(Xây dựng) - Những ngày gần đây, đường dây nóng của Báo Điện tử Xây dựng liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân chung cư Vinaconex 21 (Ba La – Hà Đông – Hà Nội) phải sử dụng nước bẩn từ bể chứa nước dự phòng cứu hỏa và hệ thống thang máy chất lượng kém ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cư dân nơi đây.
Sáng 01/7, phóng viên Báo Điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với anh Lê Duy Cường là cư dân sống tại P503, nhà CT21, chung cư Vinaconex 21 (Ba La – Hà Đông – Hà Nội).
Mặt ngoài chung cư Vinaconex 21 tại Ba La – Hà Đông – Hà Nội.
“Cư dân bị khát nước”
Theo anh Cường và những hộ dân sống tại tòa nhà CT21 chia sẻ, ban quản lý tòa nhà có nói do nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà, cộng với nước sông Đà đang thiếu, ban quản lý tòa nhà thông báo đến các hộ sinh sống tại chung cư sẽ mất nước ba ngày (đó là từ ngày 21/6 đến 23/6).
Đã trôi qua ba ngày mất nước, đến ngày thứ 4 nước mới rò rỉ đến các vòi của những hộ dân. Thực sự, với áp lực nước như vậy không thể đáp ứng được những sinh hoạt tối thiểu hằng ngày.
Quá sốt ruột, anh Cường liền tiếp cận những hộ dân sống xung quanh chung cư thì thấy họ vẫn có nước sạch sử dụng bình thường. Toàn bộ chung cư và các hộ quanh đây đều sử dụng nước sạch của Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông.
Để khắc phục tạm thời tình trạng thiếu nước, các hộ đã phải sử dụng tạm nguồn nước dự phòng từ bể cứu hỏa của tòa nhà.
Nước được bơm từ bể dự phòng cứu hỏa lên khối nước sạch trên nóc chung cư, sau đó mới bơm tới các hộ dân. Ai dám đảm bảo nguồn nước đủ vệ sinh để sử dụng, trong khi lúc có nước lúc không.
Anh Cường bức xúc: “Chúng tôi được thông báo mất nước ba ngày, tiếp đó bốn ngày sau vẫn không có nước sạch dùng, phải dùng nước ở bể cứu hỏa, vừa bẩn, lúc bơm được lúc không. Dường như, những sinh hoạt nhỏ nhất cũng thật khó khăn”.
Tiếp đó, anh Cường cùng một số người dân trong chung cư đến gặp kỹ thuật viên của tòa nhà. Anh đề nghị kiểm tra đường ống nước từ đầu vào của tòa nhà, nhưng kỹ thuật viên một mực khẳng định: “Chúng em đã kiểm tra rồi, nước vẫn vào nhưng hơi yếu thôi”.
Quá bức xúc, anh Cường quả quyết: “Chúng tôi tự mua đồ về, chúng tôi tự tháo và sửa chữa”. Sau đó, anh báo lại với ông Nguyễn Huy Cường là Giám đốc Công ty CPXD số 21, ông phản hồi lại rằng cho phép các hộ tháo đường ống để kiểm tra và xử lý.
Trong khi, kỹ thuật viên của tòa nhà vẫn khẳng định không vấn đề gì? Vấn đề là cái ống nước đó đã được tháo ra để kiểm tra thực tế chưa mà đã có những kết luận chắc chắn như vậy!
Câu chuyện nực cười khi anh Cường và các hộ dân lại tự bỏ tiền túi ra mua thiết bị và tự sửa chữa nguồn nước vào tòa nhà.
Hơn nữa, khi các anh tháo lọc của ống nước nguồn chính dẫn vào tòa nhà thì thấy lọc tắc hết (những mảnh nhựa, cát và cặn bẩn cuốn quanh chiếc lọc), các anh liền vệ sinh lọc sạch sẽ. Sau đó, quá trình vận hành và sử dụng nước sạch của chung cư lại bình thường trở lại.
Hoảng hồn vì… thang máy!
Anh Cường tâm sự, gia đình anh là những hộ sống đầu tiên ở đây. Có quá nhiều vấn đề trong chung cư này! Không chỉ có vấn đề nước sinh hoạt, mà thang máy cũng là đáng báo động.
Thật chớ trêu, một tòa nhà cao tới 21 tầng lại chỉ có hai thang máy. Bình thường để hai thang máy hoạt động đã không đảm bảo vấn đề đi lại hoặc vận chuyển đồ đạc của các cư dân.
Tòa nhà 21 tầng chỉ có hai thang máy.
Theo anh Cường, thang máy ở đây chạy không ổn định, chất lượng kém, có những lần anh đi từ tầng 20 xuống giữa tầng 18, 19 thì bị hẫng lại. Rất mất an toàn cho người sử dụng, chưa kể những người bị mắc bệnh lý như sợ độ cao, tim mạch…
Tòa nhà có hai thang máy nhưng không sử dụng được cùng một lúc.
Ở chung cư Vinaconex 21, chắc hẳn ai cũng nhớ vụ bà cụ đi thang máy bị tụt hẫng giữa tầng 7 và 8, kẹt đến 30 phút. Khi gọi điện cho trực kỹ thuật tòa nhà thì không ai nhấc máy, phải chăng có sự vô tâm, thiếu trách nhiệm thành hệ thống tại chung cư này!
Nơm nớp những âu lo…
Sau khi được bàn giao và chuyển về sinh sống trong căn hộ 75,3m2 này, gia đình anh Cường đã phải chịu rất nhiều loại phí như: phí phần trăm bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà… Thế nhưng, đường xá đi lại họ không xây dựng một cách đồng bộ, con đường độc đạo dẫn vào chung cư đầy ổ voi ổ gà gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Con đường ổ gà độc đạo dẫn vào chung cư.
Hệ thống sân chơi, trường học cho trẻ hoàn toàn không có. Nhu cầu vui chơi, sinh hoạt lành mạnh tại chung cư còn nhiều hạn chế.
Những ổ voi ổ gà như thế này đã quá quen thuộc với người dân ở đây.
Anh Cường thở dài: “ Ừ, thì mình mua cái nhà nó ít tiền, chi phí bỏ ra thấp nên dịch vụ không thể bằng các nơi khác cao cấp hơn được. Nhưng ít ra nó phải đảm bảo tối thiểu mức sinh hoạt hàng ngày.
Hiện tại, Ban quản lý chung cư Vinaconex 21 là do chủ đầu tư dựng lên để quản lý tòa nhà, người dân trong chung cư không phép được tham gia. Do vậy, về khách quan thì không thể quan tâm, chủ động trong quá trình hoạt động và xảy ra những sự cố tại chung cư.
Đồng thời, phản ánh sự độc quyền trong công tác quản lý dịch vụ tại các chung cư. Nổi cộm thời gian gần đây là dự án Nam Đô Complex, với hàng loạt những hạng mục sai phạm như tiền thuế sai quy định, sử dụng nước bẩn, thi công ẩu, chất lượng công trình kém…
Chưa kể, dự án Hạ Đình Tower chủ đầu tư lạm thu với các loại phí trên trời như phí mất vệ sinh, phí công tơ điện lên tới 5 triệu đồng/chiếc, phí vận thăng giá cắt cổ với nhiều hạng mục, rồi thay mặt cơ quan công an ra thông báo xử phạt những hành vi gây rối trật tự công cộng lên tới 2 triệu đồng/lần…
Qua thực tế cho thấy, tình trạng chủ đầu tư hoặc ban quản lý các tòa nhà còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Những người dân thì vẫn phải sống nơm nớp với những ngày thiếu nước, với những công trình kém chất lượng, những khoản chi phí không đáng có…
Đã đến lúc cần phải có những quy định, chế tài để xử lý những vi phạm đang tồn tại ở các khu chung cư. Đặc biệt trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cư dân tại chung cư Vinaconex 21 đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.
.
Việt Khoa
Theo