗi không phải do nhà thầu thì các DN này biết kêu ai?
Với các nhà thầu xây dựng, khi ký kết hợp đồng nhận thi công dự án nhà nước làm chủ đầu tư thì nỗi lo lớn nhất là vấn đề giải ngân nguồn vốn. Tiền lệ, chuyện nợ đọng, chậm giải ngân đã trở thành đề tài muôn thuở. Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), nợ đọng xây dựng cơ bản của nhà nước đối với nhà thầu có lúc lên đến 11 nghìn tỷ đồng, riêng ngành GTVT chiếm 2.500 tỷ. Ngành điện nợ các nhà thầu hàng chục tỷ đồng, có những DN nhận thầu công trình thủy điện đến 4 - 5 năm sau hoàn thành mới được chủ đầu tư thanh toán mà không nhận thêm được một đồng tiền lãi nào.
Tình trạng cơ quan chức năng chậm thanh toán gây nhiều khó khăn khiến nhiều DN điêu đứng, thậm chí phá sản do bị ngậm vốn. Còn về việc nhà thầu không có mặt bằng để thi công như công trình nhà ga sân bay Nội Bài, Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thì rõ ràng trách nhiệm thuộc về Ban GPMB chứ nhà thầu không thể cho máy móc vào thi công ở khu vực đất vẫn chưa được bàn giao.
Bài học đắt giá
Việc loại bỏ nhà thầu chậm tiến độ ra khỏi dự án cho thấy quyết tâm của lãnh đạo đầu ngành GTVT. Nhưng hành động này sẽ thuyết phục hơn khi xử lý luôn được cả vấn đề bức bối khách quan khiến nhà thầu chậm tiến độ. Quan điểm này trùng lặp với ý kiến của ông Vũ Gia Quỳnh - Phó chủ tịch VACC ủng hộ việc loại nhà thầu nếu họ chậm chạp, thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, nếu các nhà thầu chứng minh được lỗi không phải ở họ thì VACC sẽ có ý kiến bảo vệ quyền lợi cho thành viên, đồng thời nêu một số lo ngại nếu thay nhà thầu. Cụ thể như việc nhà thầu cũ vận chuyển hệ thống máy móc, nhân công đi, nhà thầu mới chuyển đến thiết lập lại từ đầu liệu khi đó dự toán công trình có bị đội lên?
Một số chuyên gia đánh giá rằng, làm Bộ trưởng thì phải ra luật, nghị định, cơ chế quản lý để tất cả mọi dự án xây dựng Việt Nam đều phải thi công theo đúng nguyên tắc, quy định đã đề ra. Còn rất nhiều công trình khác nữa, liệu Bộ trưởng có đi hết tất cả dự án, làm thay việc của thanh tra xây dựng mà đôn đốc và trảm tướng, trảm nhà thầu được hết không?
Bản thân các nhà thầu xây dựng Việt cũng cần nhìn nhận lại năng lực và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo uy tín, đảm bảo tiến độ công trình. Bài học về đấu thầu dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khi nhà thầu ngoại đấu thầu vượt 180% dự toán công trình trong khi nhà thầu nội không tính toán được hết biến động giá cả thị trường cho thấy đã qua rồi cái thời “cố đấm ăn xôi” tâm lý hợp đồng rẻ thì chất lượng rẻ theo. Muốn được như các nhà thầu ngoại thì nhà thầu nội cũng phải nhận thức và yêu cầu mức giá phù hợp với chất lượng tương xứng. Tất nhiên, Bộ trưởng Thăng không thể trảm bừa vô căn cứ nên đối với nhà thầu nội, đây thực sự không chỉ là kinh nghiệm xương máu mà còn là bài học đắt giá.
Bộ KH&ĐT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, khối lượng thực hiện đầu tư bằng vốn nhà nước đạt 236.045 tỷ, bằng 41% kế hoạch năm. Thế nhưng, tỷ lệ dự án đã thực hiện thủ tục quyết toán hoàn thành chỉ bằng 15% tổng số dự án thực hiện trong kỳ (3.904/25.231 dự án) và chiếm 83,19% tổng số dự án kết thúc đầu tư trong kỳ. Đây là con số tương đối thấp, đòi hỏi phải có biện pháp để đẩy nhanh tiến độ quyết toán dự án hoàn thành. Thực trạng này có thể thấy rõ trong dự án Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng khi Constrexim Holding thực hiện xong 97% khối lượng công việc nhưng được thanh toán có 48,8%. |
Ninh Toàn
Theo baoxaydung.com.vn