Hai năm, sau khi ngôi nhà Lang - ngôi nhà sàn đẹp nhất của khu bảo tồn không gian văn hóa Mường bị cháy, họa sỹ Vũ Đức Hiếu cùng với những người bạn, những nghệ sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa đã tìm mọi cách để phục dựng ngôi nhà Lang này. Nếu ngôi nhà lang cháy là một sự mất mát rất đáng tiếc thì việc ngôi nhà Lang hồi sinh trở thành một biểu tượng của tình yêu mà cộng đồng dành cho những giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa Mường.
Bảo tàng “Không gian Văn hoá Mường” là một công trình văn hóa - nghệ thuật, được bắt nguồn từ niềm đam mê văn hóa Mường của họa sỹ Vũ Đức Hiếu. Sau 10 năm sưu tầm và gần 1 năm xây dựng, đến ngày 16/12/2007, Bảo tàng chính thức mở cửa. Bảo tàng nằm trên vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ, hẹp có diện tích 5ha, cách Hà Nội 80km về phía Tây, cách trung tâm thành phố Hoà Bình 7km, trên con đường lịch sử mang tên đường Tây Tiến. Bảo tàng được chia làm 2 khu vực chung là khu Tái hiện và khu Trưng bày.
Lễ khánh thành nhà Lang thật sự là một ngày trọng đại đối với những người yêu mến Bảo tàng Văn hóa Mường.
Khu tái hiện: gồm 4 khu nhà sàn (nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc, nhà Nóc trọi) đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường. Nhà lang nằm trong quần thể không gian văn hóa Mường, là biểu tượng văn hóa quan trọng trong hệ thống văn hóa của người Mường. Nhà Lang có diện tích 106m2, dài 12,2m, rộng 8,7m, mặt sàn cách mặt đất 2 m. Kết cấu nhà: khung, sàn, vách bằng gỗ, mái lợp lá cọ. Trong nhà trưng bày nhiều hiện vật quan trọng, quý hiếm của người dân tộc Mường như chiêng, súng kíp… mà họa sỹ Vũ Đức Hiếu đã dày công sưu tầm trong suốt hơn 10 năm. Ngôi nhà có niên đại hơn 100 năm của gia đình bà Hà Thị Lợi, con gái một vị Lang đạo ngày xưa ở vùng mường Chậm - nay thuộc xóm Chiến, xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ngôi nhà được di dời và phục dựng tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đầu năm 2007 với sự hỗ trợ của một nhóm thợ người Mường ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Tháng 10/2013, ngôi nhà lang bị cháy, trong một sự việc mà đến nay vẫn còn nhiều uẩn khúc, những điều chưa được làm sáng tỏ. Đối với họa sỹ Vũ Đức Hiếu - chủ nhân của không gian văn hóa Mường, cũng như những người bạn, những vị khách đã từng đặt chân đến đây, thì đó là một nỗi buồn đắng ngắt.
Ngôi nhà lang cùng các nhà khác nằm trong khu vực Bảo tàng đã được trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, đặt các biển nội quy, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc. Trong khu vực Bảo tàng có bố trí nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy gồm: 1 bể trữ lượng 70m3, 1 bể trữ lượng 13m3, 1 bể trữ lượng 4,5m3 và một ao nước lớn. Lực lượng chữa cháy của Bảo tàng có 5 CBNV đều biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy. Bếp lửa trong ngôi nhà sàn của người Mường được làm rất cẩn thận để cách nhiệt, cách lửa với các bộ phận khung, cột trong nhà, cùng với những quy định nghiêm ngặt về phòng cháy, chữa cháy, rất khó để “tự nhiên” có thể bùng phát một đám cháy. Đến giờ, họa sỹ Vũ Đức Hiếu, dù rất buồn và bức xúc, nhưng cũng đành phải gọi đây là một “tai nạn”, một tai nạn do sự thiếu ý thức của một vài người.
Những gì còn sót lại sau đám cháy của ngôi nhà lang có thể làm đau đớn cho bất kỳ ai đã từng đến ngôi nhà này, từng chạm vào những cây cột gỗ, hay ngồi hơ tay bên bếp lửa, thưởng thức mùi cơm nếp thơm. Những cột gỗ có tuổi đời hàng trăm năm, những chiếc chuông đồng, vật dụng bằng đồng cháy biến dạng… và đau đớn hơn, đó là những vật dụng ẩn chứa, ghi dấu trong đó những giá trị lịch sử và văn hóa đã bị thiêu dụi sau một đám cháy. Cùng với những công trình văn hóa những năm gần đây đang bị làm cho biến dạng thì sự việc cháy ngôi nhà lang trở thành một mất mát lớn đối với một di sản văn hóa. Nỗi buồn đó hẳn sẽ còn kéo dài rất lâu.
Nhà lang mất đi, đó không chỉ là sự mất mát của một tài sản vật chất có giá trị lớn, mà quan trọng hơn đó là sự mất đi của một hiện hữu văn hóa, cùng với những câu chuyện văn hóa Mường gắn với ngôi nhà lang cũng ít nhiều biến mất, không tìm lại được.
Xếp lại nỗi buồn, họa sỹ Vũ Đức Hiếu nghĩ rằng mình cần phải khôi phục ngôi nhà lang, không chỉ bởi ngôi nhà lang là trái tim của toàn bộ khu Không gian Văn hóa Mường, bảo tàng này không thể tồn tại nếu thiếu đi một ngôi nhà Lang. Và quan trọng hơn, anh và những người bạn của mình không muốn ngôi nhà Lang bị cháy sẽ chìm vào quên lãng, bị chôn lấp đi bởi những sự kiện ào át đến hàng ngày của đời sống. Một ý tưởng về sự mất mát của văn hóa được phục dựng từ hành động của những con người yêu văn hóa, nặng lòng với văn hóa đã được nung nấu hình thành.
Dự án « Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh» được chính thức phát động từ tháng 4/2015 với những kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn: họp báo thông tin về dự án, trình diễn thời trang, triển lãm ảnh để gây quỹ và kêu gọi nghệ sỹ đóng góp tác phẩm của mình - bán đấu giá để lấy kinh phí phục dựng nhà Lang. Mong muốn của họa sỹ Vũ Đức Hiếu cùng với những người cộng sự là biến quá trình phục dựng nhà Lang trở thành một hoạt động văn hóa. Ngôi nhà lang sau khi phục dựng sẽ khoác trên mình một câu chuyện tiếp nối về văn hóa.
Họa sỹ Vũ Đức Hiếu đã nhận được sự ủng hộ của anh em nghệ sỹ, từ Bắc vào Nam, sự ủng hộ của những người yêu nghệ thuật và văn hóa Việt, đặc biệt là những người nhìn thấy ở anh niềm đam mê, một tình yêu dành cho ngôi nhà Lang và văn hóa Mường. Những người bạn, những người nghệ sỹ, chuyên gia, người làm kinh tế đã tích cực tham gia các hoạt động quyên góp, vận động cộng đồng.
Những người yêu nghệ thuật thì đóng góp tiền, những nghệ sỹ thì đóng góp tác phẩm của mình. Nghệ thuật văn hóa mời gọi nghệ thuật. Một công trình văn hóa được phục hồi bằng chính những tác phẩm nghệ thuật. Đó là một động thái rất đáng trân trọng của những người nghệ sỹ và nhưng người yêu nghệ thuật. Đúng như những nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng: “Sự kiện cháy nhà Lang tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường năm 2013 đã trôi qua hai năm. Chủ nhân của nó muốn kêu gọi cộng đồng giúp đỡ phục hồi, và cụ thể bằng triển lãm tác phẩm nghệ thuật, và hoạt động đấu giá này. Những họa sỹ và nhà điêu khắc đã đáp lời, như là một sự ủng hộ văn hóa cho một lưu giữ di sản truyền thống. Chúng ta không cần nhắc lại sự kiện đó nữa, cũng như không cần nói về nghĩa cử của các nghệ sỹ, nếu như sự đóng góp bằng tác phẩm của họ không nhiều ý nghĩa nghệ thuật”.
Có tổng cộng 55 họa sỹ đã đóng góp tác phẩm để tham gia đấu giá ủng hộ việc phục hồi nhà Lang, và họa sỹ Vũ Đức Hiếu, cùng với cộng sự của mình đã có đủ kinh phí để phục dựng ngôi nhà Lang.
Khi đã có đủ kinh phí và nhận được sự ủng hộ của anh em bạn bè, nghệ sỹ, nghệ nhân và những người yêu nghệ thuật, việc phục dựng ngôi nhà Lang đối với một người đã lặn lội hơn 10 năm với văn hóa Mường như họa sỹ Vũ Đức Hiếu cùng với những người thợ không quá khó khăn.
Sau khi đánh giá được mức độ bị hủy hoại, những phần khung cột còn có thể sử dụng, họa sỹ Vũ Đức Hiếu cùng với thợ đã lên phương án phục hồi, tìm kiếm gỗ thay thế, cũng như việc đảm bảo giữ nguyên bản, kích thước, cấu trúc và vật liệu của ngôi nhà. Những kỹ thuật dựng nhà sàn của người Mường - chỉ dùng kết cấu tỳ đè chứ không dùng mộng hay đinh chốt… vẫn được những người thợ xây dựng sử dụng. Những phần khung cột cũ và quá giang bị cháy xém bên ngoài vẫn tiếp tục được sử dụng. Những phần không thể tái sử dụng, được giữ lại và nhận được sự hỗ trợ - xử lý miễn phí hoàn toàn - của Viện Bảo tồn di tích. Kỹ thuật này là một trong những giải pháp hiện đại để bảo tồn những phần di tích còn có thể giữ lại một phần nguyên trạng. Chính vì thế mà ngôi nhà sàn nhờ thế vẫn mang một phần “hồn vía vật chất” của ngôi nhà cũ.
Trên nền của ngôi nhà lang bị cháy, và trên chính những thân cột còn xém những vết cháy, hình hài một ngôi nhà lang đã dần hiện hữu. Toàn bộ quá trình phục dựng đã được họa sỹ Vũ Đức Hiếu và những người bạn ghi lại một cách cẩn thận.
Và cuối cùng, thời điểm mong đợi cũng đến. Vào tháng 1/2016, ngôi nhà Lang đã được hồi sinh.
Trong lễ khánh thành nhà Lang, những hoạt động vui chơi, trò chơi dân gian đã được tổ chức, tiếp đón những người bạn và những vị khách du lịch.
Từ khi bắt tay vào dựng nhà lang đến khi làm lễ mừng nhà Lang, họa sỹ Vũ Đức Hiếu đã thực hiện đúng những nghi lễ dựng nhà của người Mường, đặc biệt là nhờ cậy đến những mo mường. Trong quá trình dựng nhà của người Mường, thầy mo có vai trò quan trọng. Mở đầu việc dựng nhà, ông mo làm lễ cắm cọc vào nơi làm cầu thang. Sau đó, chủ nhà cày ba luống làm lệ trên nền làm nhà. Ông mo đi sau vảy nước vào những luống cày đó và khấn vía lúa. Người làm nhà chuẩn bị vài cụm lúa đã tuốt hết hạt chỉ còn cọng rơm ném ra xa rồi cầm đòn xóc đâm vào cụm lúa nâng lên. Mỗi lần nâng đòn xóc lên rồi lại để xuống và hát giang ý nói rằng "lúa đẹp, lúa nặng, lúa bay về nhà để cho no cho đủ…". Ông mo nâng các cụm lúa lên trên tay rước đi vài vòng rồi giang mo "đẻ đất đẻ nước" đoạn nói về rùa dạy dân làm nhà. Tiếp theo ông mo vảy một thứ nước mà người Mường cho đó là nước phép vào những hố chôn cột để xin thần linh cho gia chủ làm nhà mới. Nhà làm xong, gia đình lại tổ chức cúng tổ tiên, thổ công, ma rừng, ma cây, ma bến nước, ma đồi gò… thông báo rằng gia đình đã có một ngôi nhà mới, mời tổ tiên về chung vui với con cháu phù hộ gia đình may mắn.
Trong ngôi nhà của người Mường, bếp lửa rất quan trọng. Trong ngôi nhà lang có bếp chủ và bếp khách. Bếp khách là không gian dành cho những người đàn ông, bếp dùng để đun nước pha trà tiếp đãi khách và sưởi lửa về mùa đông. Bếp chủ: Bếp dành cho sinh hoạt nấu nướng hàng ngày của gia đình và gắn với người phụ nữ. Công việc đắp bếp, nhóm lửa rất quan trọng, được coi như một nghi lễ.
Trước tiên, gia đình sẽ làm bộ khung bếp bằng bốn thanh gỗ tốt và dày, ghép cố định với nhau theo hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trong lòng bếp, phần tiếp giáp mặt sàn họ trải một lớp bẹ của cây chuối tươi. Trên lớp bẹ cây chuối tươi để năm vỏ cây núc nắc, bốn vỏ đặt ở bốn góc bếp, một vỏ để ở chính giữa bếp, với tín ngưỡng của người Mường cho rằng: vỏ cây núc nắc sẽ tạo sự mát mẻ, tránh được hỏa hoạn. Tiếp theo, đổ những sọt đất vào trong lòng bếp với những sọt đất lẻ, sọt cuối cùng đổ một nửa sọt vào khung bếp, nửa còn lại đổ trả về cho đất, với quan niện “Không lấy hết cái gì bao giờ”; nơi cư trú của người Mường thường ở những thung lũng đá vôi hay những khe suối, điều kiện sống phần đa dựa vào thiên nhiên, vì vậy, khi săn bắt, hái lượm trên rừng - đánh bắt dưới suối họ không lấy hết thứ gì cả mà sẽ để lại một phần dành cho thế hệ con cháu mai sau. Khi đổ những sọt đất sẽ kê ba hòn đá dùng để nấu nướng, đó cũng là tục thờ đá của người Mường. Chi tiết này thể hiện sự chung gốc của người Mường với tín ngưỡng thờ vua Bếp và người Việt là ba ông Đầu Rau. Tuy nhiên, người Mường không có Tết ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp Âm lịch mà sẽ cúng vua Bếp vào những dịp tết Nguyên đán, tết Cơm mới…
Bên trên bếp làm các giàn “khựa” và “rớng” để đồ dùng, thực phẩm, lương thực giữ trữ chống mối mọt. Xung quanh bếp có đặt hũ mẻ, các vại măng chua và các gia vị ưa thích của người Mường. Bếp có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người dân Mường; hơn nữa chứa đựng những tập tục sinh hoạt đặc sắc. Vì vậy, khi làm bếp mới, gia đình nào cũng phải có tục đắp bếp và lễ nhóm bếp.
Hiện diện trong ngôi nhà lang là những phần chi tiết đã bị cháy xém, những mảnh chiêng, đồ dùng bằng đồng, khung cửi, thổ cẩm đã bị cháy… được giữ lại để tiếp tục kể câu chuyện văn hóa về ngôi nhà Lang.
Từ khi phục dựng nhà lang, đến những nghi lễ được thực hiện một cách chuẩn chỉ, họa sỹ Vũ Đức Hiếu - mà những người yêu mến vẫn thường gọi là Hiếu Mường, mong muốn ngôi nhà Lang, cũng như không gian văn hóa Mường thực sự thuộc về người Mường. Hơn ai hết, họa sỹ Vũ Đức Hiếu nhìn thấy rõ những mất mát và biến dạng của văn hóa Mường trong đời sống hiện đại bởi những lý do chủ quan lẫn khách quan.
Hồi sinh từ trong những tàn tro - hy vọng đó là một tính hiệu đáng mừng của văn hóa Việt, trước những băn khoăn của rất nhiều người. Nhưng có những đám cháy mà chúng ta không thể cứu vãn nổi, có những mất mát mà chúng ta không thể cứu vãn nổi nếu vẫn tiếp tục một thái độ thờ ơ và ứng xử thiếu hiểu biết về văn hóa. Để có được điều này, phải có những người mơ mộng - hoàn toàn - tỉnh táo và một cộng đồng tin vào sự bền vững của những giá trị văn hóa, sức mạnh của cộng đồng vượt lên trên những toan tính tị hiềm.
Ngôi nhà Lang hồi sinh là một cái kết có hậu cho những nỗ lực bảo vệ những giá trị truyền thống cũng như những suy tư trăn trở của những người “gác đền” trước một đời sống mà những giá trị tinh thần, văn hóa không được coi trọng đúng mức, trước những nền tảng văn hóa đang bị đứt gãy bởi đời sống vật chất.
Theo Nhật Minh - Hồng Phong / VTC
Theo