(Xây dựng) - Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/QĐ - TTg về đầu tư kinh phí kiên cố hóa trường lớp học và xây nhà công vụ cho giáo viên. Chương trình chỉ kéo dài đến năm 2012 thì dừng lại với tỷ lệ hoàn thành khá khiêm tốn. Sau 10 năm, khi Chiến lược phát triển nhà ở đã được Chính phủ xây dựng trở thành Chiến lược trọng điểm của quốc gia với sự phát triển mạnh mẽ nhà thu nhập thấp và nhà ở xã hội tại các đô thị thì chính sách nhà ở cho giáo viên vùng sâu vẫn “án binh bất động”.
Phòng lưu trú của giáo viên cắm bản trên đỉnh Pờ Hồ (Bát Xát – Lào Cai)
Những thân cò lặn lội chốn đi về
Một ngày của cô giáo Vàng Thị Máy, giáo viên cắm bản, người dân tộc Mông, bắt đầu từ 4h sáng. Khi màn đêm vẫn còn phủ đặc bản làng và cái rét luồn buốt da thịt, cô Máy đã trở dậy soạn sửa bữa ăn sáng cho chồng con để kịp ra khỏi nhà từ 5h30. Đều đặn mỗi ngày, cô đi về trên quãng đường tổng cộng là 60km để đến điểm trường Hà Xúng (xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Cả ngày quần quật vừa làm mẹ, vừa làm thầy của lũ trẻ thơ dại, 5h chiều tạm gác việc cô lại tất tả ngược về nhà mình. Quãng đường 30km với những đường cua tay áo lạnh người nhưng đáng sợ nhất vẫn là chặng gần 10km đường đất dẫn về bản cô. Những ngày sương mù dày đặc đứng chẳng nhìn rõ bàn chân mình, những ngày mưa dầm lầy lội mới thật là khủng khiếp! Có bận cô ngã xe máy, đau đến dại người mà chả có ai trợ giúp vì đường vắng, chỉ biết ngồi đợi dịu cái đau rồi dậy đi tiếp. Với thâm niên của mình, thu nhập mỗi tháng của cô được hơn 6 triệu đồng thì riêng tiền xăng xe đi lại trung bình mỗi tháng đã mất ít nhất 1,5 triệu đồng, một mức chi phí không hề dễ chịu.
Ở một hoàn cảnh khác, cô giáo Mừng Thị Bảy - điểm trưởng của điểm trường tiểu học Hà Xúng lại có nỗi lòng riêng. 23 năm theo nghiệp trồng người là 23 năm rong ruổi của người giáo viên lớn tuổi đầy tâm huyết. Gia đình cô Bảy ở TP Hà Giang, cách điểm dạy học hơn 130km. Cuối tuần, cô lại vội vã bắt xe về TP. Mỗi tháng tính riêng tiền cước xe khách đi đi về về của cô cũng không dưới 1,6 triệu đồng, nhưng thời gian cho chồng và cho con chắc chưa đầy 1/3 quãng đời cô bên họ.
Cứ ngỡ cái chuyện an cư lạc nghiệp ở vùng cao heo hút nơi cực Bắc này không phải là quá xa vời khi mức thu nhập của các cô giáo đã ít nhiều được quan tâm, hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách với vùng xuôi, khi chuyện mua đất dựng một mái nhà đơn giản không phải là quá khó nơi điệp trùng rừng núi này. Nhưng khi được hỏi sao không tính chuyện an cư tại chỗ, các cô giáo đều cười buồn. Cô Mừng nhẩm tính: Tiếng là vùng sâu vùng xa nhưng chi phí cho việc thuê một chỗ ăn ở độc thân như cô mỗi tháng cũng mất khoảng 1,5 triệu đồng (tôi nhẩm tính cũng tương đương với chi phí của một lao động mới ra trường tại Hà Nội). Vậy nhưng việc tìm được một chỗ ở cũng không dễ bởi lẽ cầu không lớn mà cung lại càng hiếm.
Nhà ở của cô giáo Lục Thị Loan, GV mầm non huyện Mường Lát – Thanh Hoá
Khi tôi hỏi về chính sách hỗ trợ vay vốn mua và xây nhà ở xã hội, nhà công vụ cho giao viên, ngay cả cô giáo có tới 23 năm kinh nghiệm như cô Bảy cũng lắc đầu không biết.
Hỗ trợ nhà ở cho giáo viên vùng cao: mưa chưa thấm đất
Được biết, để tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho cán bộ, giáo viên vùng cao, vùng sâu, ngày 01/02/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/QĐ - TTg về đầu tư kinh phí kiên cố hóa trường lớp học và xây nhà công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, chương trình chỉ kéo dài đến năm 2012 thì dừng với tỷ lệ hoàn thành khá khiêm tốn và giấc mơ của giáo viên vùng cao lại càng trở nên xa vời.
Ông Phạm Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà chia sẻ: "10 năm trước, khi Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và phòng ở công vụ giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 được phê duyệt, nhu cầu của huyện là phải xây được 120 phòng công vụ. Thế nhưng, khi mới xây được 48 phòng thì hết vốn nên phải dừng lại. 5 năm qua khi Đề án kết thúc, con số nhà công vụ được xây mới tính trên đầu ngón tay vì không có nguồn vốn khả thi ”.
Cũng trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Minh Điệp - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho biết: "Nhu cầu nhà công vụ của GV các cấp trong huyện là rất lớn. Nhưng 3 năm trở lại đây không có một phòng công vụ nào được đầu tư xây dựng. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. GV ở các điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn khăn thiếu thốn”
Còn ở huyện miền núi Tương Dương của tỉnh Nghệ An, năm 2012 - năm cuối cùng thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên cũng chỉ được cấp kinh phí và đã xây mới được 144 phòng ở nhà công vụ giáo viên cùng với 50 phòng ở bán kiên cố (nhà gỗ kê, lợp tôn hoặc proximăng, nay hầu hết đã hư hỏng) được xây dựng từ các chương trình quốc gia khác như chương trình 135, chương trình mục tiêu, hay chương trình xóa tranh tre, huyện Tương Dương chỉ mới giải quyết được 194 phòng ở cho giáo viên, trong khi đó nhu cầu cần có là 519 phòng, như vậy mới chỉ đạt 37,38% so với nhu cầu.
Giáo viên vùng cao gian nan đường tới trường.
Từ thực trạng về nhà công vụ giáo viên ở miền núi có thể thấy thời gian thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên quá ngắn; nguồn vốn hạn chế trong khi giá cả nguyên vật liệu thường xuyên biến động gây nhiều khó khăn trong lập dự toán; địa hình đồi núi phức tạp, đường giao thông vận chuyển vật liệu gặp nhiều trở ngại.
Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng của địa phương. Tuy nhiên đa phần các tỉnh đều than vãn lý do mình là tỉnh nghèo nên việc huy động các nguồn vốn đối ứng để triển khai thực hiện Đề án gặp nhiều hạn chế. Trong khi đó, nơi này, nơi kia, những trụ sở của các ban, ngành vẫn mọc lên như nấm, hoành tráng và đẹp đẽ không tỉnh nào chịu thua kém tỉnh nào. Nói như vậy để thấy rằng, cần lắm sự đồng cảm và quan tâm thực sự thiết thực hơn nữa cho những “chiến sĩ trồng người” nơi phên dậu Tổ quốc.
Uyển Trà
Theo