Thời điểm cuối năm, ai cũng bận rộn, giá cả mọi thứ đều tăng và đây cũng là lúc các chủ nhà trọ tự ý tăng giá. Và đã thành thông lệ, cứ thị trường tăng giá ở bất cứ mặt hàng nào là chủ nhà cho thuê lại tăng theo. Người đi thuê nhà “đành cắn răng chịu” vì là người bị động, thị trường nhà cho thuê để ở khan hiếm, hộ gia đình đi thuê nhà cũng giống như người độc thân, sinh viên, người lao động tất cả không có ai quản lý.
Người thuê nhà chịu giá điện 3 nghìn đồng/số và 50 nghìn đồng tiền nước 1 người /1tháng đã phổ biến từ lâu. Bên cạnh đó người đi thuê nhà còn phải chịu sự thay đổi thất thường của chủ nhà, cho dù có hợp đồng rõ ràng, nhưng họ cần là đòi nhà không cần biết “bên B” chịu những khó khăn gì khi hợp đồng bị cắt như vậy. Người thuê nhà phải trả tiền nhà từ 3 - 6 tháng trên lần, cộng với tiền đặt cọc từ 2 triệu đồng khi thuê nhà như một bảo hiểm “chỗ ở thuê”. Ngoài ra, để thuê được nhà, người đi thuê phải thông qua môi giới nhà đất và phải trả 50% giá một tháng tiền nhà cho một lần thuê, cộng 200 nghìn tiền môi giới cho mỗi lần đi xem nhà. Trong khi người đi thuê nhà hầu hết là từ các tỉnh lên Thủ đô lập nghiệp… kể cả người Thủ đô do hoàn cảnh gia đình diện tích nhà ở quá chật không có điều kiện mua nhà đều phải “ngậm đắng nuốt cay” chịu giá “trên trời”.
Về vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Ở nước ta chưa có bất cứ một điều luật nào đối với thị trường cho thuê dù ở ngắn hạn hay dài hạn, nên người đi thuê phải chịu nhiều khó khăn. Việc người đi thuê nhà chịu giá điện, nước cao như kinh doanh cũng đã được báo đài nói đến quá nhiều tuy nhiên thì đến nay vẫn chưa có một chế tài nào bảo vệ quyền lợi của người thuê nhà. Vì hầu hết chủ nhà chỉ cho thuê ngắn hạn nên người thuê luôn sống trong tình trạng bấp bênh, mà văn hoá người Việt là có an cư mới lạc nghiệp.
Do tư duy đó một hệ luỵ của người Việt Nam là phải có nhà và sở hữu nhà… mà dòng tiền đổ vào BĐS là rất lớn. Trong khi khoản tiền đó có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác có lợi hơn. Ví dụ, ở nước ngoài chính quyền chú trọng đến mảng thị trường cho thuê dài hạn, có chế tài luật pháp riêng cho mảng thị trường này. Nên người dân không phải lo mua nhà nhiều mà chỉ cần thuê dài hạn là cuộc sống ổn định.
Chị Hoàng Hà - nhân viên văn phòng một Cty tư nhân tại Q.Hoàng Mai than phiền: Tôi đi thuê nhà đã mấy năm nay và phải chịu nhiều điều vô lý, không biết đến bao giờ mới được thuê nhà của Nhà nước để không còn phải chịu thiệt thòi và ức chế như đi thuê nhà tư nhân. Gia đình cũng đang chờ nhà thu nhập thấp và nhà cho thuê của Nhà nước đã hoàn thành ở một số dự án lớn trong nội thành và ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên nếu tính theo thang điểm 100 thì thật khó để những người như chúng tôi có thể thuê hay mua được nhà, vì chỉ là nhân viên tại các Cty tư nhân, không có thu nhập cao nhưng vẫn không trong diện chính sách. Những người có hoàn cảnh như chúng tôi muốn tiếp cận để mua hay thuê nhà thu nhập thấp thật cũng vô cùng khó khăn…
Cùng chung quan điểm với chị Hoàng Hà, anh Văn Thực quê ở Nam Định nói: Học xong anh ở lại Hà Nội lập nghiệp, mức thu nhập hai vợ chồng chưa đến 7 triệu đồng trên tháng, và quả là quá khó khăn nếu muốn mua được nhà Hà Nội. Niềm khao khát có một mái ấm để an cư lạc nghiệp của anh chị là chờ đợi vào chính sách cho thuê, mua nhà dành cho người thu nhập thấp của Nhà nước. Tuy nhiên, anh Thực cho rằng chắc phải vài năm nữa nhà thu nhập thấp mới phổ biến và mong ước được mua một căn nhà thu nhập thấp là niềm khát khao của anh và nhiều gia đình khác.
Thanh Huyền
Theo baoxaydung.com.vn