Thứ bảy 20/04/2024 05:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhà Quốc hội: Hội tụ tinh hoa thợ xây dựng Việt Nam

10:12 | 21/10/2014

(Xây dựng) - “Toàn Ngành nhận thấy đây là vinh dự, tự hào, bởi không chỉ là Trụ sở làm việc của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất (nằm trong khuôn viên Khu di tích Hoàng thành Thăng Long),  biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của nhân dân, mà còn có ý nghĩa rất lớn về chính trị, tâm linh” - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.


Không gian hội trường gồm 2 tầng, tầng 1 với 600 chỗ ngồi của đại biểu Quốc hội và khách mời, tầng 2 bố trí hơn 300 chỗ ngồi của khách mời, khách dự thính.

Trọng trách của Tư lệnh ngành Xây dựng

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, bên cạnh những ý nghĩa đó, còn 2 điều làm Bộ trưởng lo lắng: Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một công trình xây dựng trụ sở cơ quan Trung ương lớn nhất, đòi hỏi kỹ thuật hiện đại, vượt kích cỡ, thi công phức tạp và thời gian lại rất gấp. Riêng hệ thống dây cơ điện động tại Tòa nhà dài khoảng 1.350km; 600km đường dây điện nhẹ; gần 400km đường dây cáp kết nối mạng LAN… Cạnh đó là hệ thống ống bảo vệ dây và cáp điện dài 200km; hệ thống điều hòa, thông gió, làm lạnh, hệ thống cấp nước, phòng cháy chữa cháy; đá treo tường…

Đặc biệt là hệ thống âm thanh phải sử dụng cùng một lúc cho 84 phòng họp lớn nhỏ. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, để thực hiện việc này, BQLDA đã phải chỉ đạo tổ chức gần 50 nhà thầu với hàng chục nghìn công nhân thi công. Mỗi ngày bố trí làm 3 ca, ít nhất 1.500 - 2.000 người làm việc trên công trường; phải phối hợp hiệu quả, bảo đảm an toàn, chất lượng, bên cạnh đó cũng phải đặc biệt quan tâm đến chế độ bồi dưỡng cho anh em công nhân, không để xảy ra sự cố mất an toàn đối với người lao động. Để bảo đảm công tác an ninh hàng ngày, tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc tại công trường - ngoài việc đeo thẻ còn được kiểm tra an ninh bằng máy soi hiện đại.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng và thời gian hoàn thành công trình Nhà Quốc hội mới, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, thấy thương anh em công nhân, kỹ sư, người lao động, bất kể ngày lễ, tết, họ sẵn sàng ở lại làm việc với tinh thần, nỗ lực cao nhất để đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình... như sáng ngày mùng một Tết Giáp Ngọ, không khí làm việc của gần 500 công nhân, kỹ sư, người lao động và lãnh đạo BQLDA trên công trường diễn ra như ngày bình thường. Nếu không được như vậy khó hoàn thành đúng tiến độ, Bộ trưởng nhấn mạnh.

TCty Sông Đà - cơ hội ứng dụng công nghệ cao

Tại dự án Nhà Quốc hội, TCty Sông Đà được giao thi công gói thầu XL01 (phần móng và tầng hầm) và liên danh với TCty Xây dựng Hà Nội thi công gói thầu XL02 (kết cấu phần thân, mái và hoàn thiện…). Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của công trình Nhà Quốc hội, TCty đã tập trung lực lượng xe máy, thiết bị hiện đại, đặc chủng, đồng bộ, công nghệ thi công tiên tiến nhất thế giới, với đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề để thi công công trình.

Các đơn vị thi công của TCty Sông Đà gồm: Cty CP Sông Đà 5 có nhiệm vụ triển khai thi công 1/3 diện tích sàn của 2 tầng hầm của gói XL01 đồng thời đảm nhiệm 1/3 khối lượng của gói XL02.

Công trình Nhà Quốc hội đòi hỏi chất lượng, kỹ thuật cao, là cơ hội để TCty Sông Đà tiếp xúc với công nghệ cao trong xây dựng công trình dân dụng. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đối với nhà thầu ở công trình Nhà Quốc hội là mặt bằng thi công quá hẹp. Có những công việc chỉ tiến hành được vào ban đêm (khoảng 5 tiếng/ngày). Vào lúc cao điểm, các dịp tổ chức hoạt động kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, lực lượng thi công phải dừng làm. Khó khăn nữa là việc bố trí nơi ăn ở cho CBCNV…

Với tinh thần quyết tâm cao, TCty đã khắc phục mọi khó khăn tập trung cao độ cho công trường. Dàn thiết bị mạnh nhất Sông Đà đã được tăng cường cho dự án trọng điểm Nhà Quốc hội.


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thường xuyên thăm và động viên công nhân trên công trường nhà Quốc hội.

Hoàn thành công trình có ý nghĩa đặc biệt này, TCty Sông Đà một lần nữa đánh dấu bước ngoặt từ việc chuyên thi công các công trình thủy điện sang các công trình dân dụng với nhiều yếu tố khó khăn, phức tạp.

TCty COMA - dấu ấn siêu cột thép đặc biệt

Ở công trình Dự án Nhà Quốc hội, người COMA đã ghi dấu ấn bằng thành tích về thi công hạng mục siêu cột thép. Đây là thành công của việc khai thác ngoại lực, mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, chuyển giao công nghệ trên quan điểm cân bằng lợi ích giữa các bên. Việc thi công 8 siêu cột có kết cấu đặc biệt, dạng tổ hợp cao 15m, thiết diện 3,8 x 2,2m, nặng 78 tấn là một nhiệm vụ phức tạp, lạ và hiếm gặp tại các công trình Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ này, TCty COMA đã đề xuất giải pháp sử dụng cẩu 1.250 tấn (cẩu có sức nâng lớn nhất từng được sử dụng trong công trình dân dụng ở Việt Nam). Mặc dù chi phí cho việc di chuyển thiết bị đặc biệt này không nhỏ nhưng so với hiệu quả của việc sử dụng cẩu mang lại: Bảo đảm tiến độ thi công, bảo đảm an toàn và chất lượng công trình… thì đây thực sự là bài toán kinh tế nổi trội. Người COMA nhận định kết cấu thép mái nhà Quốc hội không quá khó nhưng có đặc thù là hình thù phức tạp, kích thước lớn, nhiều mối hàn đòi hỏi kỹ thuật cao, dung sai tương đối khắt khe. Phần khó nhất của công tác tổ hợp và lắp dựng sẽ tập trung ở 2 chi tiết: Vòng trung tâm khối lượng 20 tấn là điểm giao cuối cùng của 32 vì kèo. Nếu không quyết tâm cao và có phương án triển khai chặt chẽ thì với khối lượng công việc này thời gian triển khai có thể tăng gấp rưỡi so với tiến độ đặt ra.

LILAMA - đương đầu với khó khăn

Ngay từ đầu, Tổng giám đốc LILAMA đã yêu cầu tập trung mọi nguồn lực từ thiết bị, vật tư, tài chính, nhân lực… để hoàn thành công trình theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.

Đảm nhận thi công hạng mục hệ thống điện và kết cấu thép của công trình, để đảm bảo hoàn thành các công việc theo yêu cầu, sau khi có thiết kế được phê duyệt LILAMA luôn duy trì trên công trình 30 kỹ sư và gần 400 công nhân kỹ thuật có tay nghề cao liên tục từ tháng 10/2013 đến tháng 8/2014 và liên tục tăng ca để đáp ứng tiến độ. LILAMA luôn tập trung đầy đủ máy móc thiết bị tốt nhất phục vụ thi công công trình, đặc biệt có một số thiết bị dụng cụ chưa từng được sử dụng ở Việt Nam (mặc dù LILAMA đã thi công rất nhiều công trình lớn ở Việt Nam) như thiết bị cắt gọt đầu cáp trung thế do cáp đặc biệt nhập khẩu từ Đức và LILAMA phải cử cán bộ sang tận nhà máy sản xuất ở Đức để mua nhằm đảm bảo tiến độ cũng như an toàn cho hệ thống điện tòa nhà. Ngoài ra, LILAMA cũng gặp không ít khó khăn cần phải giải quyết như: Đến tháng 9/1014 vẫn có những điều chỉnh để phù hợp với công năng sử dụng, trong khi vật tư thiết bị chủ yếu là nhập khẩu từ G7 hoặc châu Âu nên việc đặt hàng kịp tiến độ rất khó khăn. Các vật tư thiết bị năm 2014 gần như LILAMA phải chủ động đặt hàng vận chuyển bằng máy bay khiến chi phí tăng lên rất nhiều. Trong khi đó, công trình có trên 40 nhà thầu thi công nên công tác thi công luôn chồng chéo, việc phối hợp giữa các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các phần việc của LILAMA thi công bị động hoàn toàn vì chỉ thi công sau khi các nhà thầu xây dựng, nội thất hoàn thành... Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và trực tiếp của Bộ Xây dựng và đặc biệt Thứ trưởng Cao Lại Quang gần như có mặt liên tục, giao ban ngay tại công trường nên một số khó khăn, vướng mắc, xung đột giao diện, phố hợp giữa các nhà thầu đều được giải quyết ngay.

Hiện nay, các phần việc của LILAMA đã hoàn thành chạy thử theo quy định và đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 10/2014.

Đại biểu Phùng Khắc Đăng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Cũng như Chủ tịch Quốc hội đã nói, từ 70 năm thành lập nước đến nay chúng ta với có một Nhà Quốc hội to, đẹp như thế này. Tôi cho rằng công trình Nhà Quốc hội này là một bước phát triển mới với ngành xây dựng. Ngoài ra công trình này cũng đã cập nhật được các kiến thức xây dựng công trình thời kỳ hiện đại. Mặc dù khi thi công công trình một số ý kiến đánh giá cho rằng kiến trúc của công trình chưa được gắn kết lắm với khu vực, tuy nhiên theo ý kiến đánh giá của tôi thì công trình này đã có những kiến trúc hòa nhập thời hiện đại.

Chính ngôi Nhà Quốc hội này đã thể hiện một phần bộ mặt xây dựng của cả nước, trong bước tiến về lĩnh vực xây dựng của nước ta, bởi trong công trình tôi nhận thấy được những nét kiến trúc truyền thống, một chút kiến trúc Pháp và một nét hiện đại của Tây Âu. Điều này thể hiện nấc thang phát triển của ngành xây dựng nước nhà trong một quá trình tiến triển. Một điểm nữa, đó là trong cách tư duy của người Việt mình có sự năng động, nó phù hợp với sự hội nhập, đó là những nét kiến trúc truyền thống, pha trộn với hiện đại tạo thành điểm nhấn cho công trình.

Đại biểu Trương Văn Hiền, Đại biểu tỉnh Đắk Nông

Về mặt ý nghĩa thì đây là một công trình xây dựng quan trọng bậc nhất, Nhà Quốc hội vừa là Trụ sở làm việc của Quốc hội, vừa là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cũng là biểu tượng của một Quốc gia đổi mới mà từ khi giải phóng dân tộc đến nay chúng ta mới xây dựng lại được. Về kiến trúc thì cũng thấy rất tự hào bởi tôi đánh giá đây là một công trình có kiến trúc đẹp, ngoài những loại VLXD được nhập khẩu từ nước ngoài còn lại phần lớn là vật liệu trong nước như thương hiệu của Vigracera.  Tôi cũng đánh giá rất lớn đội ngũ công nhân, kỹ sư xây dựng của chúng ta đã có trình độ, với khoảng thời gian từ ngày giải phóng dân tộc đến nay mà chúng ta đã tự chủ được công nghệ và sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng là một sự đáng ghi nhận.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Trước một công trình to đẹp và ý nghĩa như thế này nó đã thể hiện trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta. Dù không phải là nhà kiến trúc, nhưng tôi thấy những tính ưu Việt của một hội trường hiện đại, rất tiện nghi với đầy đủ các phòng chức năng được bố trí một cách hài hòa, khoa học.

Vũ Chiến

 

Mỹ Anh (tổng hợp)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load