Biến động của thị trường chứng khoán, lạm phát gia tăng và lãi suất tăng trong những tháng qua khiến nhiều nhà đầu tư tự hỏi liệu một cuộc suy thoái có sắp xảy ra hay không.
Thị trường chứng khoán sụt giảm với chỉ số S&P 500 6 tháng tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Tính đến nay, chỉ số này đã giảm hơn 20% so với năm ngoái. Tương tự, chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cũng giảm đáng kể từ đầu năm nay, lần lượt giảm hơn 15% và gần 30%.
Trong khi đó, cảm nhận của người tiêu dùng về nền kinh tế, theo một khảo sát của Đại học Michigan (Mỹ), đã giảm 14,4% trong tháng 6, mức thấp kỷ lục được báo cáo.
Khoảng 68% giám đốc tài chính dự đoán suy thoái sẽ xảy ra trong nửa đầu năm 2023, theo khảo sát đối với các giám đốc tài chính của CNBC. Tuy nhiên, các chuyên gia có những dự báo khác nhau về khả năng suy thoái kinh tế.
Nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận Elliot Herman, đối tác của PRW Wealth Management ở Quincy, Massachusetts, cho biết: "Như chúng ta biết, thị trường trải qua các chu kỳ và suy thoái là một phần của chu kỳ đó mà chúng ta có thể sẽ phải đối mặt".
Tuy nhiên, vì không ai có thể dự đoán được liệu có xảy ra suy thoái hay không, Herman khuyến khích khách hàng chủ động và đảm bảo danh mục đầu tư luôn sẵn sàng.
Chuyên gia khuyên các nhà đầu tư nên chuẩn bị tốt danh mục để chuẩn bị cho một cuộc suy thoát (Ảnh: Medium). |
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Theo Anthony Watson, nhà lập kế hoạch tài chính, người sáng lập và là chủ tịch của Thrive Retirement Specialists có trụ sở tại Dearborn, Michigan (Mỹ), đa dạng hóa danh mục đầu tư là rất quan trọng trong bối cảnh một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Rủi ro có thể được giảm bớt bằng cách chọn quỹ hoán đổi danh mục (ETF) thay vì chọn cổ phiếu riêng lẻ vì một công ty ít có khả năng phá sản hơn trong một quỹ ETF gồm 4.000 công ty khác, ông nói.
Ông cũng gợi ý các nhà đầu tư nên có sự kết hợp giữa cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị. "Cổ phiếu giá trị có xu hướng tốt hơn cổ phiếu tăng trưởng đang trong thời kỳ suy thoái", Watson giải thích.
Sự tiếp xúc quốc tế cũng rất quan trọng và nhiều nhà đầu tư mặc định sử dụng 100% tài sản trong nước để phân bổ cổ phiếu, ông nói thêm. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tích cực chống lạm phát, các chiến lược từ các ngân hàng trung ương khác có thể kích hoạt các quỹ đạo tăng trưởng khác.
Kiểm tra lại các khoản phân bổ trái phiếu
Vì lãi suất thị trường và giá trái phiếu thường diễn biến ngược chiều nhau, nên việc Fed tăng lãi suất đã làm giảm giá trị trái phiếu. Kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn, tăng khi giá trái phiếu giảm, đứng đầu 3,48% vào ngày 14/6, mức lợi tức cao nhất trong 11 năm.
Ông Watson cho biết, bất chấp giá cả sụt giảm, trái phiếu vẫn là một phần quan trọng trong danh mục đầu tư. Nếu cổ phiếu giảm mạnh tiến đến suy thoái, lãi suất cũng có thể giảm, cho phép giá trái phiếu phục hồi, do đó có thể bù đắp khoản lỗ của cổ phiếu.
Ông nói: "Theo thời gian, mối tương quan tiêu cực đó có xu hướng tự bộc lộ. Nó không nhất thiết phải ngày một ngày hai".
Các cố vấn cũng xem xét thời hạn, đo lường độ nhạy cảm của trái phiếu đối với những thay đổi lãi suất. Nói chung, thời hạn của trái phiếu càng dài thì càng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng.
Herman từ PRW Wealth Management cho biết thêm: "Trái phiếu có lợi suất cao hơn với thời gian đáo hạn ngắn hơn là một khoản đầu tư hấp dẫn và nó mang lại cho chúng ta thu nhập cố định".
Xem xét quỹ tiền mặt
Trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất tài khoản tiết kiệm thấp, việc giữ tiền mặt trở nên kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, những người về hưu vẫn cần một quỹ tiền mặt để tránh rủi ro "chuỗi lợi nhuận".
Bạn cần chú ý đến thời điểm bán tài sản và rút tiền, vì nó có thể gây bất lợi lâu dài cho danh mục đầu tư. Chuyên gia Watson tại Thrive Retirement Specialists cho biết: "Đó là cách bạn trở thành con mồi của chuỗi lợi nhuận âm, thứ sẽ ăn tươi nuốt sống kế hoạch nghỉ hưu của bạn".
Tuy nhiên, những người về hưu có thể tránh đụng đến quỹ đầu tư trong thời kỳ thua lỗ sâu bằng một khoản tiền mặt đáng kể và khả năng tiếp cận dòng tín dụng mua nhà, ông nói thêm.
Tất nhiên, số tiền cần thiết có thể phụ thuộc vào chi phí hàng tháng và các nguồn thu nhập khác, chẳng hạn như an sinh xã hội hoặc lương hưu.
Lịch sử cho thấy, từ năm 1945 đến năm 2009, trung bình một cuộc suy thoái thường kéo dài 11 tháng, theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ. Nhưng không có gì đảm bảo rằng sẽ không còn một cuộc suy thoái nào trong tương lai.
Theo bà Catherine Valega, chuyên gia tư vấn tài sản và nhà lập kế hoạch tài chính tại Green Bee Advisory ở Winchester, Massachusetts, dự trữ tiền mặt cũng rất quan trọng đối với các nhà đầu tư trong "giai đoạn tích lũy".
"Mọi người thực sự cần có một quỹ tiết kiệm khẩn cấp", bà nói và đề xuất các khoản tiết kiệm từ 12 tháng đến 24 tháng để chuẩn bị cho khả năng bị sa thải.
Với số tiền tiết kiệm thêm đó, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để lập chiến lược cho bước đi tiếp theo trong sự nghiệp sau khi bị mất việc, thay vì cảm thấy áp lực khi chấp nhận lời mời làm việc đầu tiên để trang trải các hóa đơn.
"Với số tiền tiết kiệm trong quỹ khẩn cấp, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn", bà nói.
Theo Cẩm Hà (CNBC)/Dantri.com.vn