Suốt một dẻo của cao nguyên đá, bắt đầu từ huyện Quản Bạ qua Yên Minh vào Đồng Văn vượt Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, cả một vùng cao nguyên đá đồ sộ như vậy có đến hàng nghìn căn nhà, thậm chí cả trường học cũng được xây dựng bằng đất, lợp ngói, thấp thoáng đan xen với núi đá. Đi tìm lời giải, tại sao bà con người dân tộc ở đây lại chỉ làm nhà đất, không xây bằng đá, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều điều kỳ thú của việc xây nhà đất.
Nhà “đất”
Dẫn chúng tôi vào nhà, anh Sùng A Chúng, người dân tộc Mông ở huyện Yên Minh hồ hởi chia sẻ: “Năm nay tao lại đập nhà cũ đi làm nhà mới rồi”. Chỉ vào căn nhà đang “xây”, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Phụ nữ, trẻ em thì phụ giúp bằng cách xúc đất, gánh, đội xách đất chuyển lên cho mấy người đàn ông nện, gọi là trình tường. Đây là việc làm khá công phu. Có một khuôn gỗ rộng chừng 40 cm được be sẵn. Đất được chuyển lên và cứ thế đổ vào khuôn và nện. Đất trộn tý nước phút chốc trở thành vữa làm vật liệu chính luôn cho việc xây nhà, đó là loại vữa bằng đất dẻo quánh, được đổ vào từng lớp một rồi dùng vồ để nện cho đất kết dính. Trình xong bốn bức tường thì chọn ngày tốt để đặt nóc.
Cũng theo anh Chúng, căn nhà mới này vợ chồng anh dự kiến xây trong khoảng một tuần sẽ lợp mái. Để giúp cho anh Chúng có thêm một ông bố vợ, một người anh em bà con nữa đến giúp. Nhìn gia cảnh của gia đình anh Chúng, chúng tôi không khỏi ái ngại. Bữa ăn của gia đình chẳng có gì, hỏi chị Mủa vợ anh, gạo đâu? Chị cho biết nhà nghèo, chả có tiền đong gạo đâu, ăn ngô thôi. Cái nhà cũ hỏng rồi, giờ đập ra làm lại.
Dựng nhà bằng đất…
Cứ thế, suốt một chặng đường dài gần 200 cây số vào đến Mèo Vạc, chúng tôi thấy: Phần đa bà con người dân tộc ở đây đều làm nhà đất để ở. Kể cả người có tiền hay không có tiền. Tường bằng đất nện lên thành vách. Còn mái nhà được lợp bằng ngói cũng do người dân tự làm. Sau này cách tân lên hoặc được Nhà nước giúp, mái nhà được lợp bằng tấm lợp xi măng. Nhà ở tuy làm bằng đất, nhưng tường bao xung quanh các căn nhà này đều được dựng bằng đá. Cả một bức tường đá dựng cao lên, xếp quanh nhà cẩn thận.
Chia sẻ với phóng viên, ông Sùng Đại Hùng - Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết, đời sống của bà con dân tộc ở đây rất khó khăn, toàn đá là đá, lấy đâu ra đất để trồng trọt. Việc người dân xây dựng nhà cửa bằng các nguyên liệu “hiện đại” là rất khó khăn. Cũng bởi vậy mà hàng trăm năm qua người dân vẫn ở nhà dựng bằng đất. Móng nhà chẳng cần xây bởi nền là đá rồi, không sụt lún được. Còn tường đất, cứ nện chặt, đúc khối như vậy cũng tốt mà. Ở nhà đất sẽ chống được cái lạnh thấu xương của khí hậu phía Bắc cũng như phù hợp với khả năng, điều kiện của bà con…
Du lịch “bản sắc”
Hà Giang được biết đến với một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, được UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Với diện tích của cao nguyên Đồng Văn vào khoảng 574,35km², trên độ cao trung bình từ 1.000 - 1.600m, ở đây phát hiện ra nhiều mẫu hóa thạch của các loài đã được tìm thấy có tuổi cách đây 400 - 600 triệu năm; hiện là nơi cư ngụ của khoảng 250 nghìn người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số anh em. Có bản sắc văn hoá riêng, hết sức độc đáo và ấn tượng như văn hoá của dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao… Cao nguyên đá cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, núi Đôi Quản Bạ…
Để hỗ trợ người nghèo, Đảng và Nhà nước đã thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo như hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt; Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường; Chương trình 135 giai đoạn II... cũng đã giúp cho hộ nghèo thêm nhiều điều kiện vươn lên. Tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều khó khăn.
Tường bao bằng đá, nhà đất…
Chia sẻ về việc phát triển kinh tế của vùng cao khó khăn, ông Lê Quang Minh - Bí thư Huyện ủy Quang Bình cho biết, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho người dân làm nông nghiệp thì cần phải phát huy bản sắc của người dân tộc để làm du lịch. “Hút” được du lịch thì các giá trị dịch vụ từ kinh doanh du lịch sẽ mang lại lợi ích cho người dân. Đó là những bản sắc về phong tục tập quán, những nghi lễ cổ truyền, huyền bí, những phiên chợ đậm đà bản sắc trong sương sớm, những tiếng khèn gọi bạn rắt réo trên mỏm núi vùng cao… Để minh chứng cho những thành công về kinh tế nhờ du lịch, ông Minh cho biết địa phương ông đã phục dựng thành công những bản sắc “giữ lửa” của người Pà Thẻn, hay lễ hội đua thuyền…
Rời cao nguyên đá trong một ngày cuối đông, ngụm bát rượu ngô cay xè, húp bát thắng cố mặn chát ở góc chợ phiên Đồng Văn, lạc sang chợ bò của Mèo Vạc, thả dốc Mã Pì Lèng, chúng tôi thấy lượng người du lịch về cao nguyên đá đông lắm. Cao nguyên đá ơi, hẹn ngày tái ngộ.
Đà Giang
Theo