Thứ hai 20/01/2025 22:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Xây dựng đường giao thông bằng bê tông xi măng:

Nhà thầu sẵn sàng nhập cuộc

09:42 | 14/08/2012

Máy móc thiết bị, công nghệ cũng như quy trình thi công đường bê tông xi măng (BTXM) trên thế giới đã được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, để ứng dụng rộng rãi vào điều kiện nước ta, các chuyên gia cần nghiên cứu kỹ lưỡng…


Một số đơn vị ngành Giao thông đã có sẵn thiết bị và có kinh nghiệm bởi thực tế
họ đã thi công một số tuyến đường bằng BTXM.

Đầy đủ thiết bị, công nghệ

Qua nghiên cứu đường BTXM ở Canada cho thấy, xe ô tô chạy trên đường cao tốc xây dựng bằng BTXM thì tiêu tốn ít nhiên liệu và ít xảy ra tai nạn hơn xe chạy trên đường bê tông asphan. Để có được kết quả ưu việt như vậy, Canada đã lựa chọn công nghệ thi công đường BTXM hiện đại, phù hợp. Hiện trên thế giới, máy móc thiết bị, công nghệ cũng như quy trình thi công đường BTXM đã được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước cũng khuyến cáo: quy trình thi công ở mỗi nước sẽ khác nhau bởi khi thi công BTXM phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu thổ nhưỡng. Với điều kiện khí hậu nắng lắm mưa nhiều như nước ta cần có quy trình riêng được nghiên cứu phù hợp.

Ông Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) khẳng định: Chúng ta không lo lắng về thiết bị, công nghệ bởi một số đơn vị ngành Giao thông đã có sẵn thiết bị và có kinh nghiệm bởi thực tế họ đã thi công một số tuyến đường bằng BTXM.

Theo điều tra sơ bộ của Bộ GTVT, đến nay Việt Nam đã nhập khoảng 21 máy thảm BTXM các loại để sử dụng thi công đường BTXM như CIENCO 4 có 1 dây chuyền đồng bộ SP500 đầu tư hoàn toàn mới của Đức; Cty ADC chuyên xây dựng đường băng sân bay có 4 bộ SP500, 1 bộ SP750 của Đức, 1 bộ GOMACO COMMANDER III Slipform và 1 bộ CURBUSR 8.700 Slipform của Mỹ; CIENCO 6 hiện có 6 bộ, gồm 3 bộ GOMACO C- 450X của Mỹ, 3 bộ thiết bị Trung Quốc liên doanh với Mỹ sản xuất; CIENCO 1 có 2 bộ GOMACO COMMANDER III Slipform của Mỹ, 1 bộ SP500 của Đức; DN Xuân Trường cũng có 1 bộ thiết bị SP500 hiện đại, đồng bộ và đã thi công một số tuyến đường bằng BTXM.

Với từng cấp đường khác nhau (từ đường cấp 4 đến đường cấp đặc biệt), chúng ta có thể lựa chọn một trong những phương pháp thi công phù hợp như thi công bằng cốp pha trượt (sử dụng máy rải không cần lắp cốp pha cố định ở mép biên, hoàn thành các công đoạn rải hỗn hợp bê tông, đầm chặt, hoàn thiện mặt trên cùng một hệ thống thiết bị); cốp pha ra (là công nghệ thi công mặt đường bê tông sử dụng máy rải chạy trên hệ ray); thi công bằng máy tam trục (sử dụng máy đầm và tổ hợp máy làm phẳng có ba trục lăn); thi công bằng phương pháp thủ công và các thiết bị đơn giản (sử dụng cốp pha cố định, san rải hỗn hợp bê tông bằng tay, sử dụng đầm bàn đầm dùi hoặc đầm dạng dầm (đầm ngựa) để đầm chặt và sử dụng ống lăn, thước dài, bay để hoàn thiện bề mặt bê tông hay thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn… Với thiết bị, máy móc hiện đại, công nghệ thi công hoàn thiện như hiện nay đã giúp đường BTXM khắc phục tốt nhược điểm công nghệ cũ để lại như độ ma sát cao, mòn lốp xe nhanh…

Các nhà thầu sẵn sàng vào cuộc

Đại diện ngành Giao thông, ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc CIENCO 4 khẳng định: CIENCO 4 và nhiều đơn vị khác thuộc Bộ GTVT luôn sẵn sàng cả về thiết bị, máy móc, kinh nghiệm và năng lực thi công khi chủ trương tăng cường sử dụng xi măng được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Các nhà thầu xây dựng cũng sẵn sàng góp tay vào cuộc xây dựng đường BTXM bởi họ sở hữu công nghệ tiên tiến là công nghệ bê tông đầm lăn. Với những ưu điểm vượt trội của công nghệ bê tông đầm lăn như lượng xi măng tốn ít hơn, giải phóng mặt đường nhanh, thời gian thi công nhanh và không tốn nhiều nhân lực bởi hầu hết các khâu trong quy trình thi công đều được cơ giới hóa, và đã được chứng minh triển khai rộng ở Mỹ, thì Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động ứng dụng công nghệ này.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Bộ GTVT sẽ hoàn thiện quy hoạch sử dụng BTXM để có kế hoạch cụ thể đối với việc sử dụng xi măng đến năm 2015 - 2020. Từ đó, xây dựng kế hoạch nguồn vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng là phát hành trái phiếu để đơn vị mua xi măng trả cho đơn vị sản xuất, đơn vị sản xuất xi măng sẽ dùng trái phiếu này để vay vốn tái đầu tư sản xuất. Việc phát hành trái phiếu xi măng còn giúp huy động nguồn lực xi măng mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp vào xây dựng hạ tầng giao thông.

Hy vọng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp ngành, các địa phương, sự vào cuộc của ngành Giao thông và Xây dựng, các nhà thầu, các nhà sản xuất xi măng… việc triển khai xây dựng đường BTXM một cách đại trà vào năm 2015 sẽ được hiện thực hóa.

Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về mặt đường BTXM trong khu đô thị và khu công nghiệp - hướng dẫn nghiệm thu đã được Viện KHCNXD (Bộ Xây dựng hoàn thiện). Dự thảo nêu rõ những yêu cầu về vật liệu; lựa chọn thành phần bê tông; chuẩn bị thi công (lựa chọn máy móc, bố trí trạm trộn, kiểm tra máy móc, vật liệu, kiểm tra lớp móng đường); Trộn và vận chuyển hỗn hợp bê tông (thiết bị trộn, yêu cầu kỹ thuật khi trộn, xe vận chuyển, yêu cầu kỹ thuật khi vận chuyển); Thi công mặt đường bê tông không cốt thép; Thi công mặt đường bê tông bằng cốt thép; Thi công khe, rãnh chống trượt và bảo dưỡng mặt đường; Thi công trong điều kiện khí hậu đặc thù; Kiểm tra và nghiệm thu chất lượng thi công…

Huyền Ngọc

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load