Thứ hai 16/09/2024 17:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Nhà nghiêng lún - ai chịu trách nhiệm chung với dân?

10:11 | 06/11/2012

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện toàn TP có khoảng 181 căn nhà nghiêng - lún nằm rải rác tại các quận, huyện. Trong đó, chiếm nhiều nhất là trên địa bàn Q.Bình Thạnh với 103 căn.


Đường Bình Quới, P.25, Q.Bình Thạnh mấy năm gần đây xuất hiện rất nhiều căn nhà nghiêng.

Xây xong là… lún

18h ngày 08/10/2012, ngôi nhà 3 tầng lầu tại số 549/14/2 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh do bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc làm chủ đột nhiên phát ra tiếng nổ rồi nghiêng hẳn về 1 bên. Sự cố của căn nhà khiến cả khu xóm hoảng loạn. Mọi người chạy tứ tán. Ngay sau đó các cơ quan chức năng Q.Bình Thạnh đã phong toả hiện trường và sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tiếp đó, 11/10 Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh đã ra công văn khẩn số 2592/QLĐT, yêu cầu bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc khắc phục sự cố hư hỏng kết cấu công trình. Công văn nêu rõ: Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc thực hiện ngay các biện pháp di dời người và tài sản ra khỏi công trình… gia cố ngay vị trí hư hỏng để sự cố không tiếp tục xảy ra.

Tương tự, căn nhà số 726A Bình Quới, P.25, Q.Bình Thạnh, được xây 1 trệt, 3 lầu, cách đây 8 năm đã xảy ra lún và nghiêng rất nhiều, sau nhiều lần được Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh vận động thì chủ nhà đã tự tháo dỡ 1 tầng lầu. Sau khi vận động mới phát hiện căn nhà này được xây dựng… không phép. Theo giải thích của Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh thì căn nhà thuộc diện giải toả để mở rộng đường Bình Quới, để tạo điều kiện cho các hộ dân bị giải toả, nên các hộ có thể tự xây cất không cần xin giấy phép. “Chúng tôi chỉ cấp phép xây dựng còn chuyện hậu kiểm thì lại do bên Thanh tra Xây dựng mà trước đây là Đội quản lý trật tự đô thị của quận đảm nhiệm”, bà Nguyễn Thị Châu Thi - Phó phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, giải thích. Cách giải quyết sự cố cũng như giải quyết việc xây lố các công trình bị lún, theo bà Thi, các cơ quan hữu trách đang nghiên cứu.

Cũng trong công văn yêu cầu khắc phục sự cố gửi chủ nhà, cơ quan có trách nhiệm Q.Bình Thạnh đề nghị “đơn vị tư vấn kiểm định do chủ nhà ký hợp đồng khảo sát đánh giá lại nguyên nhân sự cố và đề ra các giải pháp khắc phục, sau khi có kết quả thì đến Phòng Quản lý đô thị để được xem xét giải quyết theo quy định”. Đây cũng là cách mà quận đã áp dụng cho nhiều trường hợp nhà nghiêng lún trên địa bàn.  

Hàng trăm căn nhà nghiêng, lún trên địa bàn quận, thậm chí xây sai phép tăng diện tích sử dụng, nhưng “chúng tôi đã làm hết khả năng cho phép, mà luật thì chỉ quy định như vậy, với những sự việc như thế thì chủ hộ phải tự chịu trách nhiệm với công trình của mình”, bà Thi phân trần.

Trên bảo cưỡng chế, dưới bảo khó, dân tự xử

Tháng 4/2011, Sở Xây dựng TP.HCM liên tục ra 2 văn bản xử lý các công trình nghiêng - lún trên địa bàn Q.Bình Thạnh, trong đó nêu rõ: “Tập trung vào các trường hợp nhà nghiêng-lún nguy hiểm, nhà có nguy cơ sập đổ để có phương án phòng tránh sự cố xảy ra. Buộc các chủ nhà phải đánh giá hiện trạng, khắc phục sự cố, trong trường hợp chủ nhà không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế khắc phục, di dời. Trường hợp phải tháo dỡ, nếu chủ sở hữu không tự ý phá dỡ trong thời gian cam kết, UBND quận, huyện ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ theo của Luật Xây dựng năm 2003. Kinh phí việc cưỡng chế phá dỡ thực hiện theo Luật Nhà ở năm 2005”.

Nói là vậy, nhưng theo bà Thi thì “chúng tôi rất khó thực hiện việc này bởi nhiều lẽ. Nếu cưỡng chế người dân thì bố trí cho họ ở đâu? Ngoài ra quỹ nhà để bố trí tạm cư trong thời gian cưỡng chế tháo dỡ của quận hiện không đủ. Hiện thời tiền cho các công tác y tế, giáo dục… đang thiếu, lấy đâu ra kinh phí cưỡng chế mấy chục căn nhà như thế”.

Cũng theo bà Thi, Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh đã gửi rất nhiều văn bản, báo cáo về Sở Xây dựng nêu thực trạng và đề nghị Sở có hướng dẫn cụ thể đối với những khó khăn vướng mắc như đã nêu, nhưng hiện nay Sở vẫn chưa có hướng dẫn gì!?

Trao đổi thêm với ông Hoàng Song Hà - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, ông Hà cho biết: “Chúng tôi rất khó xử lý vì không biết lấy kinh phí ở đâu? Vẫn biết căn cứ vào Luật Xây dựng, nhưng không có hướng dẫn cụ thể thì chúng tôi không thể quyết toán kinh phí cưỡng chế, số kinh phí này có khi lên tới nửa tỷ đồng”.

Nói theo cách của các cơ quan hữu trách thì đụng đâu cũng khó, chưa tìm được giải pháp… xảy ra sự cố dân phải chịu trách nhiệm đối với tài sản của mình đã đành. Nhưng sẽ thiếu nếu không tính đến trách nhiệm của bộ máy quản lý xây dựng “khổng lồ” tại địa phương như người cấp phép, Thanh tra Xây dựng, Địa chính… Có lẽ đã đến lúc không thể để người dân đơn phương chịu thiệt hại, cần có quy định chế tài rõ ràng đối với những người có trách nhiệm trong việc cấp phép.

Mạnh Cường

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load