Thứ năm 12/09/2024 00:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Nhà hàng dưới “địa đạo” Nhà hát Lớn

23:18 | 10/10/2010

Chỉ rộng chưa đến 200m² nhưng bước chân vào đây, ta như có cảm giác lạc vào thế giới khác.

Nhà hát lớn Hà Nội thì nhiều người biết, nhưng dưới tầng hầm Nhà hát có một nhà hàng thì không phải ai cũng biết.

Từ ý tưởng của một Việt kiều…

Ý tưởng có một nhà hàng như mê cung dưới tầng hầm của Nhà hát lớn là của David Thái. Anh sinh năm 1972 tại Việt Nam, năm 1979 cả gia đình chuyển tới bang Seatle, Mỹ định cư. David Thái học quản trị kinh doanh tại ĐH Washington, tuy vậy chàng trai gốc Việt không thấy hài lòng với nền giáo dục mà anh đang có vì theo anh, đó không phải là những kiến thức anh mong đợi.


Nhà hát lớn Hà Nội.

Năm 1996, anh quyết định về Việt Nam theo chương trình học bổng học tiếng Việt với vỏn vẹn gần 1.000 USD trong túi. Từ đây, anh bắt đầu đọc truyện Kiều, học văn học Việt. Sau nhiều năm thăng trầm, cuối cùng anh trở thành chủ nhân chuỗi café Highlan (Tập đoàn Việt Thái) và nhà hàng Nineteen 11 sang trọng, độc đáo trong tầng hầm Nhà hát lớn Hà Nội. Đầu năm 2009, David Thái là 1 trong 2 người Việt Nam nhận giải thưởng Lãnh đạo Toàn cầu Trẻ - Young Global Leader do Diễn đàn Kinh tế Thế giới bình chọn.

Lịch sử tầng hầm nơi có nhà hàng độc đáo ấy gắn liền với lịch sử Nhà hát lớn Hà Nội, một công trình lớn mà người Pháp đã xây dựng tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Xưa kia, nơi đây là một vùng đầm lầy thuộc đất của 2 làng Thạch Tần và Tây Luông giáp gianh với làng Cựu Lâu, thuộc Tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương. Vào năm 1899, hội đồng thành phố họp dưới quyền chủ toạ của Richard - Công sứ Hà Nội, đề nghị lên Toàn quyền Fourer cho xây Nhà hát. Thiết kế của kiến trúc sư Broyer và Harvy được xét duyệt với kinh phí xây dựng là 2 triệu franc. Công trình được khởi công vào ngày 7/6/1901. Việc san lấp mặt bằng được tiến hành khá vất vả. 35.000 cọc tre được đóng với khối bê tông cốt sắt dày 0,9m, hàng ngày có 300 công nhân làm việc liên tục. Năm 1911, Nhà hát lớn Hà Nội khánh thành. Cái tên nhà hàng Nineteen 11 chính là xuất phát từ mốc lịch sử quan trọng này.

Đến bây giờ, anh vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên đặt chân vào tầng hầm của Nhà hát lớn, anh vô cùng bất ngờ như cảm thấy lạc vào mê cung không lối ra trong khối kiến trúc xây bằng gạch vòm chịu lực. Quá trình ấp ủ dự án cho đến khi hình thành nhà hàng dưới hầm mê cung cũng kéo dài đến chục năm. Khi Nhà hát lớn được tiến hành trùng tu năm 1997 thì cũng là thời điểm, nhà hàng bắt đầu được xây dựng dưới tầng hầm. Đến năm 2007, nhà hàng ở vị trí độc đáo này mới được khánh thành.

Đến không gian độc đáo giữa những bức tường mộc cổ

Ngày nay, bước vào tầng hầm Nhà hát lớn Hà Nội, người ta như bước vào mê cung với những bước tường bằng gạch mộc nguyên bản cổ xưa với nhiều lối đi giống nhau đến nỗi khó mà tìm được lối ra. Sảnh lớn của nhà hàng có sức chứa tới 80 thực khách được thiết kế độc đáo tạo nên không gian ấm áp, có chiều sâu làm mất đi cảm giác về diện tích mặt bằng nhỏ chỉ gần 200m².

Kiến trúc của nhà hàng dựa trên những thiết kế cơ bản của nhà hát từ thời kỳ đầu tiên, kết hợp với những cải tiến hiện đại mang phong cách Đông Dương đầu thế kỷ 20. Những bức tường xây bằng gạch mộc nguyên bản từ đầu thế kỷ 20 vẫn được giữ nguyên tạo nên nét độc đáo không nơi nào có được. Không gian giữa những bức tường gạch mộc khiến người ta có cảm giác như lạc vào một thế giới cổ kính xưa. Các lối vào cũng được giữ nguyên bản như ngày đầu với những bức tường, lối vào bằng gạch mộc tạo nên một không gian như sâu hun hút của mê cung.

Với chất liệu nguyên bản ấy, âm thanh của cây đàn piano trong góc phòng mỗi khi cất lên bao giờ cũng là thứ âm thanh thật và trong làm say lòng người nghe. Góc đặt chiếc đàn piano cũng chính là điểm nhấn nguyên bản xưa kia còn lại với kiến trúc hai góc tường gạch mộc, tạo thành 3 tầng lớp liền nhau độc đáo. Các vật liệu khác được sử dụng như đèn và rèm lụa, sàn gỗ mộc hay vài chiếc ghế với thiết kế hệt như các dãy ghế trong phòng chính nhà hát... là những đột phá khá táo bạo tạo nên phong cách ấn tượng cho nhà hàng dưới hầm.

Ngay cả khăn trải bàn và hoa của nhà hàng cũng có phong cách riêng, tạo nên nét khác biệt của nhà hầm. Ông Vũ Thế Minh (Quản lý nhà hàng) cho hay: "Màu khăn của bàn tương ứng với ánh đèn trần, cách bố trí khăn vàng tạo nên màu sắc khác nhau ở từng thời điểm khác nhau. Vào buổi trưa, thực khách sẽ có cảm giác không gian như rộng lớn hơn dưới sự phối hợp độc đáo giữa màu khăn bàn với ánh đèn trần, tường gạch mộc. Nhưng đến tối chúng tôi tắt toàn bộ những đèn đồng ở ô đèn trần, chỉ để đèn nhỏ thì ánh đèn nhỏ sẽ hắt trên từng bàn, tạo nên không gian, ánh sáng kỳ diệu, rất riêng cho từng bàn".

Trong phòng VIP của nhà hàng lại được thiết kế mô tả lại như phòng gương (phòng sang trọng dành cho nguyên thủ hoặc khách quốc tế trong Nhà hát lớn) với một bên là tường gạch mộc cổ, một bên là tường gương. Sự kết hợp này đã tạo nên một vẻ đẹp vừa sang trọng, hiện đại lại vẫn mang đậm nét lịch sử, văn hóa truyền thống. Phòng VIP được đặt trong một không gian đóng, mở liên tục với những hành lang thông nhau, tạo nên những góc sang trọng, đồng thời vẫn có không gian yên tĩnh, kín đáo cho sự riêng tư.

Những món ăn độc đáo

Trong sảnh lớn dưới hầm Nhà hát lớn được đặt 2 bức tượng sư tử có cánh khá lớn, như một biểu trưng cho lịch sử tầng hầm, lịch sử nhà hàng. Trên mỗi bàn ăn đều có 1 bức tượng sư tử có cánh thu nhỏ tạo phong cách riêng cho nhà hàng.

Mỗi thực khách khi vào nhà hầm, bao giờ cũng được phục vụ một ổ bánh mì nhỏ với dầu giấm ô liu. Đây là loại bánh mì do các đầu bếp của nhà hàng tự chế ra bột, tự làm bánh nên có vị rất riêng biệt. Nơi đây còn có loại bánh Nineteen 11 Vacherin kiểu Ý kẹp kem và trái cây rất đặc trưng mà cả Hà Nội chỉ ở đây mới có. Loại bánh Bruchesta trông qua giống như chiếc piza Ý nhưng được chế biến theo phương thức riêng, cũng là loại bánh ngon bậc nhất mà không phải nhà hàng nào cũng có.


Bức tường xây bằng gạch mộc nguyên bản từ đầu thế kỷ 20 tạo nên nét độc đáo.


Tường gạch mộc ngăn cách tạo thành các lối đi giống nhau.


Ánh đèn trần phối với màu hoa, màu tường tạo nên ánh sáng kỳ diệu.


Phòng Vip là sự kết hợp độc đáo giữa tường gạch mộc và nhà gương.


Bộ sưu tập 120 loại rượu nổi tiếng

Nhắc đến nhà hàng độc đáo dưới tầng hầm Nhà hát lớn, bao giờ người ta cũng nói đến món bò Úc và bò Kobe nổi tiếng. Thêm nữa là món bánh cuốn áp chảo nhân tôm được làm từ bánh phở nguyên miếng, nhân tôm băm trộn với gia vị cuộn vào trong rồi chiên đủ độ vàng, giòn nên khi ăn bánh có độ giòn bên ngoài mà vẫn giữ được vị tươi, mềm của tôm bên trong...

Điều thú vị và độc đáo ở đây còn là hầm rượu. Gọi là hầm rượu nhưng thực chất diện tích của nó không lớn, được thiết kế ấn tượng với cách bố trí ánh sáng hợp lý đã tạo nên không gian sâu hun hút cho hầm. Ở đó là bộ sưu tập tới 120 loại rượu nổi tiếng của 9 nước như: Chateau Margaux của Pháp, Opus one - Napal valley của Mỹ, Almaviva của Chile...

Không gian dưới tầng hầm Nhà hát lớn Hà Nội không chỉ là một nhà hàng độc đáo với những kiến trúc nguyên bản từ đầu thế kỷ 20, mà còn là biểu trưng văn hóa gắn với Nhà hát lớn.

Nhà hát lớn Hà Nội

Phỏng theo kiến trúc của Nhà hát Opera Garnier của Pháp, nhà hát lớn Hà Nội được xây dựng như là một phiên bản nhỏ hơn vào năm 1901.

Công trình nhà hát lớn Hà Nội được Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20, do rất nhiều kiến trúc sư, kỹ sư người Pháp tham gia như Broyer, Harlay, Travary, Savelon... Những người thiết kế công trình này đã tìm tòi tham khảo kiến trúc cổ Hy Lạp Cô-ranh-tơ kết hợp với kiểu lâu dài Tuy-lơ-ri và Nhà hát Opera de Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt.

Nhà hát lớn có diện tích 26.000m,  chiều dài mặt ngoài nhà hát là 87m, chiều rộng trung bình là 30m, đỉnh so với mặt đường là 34m. Cầu thang giữa lên tầng hai là một sảnh chính rộng, cầu thang phụ và hành lang chạy vòng ở hai bên. Đằng sau sân khấu là phòng quản trị, 18 buồng cho diễn viên hoá trang, 2 phòng tập hát, 1 phòng gương, 1 thư viện và 1 phòng họp.

Phòng khán giả chính có diện tích 24x24m có sức chứa 870 chỗ ngồi. So với 20 vạn dân năm 1945 thì quy mô kiến trúc nhà hát lớn Hà Nội thời bấy giờ là rất lớn. Nơi đây luôn được xem là một trong những trung tâm văn hóa của thủ đô Hà Nội, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc, hòa nhạc, giao lưu...

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhà hát lớn Hà Nội cũng là nơi chứng kiến những ngày hòa bình đầu tiên của thủ đô. Hiện nay, tuy đã được tu bổ lại khá nhiều nhưng nơi này vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng nhất của sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp…

Sức chứa của nhà hát sau nhiều lần sửa chữa là 900 ghế và vẫn được sắp xếp theo phong cách cổ điển Pháp thế kỷ 19. Trần bên trên phòng khán giả do họa sĩ Pháp vẽ. Đèn chùm được dát một lớp vàng theo công nghệ mới. Đèn gắn trên tường làm bằng đồng theo kiểu cổ.

Sảnh chính được lát đá Italy, có màu sắc tạo cảm giác như được trải tấm thảm lớn, dọc hai bên tường là hệ thống đèn chùm nhỏ mạ đồng, đèn chùm ở giữa mạ vàng. Phòng khán giả lát gạch chất lượng cao và trải thảm chống cháy. Tường và trần trang trí bằng các hình vẽ cầu kỳ của các hoạ sĩ Pháp. Nhà gương là phòng lễ nghi quan trọng thường xuyên đón tiếp các nhân vật cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, được lát bằng đá từ Italia, lắp ghép thủ công theo kỹ thuật Mozaic.

Phần tầng hầm xưa được xây bằng gạch đã được thay bằng kết cấu bê tông giúp tiết kiệm được khá nhiều diện tích. Nơi đây sẽ trở thành một phòng biểu diễn nhỏ, gọn nhẹ với sức chứa khoảng 200 người cùng một quán bar nhỏ có lối đi riêng và hoàn toàn độc lập với tầng trên.

Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc có một không hai với những giá trị kiệt xuất về lịch sử, văn hoá, kiến trúc và mỹ thuật. Có thể xem Nhà hát lớn như một phần không thể thiếu của đô thị và kiến trúc thủ đô, góp phần tạo lập bộ mặt đất nước ta ngày nay trong lĩnh vực văn hoá. Trải qua hơn 100 năm tuổi, công trình Nhà hát lớn Hà Nội tồn tại như một biểu tượng về không gian kiến trúc, văn hoá và cả chính trị của Thủ đô 1.000 năm tuổi. 

Thùy Linh (GDXH)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
  • Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Dồn hết tâm huyết cho “Vinh quang thầm lặng 2024”

    (Xây dựng) – Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Vinh quang thầm lặng 2024''. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng, tiếp sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương đã mang đến cho khán giả những phút giây hào hùng, lắng đọng đầy cảm xúc.

  • Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các nghệ sỹ tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024

    (Xây dựng) - Tối 10/9, tại Nhà hát Đó, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 và trao giải Cánh diều vàng Phim truyện điện ảnh xuất sắc cho phim Mai, đạo diễn Huỳnh Trấn Thành.

  • Sắp diễn ra Triển lãm “Otherwise – Mặt khác”

    (Xây dựng) - Dự án nghệ thuật “Mặt khác – Otherwise” là dự án sáng tạo bởi ba nghệ sỹ hàng đầu trong các lĩnh vực hội họa, văn học và điêu khắc, gồm họa sỹ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. Triển lãm trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, dự kiến khai mạc vào ngày 13/9 tại Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm. Triển lãm được coi là một lời tri ân của ba nghệ sỹ hàng đầu với nơi họ sinh ra và lớn lên – Hà Nội.

  • Cánh diều vàng 2024: Lan tỏa giá trị nhân văn qua chuỗi hoạt động thiện nguyện

    (Xây dựng) - Nằm trong chuỗi hoạt động của giải thưởng Cánh diều vàng 2024, sáng 10/9, ngay trước thềm lễ trao giải, Ban tổ chức cùng các nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu và đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân đã tham gia thực hiện chương trình thiện nguyện “Chắp cánh yêu thương” tại Làng trẻ em SOS Nha Trang, Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa.

  • Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

    Các nhà khoa học trong nước và quốc tế khẳng định Lạng Sơn có đầy đủ giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất, hướng tới trở thành công viên địa chất toàn cầu.

  • Hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ tham dự với 163 tác phẩm tranh giải Cánh diều vàng 2024

    (Xây dựng) - Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 sẽ diễn ra vào ngày 10/9 tại quảng trường Nhà hát Đó, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến có hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham dự.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load