Thứ sáu 19/04/2024 22:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhà đầu tư "bỏ rơi" thị trường TP.HCM, đi tìm "miền đất hứa" nơi tỉnh lẻ

09:23 | 20/02/2021

Do nguồn cung khan hiếm, nhiều nhà đầu tư đã "bỏ rơi" thị trường TP.HCM, và tìm cơ hội sang các tỉnh lân cận, thậm chí có một làn sóng Bắc tiến.

Từ năm 2019 tới nay, do quá trình thanh kiểm tra bất động sản và hạn chế cấp phép xây dựng các dự án mới, khiến nguồn cung bất động sản nhà ở tại TP.HCM liên tục sụt giảm.

Số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Trong 2 năm từ năm 2017 - 2018, tổng số dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ chương đầu tư lần lượt là 130 dự án và 122 dự án. Tới năm 2019, số dự án được cấp phép chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn trước đó.

Năm 2020, 47 dự án nhà ở thương mại được cấp phép, tăng 1,5 lần so với năm 2019, tuy nhiên, vẫn còn kém xa so với giai đoạn 2017 - 2018.

Do không có dự án mới, toàn thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào tình trạng "khát" nguồn cung, ở tất cả các phân khúc, từ đất nền, căn hộ, cho tới nhà phố, biệt thự,...

nha dau tu bo roi thi truong tphcm di tim mien dat hua noi tinh le
Bất động sản TP.HCM đang rơi vào tình trạng "khát" nguồn cung, nhiều nhà đầu tư chuyển hướng ra ven đô hoặc Bắc tiến. Ảnh minh họa

Ngay cả những nhà đầu tư bất động sản kỳ cựu nhất của TP.HCM đang phải "nằm im" trong 2 năm, vì không nhiều sản phẩm tiềm năng để đầu tư.

Bà Lương Trúc Linh, đại diện công ty môi giới bất động sản M.L.B cho biết: Hiện tại, giới đầu tư TP.HCM đang chia làm 3 xu hướng chính.

Thứ nhất, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, một nhóm nhỏ nhà đầu tư tạm thời rút lui khỏi thị trường. Thay vào đó, họ lưu giữ tiền mặt, thông qua việc gửi tiết kiệm.

Ngoài yếu tố về dịch bệnh, nhà đầu tư đi theo xu hướng này đang "nản", vì nguồn cung mới trên thị trường ngày càng suy kiệt. Một số phân khúc tiềm năng, mang lại lợi nhuận cao như đất nền hay căn hộ bình dân gần như "mất hút".

Nhóm thứ hai tiếp tục rót vốn vào phân khúc nhà đất trong khu dân cư hoặc căn hộ cao cấp có nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư đi theo con đường này.

Bởi, giá trị nhà đất nội đô và phân khúc căn hộ cao cấp có giá thành rất cao, đắt đỏ, nên chỉ dành cho giới đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, không cần sử dụng các đòn bẩy tài chính.

Xu hướng đầu tư thứ ba là chuyển dịch dòng vốn từ TP.HCM sang nhiều địa phương khác. Trong đó, có 2 sự lựa chọn đầu tư, Bắc tiến hoặc rót vốn vào một số địa phương xung quanh, như Bình Dương, Long An, Đồng Nai hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo bà Linh, dòng vốn đầu tư bất động sản đang chảy ngày càng nhiều từ TP.HCM sang các địa phương lân cận, khiến thị trường nhiều tỉnh trở nên sôi động, nhộn nhịp.

nha dau tu bo roi thi truong tphcm di tim mien dat hua noi tinh le
Bất động sản Bình Dương, Đồng Nai được đánh giá là có nhiều tiềm năng để đầu tư. Ảnh minh họa

Trong 4 tỉnh nằm giáp ranh với TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai là hai "ngôi sao" với nhiều tiềm năng sinh lời cao.

"Nếu như Đồng Nai có lợi thế nhờ Sân bay Quốc tế Long Thành đang được xây dựng thì Bình Dương, một tỉnh mạnh về khu công nghiệp và nhà ở dành cho công nhân, cũng đang phát triển rất mạnh", bà Linh nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cho rằng, quá trình khan hiếm nguồn cung đã buộc giới đầu tư phải ra đi để tìm kiếm các "miền đất hứa".

Ngoài 4 tỉnh giáp ranh TP.HCM là Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thì dòng vốn từ giới đầu tư TP.HCM đang chảy ngược ra Bắc.

Giải thích về việc vì sao giới đầu tư không chuyển dòng vốn xuống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hoặc ra miền Trung, ông Đính nói: Thị trường bất động sản ĐBSCL chưa hấp dẫn được giới đầu tư, vì khu vực này còn hoang sơ, hệ thống giao thông chưa phát triển đồng bộ. Trong khi đó, bất động sản miền Trung vẫn đang chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, khiến thị trường gần như chững lại.

"Khi thị trường TP.HCM bị tắc, buộc các doanh nghiệp phải tìm đến các thị trường có tiềm năng dồi dào hơn. Trong đó, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận được đánh giá là "điểm trũng lớn". Lợi thế của khu vực này là tập trung được 70% lực cầu đầu tư trên cả nước. Vì vậy, các doanh nghiệp phía Nam không thể làm ngơ trước mảnh đất màu mỡ này", ông Đính nói.

Theo Việt Vũ/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load