Thứ bảy 20/04/2024 16:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhà báo kể chuyện nghề

08:19 | 18/06/2021

(Xây dựng) - Nhà văn, nhà báo James McBride có nói: “Đối với một nhà báo, mỗi tình tiết nhỏ đều có một câu chuyện”. Và người làm báo Xây dựng chúng tôi, hành trình hơn 20 năm thành lập và phát triển vẫn như một dòng sông chưa bao giờ ngừng chảy. Các thế hệ phóng viên nối tiếp nhau trưởng thành và mỗi dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, lại được tự hào chia sẻ những kỷ niệm đẹp, những trải nghiệm ý nghĩa để muốn nói lên rằng: Chúng tôi đã sống và làm việc như thế đó.

nha bao ke chuyen nghe
Tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Xây dựng.

Nhà báo làm pháp luật, điều tra

nha bao ke chuyen nghe

Đã hơn 6 năm đặt chân về ngôi nhà chung Báo Xây dựng, có bao nhiêu kỷ niệm về nghề, về đời ở nơi này - một tờ báo luôn đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành sâu rộng. Nếu để kể về nghề, thực sự lúc này, tôi chưa biết “phải nói sao cho hết”!

Buổi tác nghiệp đầu tiên của tôi ngày đó là đi xác minh một công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Hoàng Mai (Hà Nội). Cũng do chưa có kinh nghiệm, sau khi vừa giáp mặt công trình, tôi đã vội vàng giơ máy ảnh, hiên ngang đứng giữa đường chụp. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng huých tay nói khẽ: “Công trình vi phạm có bảo kê đấy, em giơ máy chụp như thế, có ngày nó phang cho vỡ đầu. Lên xe ngay”.

Sau việc này, anh bạn đồng nghiệp mới nói với tôi rằng, đi điều tra vi phạm, việc đầu tiên phải kín kẽ, công trình vi phạm chỉ nên lấy điện thoại chụp nhanh rồi đi ngay. Vấn đề sai trái sau này gặp chính quyền để làm rõ.

Ấn tượng nhất với tôi là vụ điều tra xác minh sai phạm tại một dự án bất động sản tại Quận 8 (TP.HCM). Theo tài liệu hồ sơ tìm hiểu trước đó, toàn bộ diện tích đất thuộc dự án này thuộc sở hữu của Nhà nước nhưng lại được giao cho một đơn vị tư nhân thực hiện 2 dự án bất động sản. Mặt khác, dù dự án vẫn chỉ là trên giấy nhưng đã được rao bán rầm rộ trước sự làm ngơ của các ngành chức năng Quận 8.

Từ Hà Nội bay vào, chúng tôi bắt taxi tìm đến dự án chụp ảnh rồi di chuyển về khu căn hộ mẫu. Đầu tiên, cả nhóm đóng giả làm khách hàng hỏi mua nhà, sau đó một người nhận nhiệm vụ hỏi về giá, quy hoạch hồ sơ pháp lý, một người hỏi về thủ tục đặt cọc, đồng thời xin bản photo các hợp đồng đã ký để chụp và tham khảo, người còn lại tìm cách lẻn ra phía sau tìm WC nhưng thực tế là để kiếm cơ hội chụp ảnh, ghi hình.

Cũng do phối hợp ăn ý nên chỉ trong buổi sáng hôm đó, chúng tôi đã có đủ tài liệu chứng cứ để hôm sau làm việc với chính quyền và các cơ quan chức năng…

Còn rất nhiều những vụ việc điều tra khác liên quan đến giá vật liệu xây dựng hay đường dây nhập lậu thiết bị vệ sinh kém chất lượng… đã được chúng tôi thực hiện điều tra và viết thành tuyến bài để cảnh báo cho người dân và doanh nghiệp.

Có thể nói, phía sau mỗi tác phẩm điều tra bao giờ cũng là cả một hành trình đầy gian nan và thử thách. Tôi vẫn luôn vinh dự, tự hào bởi cơ duyên đã đưa tôi đến với Báo Xây dựng, cơ duyên cho tôi được làm mảng pháp luật, điều tra. Bởi chính nơi này, lĩnh vực này đã đào tạo và cho tôi có được sự tự tin, bản lĩnh và trưởng thành.

Kim Thoa

Sự nhầm đáng yêu

nha bao ke chuyen nghe

Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải vì cha mẹ sinh ra lỡ đặt cho tôi một cái tên rất... nam tính nên cuộc đời tôi cũng bén duyên với cái nghề đầy mạo hiểm và mạnh mẽ này!

Ai cũng nghĩ, làm báo chỉ dành cho nam giới, nghề vất vả vì phải xông pha, phải lặn lội ở những nơi khó khăn. Nhất là những người làm báo ngành Xây dựng như chúng tôi. Không nhiều người biết rằng tờ báo của chúng tôi lại có một lực lượng đông đảo nữ phóng viên. Chúng tôi đã đặt chân trên khắp nẻo đường đất nước, ở những công trình vùng sâu vùng xa, những dự án thủy điện ở vùng heo hắt, những hải đảo... không thua kém ai.

Có thể vì làm ở tờ báo chuyên ngành kỹ thuật, lại mang cái tên “Ngọc Long” cứng cỏi, nên tôi hay có những cuộc gọi, những mail gửi rất chân thật “Chào anh!”. Nhiều người lần đầu điện thoại hẹn gặp để làm việc, trong suy nghĩ của họ cứ nghĩ rằng chị nhà báo có cái tên “menly” này chắc người cũng “menly”. Thế nhưng khi gặp, làm việc với nhau, rồi họ nói chất menly trong tôi cũng để lại ấn tượng khó quên.

Có Giám đốc doanh nghiệp khi làm việc với tôi đã nói rằng, làm báo ngành Xây dựng phải là những người rất đa năng. Bởi viết ở lĩnh vực này, làm việc với những con người kỹ thuật phải hiểu họ thì mới có thể truyền tải được thông tin trên báo chuẩn xác được.

Gần 21 năm ra trường, Báo Xây dựng vẫn là nơi gắn bó lâu dài đối với tôi, mái nhà Báo Xây dựng mà chúng tôi hay gọi “nhà Xờ - Dê”. Nơi ấy như mái nhà thứ 2, nơi ấy có người thuyền trưởng đầy tình cảm, có những người chị, người anh thân như ruột thịt. Và mỗi lần về nơi ấy, tôi hạnh phúc vì được là chính mình, người phụ nữ được tôn trọng và ưu ái!

Vũ Ngọc Long

Trở thành “chuyên gia” bất đắc dĩ

nha bao ke chuyen nghe

Là phóng viên Báo ngành, nên tôi có điều kiện hiểu sâu hơn về ngành Xây dựng mỗi khi tác nghiệp. Trong quãng thời gian làm việc, tôi có nhiều trải nghiệm bất ngờ. Câu chuyện tôi kể ra đây là một trong những trải nghiệm đó. Vào năm 2020, khi các báo có loạt bài về việc Sở Xây dựng Bình Dương ra văn bản xác nhận cho DN được bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa xong móng.

Trước thông tin này, tôi liên hệ ngay với Sở Xây dựng Bình Dương để hiểu rõ hơn về vấn đề và sau đó trực tiếp tới dự án. Sau khi có đầy đủ thông tin và tài liệu cần thiết, tôi đã có bài viết ngược lại dư luận, thời điểm đó, căn cứ theo các quy định pháp luật của Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng thì chủ đầu tư chỉ được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai khi thi công xong phần móng và được Sở Xây dựng xác nhận. Theo định nghĩa, móng cọc là phương pháp thi công móng xuống tầng đất sâu. Tải trọng của công trình sẽ được truyền xuống tận lớp đất, sỏi đá cứng nằm ở dưới độ sâu được tính toán. Nhờ đó mà làm tăng khả năng chịu lực cho móng công trình, và ở đó, phần móng cọc trong dự án nhà chung cư hoặc các dự án cao tầng khác là phần thi công chìm trong lòng đất.

Sau khi bài viết được xuất bản thì tôi nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ phía độc giả, các chuyên gia và DN trong ngành, bởi báo Xây dựng đã thông tin kịp thời và rõ ràng giúp độc giả hiểu rõ như thế nào là móng cọc trong các công trình cao tầng. Có những đồng nghiệp cũng nhắn tin rằng “Báo Xây dựng viết rõ như thế này thì làm sao viết tiếp được bài nữa”, hoặc đồng nghiệp chất vấn rằng: Từ hình ảnh khi chụp bằng Flycam chỉ thấy dự án đã đào đất chứ chưa thấy móng nhô lên mặt đường như thường thấy.

Công tác ở báo ngành là một lợi thế, không những hiểu rõ về chuyên ngành để truyền tải các thông tin tới bạn đọc mà đôi khi lại trở thành “chuyên gia” bất đắc dĩ cho đồng nghiệp mỗi khi cần trao đổi các vấn đề liên quan đến một vài khía cạnh về kỹ thuật của ngành Xây dựng. Đây cũng chính là niềm vinh dự, xen lẫn tự hào nhưng cũng không hề dễ dàng đối với phóng viên Báo Xây dựng.

Cao Cường

Trải nghiệm và đam mê

nha bao ke chuyen nghe

Đam mê thôi chưa đủ, phóng viên trẻ cần có trách nhiệm với những tác phẩm của mình.

Đam mê với nghề báo ngay từ những năm học cấp II, tôi đã kiên trì phấn đấu những năm cấp III để theo học khoa Báo chí - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với những kiến thức đã được tích lũy suốt 4 năm học, tôi “chập chững” bước vào nghề với vị trí phóng viên theo dõi mảng điều tra, bạn đọc tại Ban điện tử - Báo Xây dựng, một lĩnh vực nhiều người vẫn nghĩ là “khô khan”, không phù hợp với nữ giới.

Cảm giác khi lần đầu tiên chứng kiến bài báo của mình được đăng trên báo in và cả báo điện tử thật đặc biệt. Háo hức, hân hoan, cả sự tự hào nữa, dù biết bài viết của mình còn nhiều thiếu sót. Những ngày tiếp theo là chuỗi ngày tôi vừa học hỏi, vừa trải nghiệm để dần hoàn thiện kỹ năng.

Lần đầu tiên thực hiện một cuộc phỏng vấn, lần đầu tiên trèo tường để ghi nhận một công trình xây dựng sai phép, không phép… Lần đầu tiên tham gia vào chuyến đi thực tế tại địa phương, DN ngành Xây dựng, sôi nổi với những hoạt động của Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng…

Tất cả những “lần đầu tiên” giúp tôi đến nhiều nơi hơn, có điều kiện gặp gỡ nhiều người. Từ đó thấy rằng, để viết được một bài báo hay thì không chỉ cần ghi chép, cần thông tin, số liệu mà quan trọng hơn là có vốn sống dồi dào, sự trải nghiệm phong phú, để chiêm nghiệm, đúc kết được những chân lí từ những điều mắt thấy, tai nghe.

Đối với tôi, nghề báo là một nghề hấp dẫn, đầy sự khám phá nhưng người làm báo cũng phải thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro. Thời gian của nghề báo không tính bằng giờ hành chính, cứ có việc hay sự kiện gì, dù sớm hay muộn là phóng viên phải có mặt để lấy thông tin. Có thể nói, nghề báo thường xuyên không có ngày nghỉ, nhất là những dịp lễ, tết lại càng thêm bận rộn. Những khó khăn đó càng thôi thúc tôi có thêm động lực để phấn đấu, bởi so với lớp cha chú và các anh chị đi trước, những khó khăn đó chưa thực sự đáng nói. Tôi luôn tin tưởng rằng: Hãy luôn yêu nghề, phấn đấu với nghề đi rồi bạn sẽ được những thành công của nghề mang lại!

Diệu Anh

Đi công trường thời Covid – 19

nha bao ke chuyen nghe

Hơn 20 năm làm báo, đã bao lần đi công tác công trường nhưng chưa bao giờ hình dung ra có những chuyến đi công tác lại trở thành sự ngỡ ngàng, e ngại trong mắt bạn bè, người thân bởi cái cảm giác như “phóng viên chiến trường” vào vùng lửa tuyến.

Chuyến công tác của chúng tôi đến công trường thi công xây dựng điện gió tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị vào tháng 5/2021 do Công ty CP SCI làm tổng thầu EPC là như thế.

Ngay từ khi xuất phát, chúng tôi đã lựa chọn phương án đi đường bộ để bảo đảm giãn cách, giữ an toàn trong quá trình di chuyển. Trong suốt quãng đường từ Hà Nội đến Quảng Trị, các thành viên trong đoàn đều thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Đến với công trường điện gió Gelex 1,2,3 ngay từ cổng vào, đội ngũ bảo vệ đã thực hiện các bước giám sát, khai báo y tế và đo thân nhiệt từng thành viên. Anh Dương Trung - cán bộ Công ty CP SCI cho biết: “Tiến độ thi công là một trong những giá trị làm nên tên tuổi của SCI chúng tôi. Toàn công trường có đến gần 1.000 lao động thuộc các lực lượng khác nhau. Công nhân xây dựng từ khắp các địa phương, do đó bên cạnh việc đảm bảo an toàn trong lao động thì chúng tôi quan tâm đặc biệt đến những khuyến cáo của Bộ Y tế. Việc phòng chống Covid -19 luôn được thực hiện hết sức nghiêm ngặt theo quy định. Lao động trước khi đến công trường đều phải được xét nghiệm Covid - 19, các cá nhân ra vào công trình đều phải đo thân nhiệt. Lao động là người địa phương được yêu cầu ở tại công trường. Đội ngũ kỹ sư, công nhân buộc phải đeo khẩu trang bên cạnh các thiết bị bảo hộ. Các nhà thầu phụ được yêu cầu cung cấp rõ lý lịch, hành trình di chuyển của công nhân trước khi vào làm việc tại công trường. Qua đó sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình truy vết F1, F2,… trong trường hợp không may có ca lây nhiễm trong cộng đồng”.

Công trường nằm sâu trong rừng Hướng Hóa nhưng những quy định về công tác phòng dịch như: Vệ sinh công trường sau ngày làm việc, cung cấp khẩu trang và dung dịch rửa tay cho công nhân, giãn cách ngay cả trong bữa cơm của bếp công trường (khoảng cách các bàn ăn đều ngoài 2 m, mỗi lượt ăn không quá 20 người)

Khi tiếp xúc với các công nhân lao động trên công trường, chúng tôi nhận thấy tư tưởng phòng chống Covid -19 luôn được sẵn sàng trong mọi tình huống. Chính vì thế mà công trường vừa bảo đảm tiến độ thi công lắp đặt các trụ điện gió vừa bảo đảm sức khỏe cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên.

Lê Mỹ

Tác nghiệp nơi “rốn” lũ

nha bao ke chuyen nghe
Tác nghiệp tại điểm sạt lở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, tỉnh Quảng Trị.

Tháng 11/2020, tôi có chuyến công tác đầu tiên tại Báo Xây dựng, cũng là lần đầu được vào miền Trung đúng thời điểm đang xảy ra lũ lụt, sạt lở đất. Mang theo sự háo hức của một phóng viên trẻ, tôi đến vùng bị ngập lụt nặng nhất xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Nhìn thật xa ra 4 phía cũng chỉ một màu trắng đục của nước lũ. Nhiều nơi ngập sâu đến 1,5 - 2m khiến 7.700 nhân khẩu của xã chỉ có thể di chuyển bằng thuyền. Nước ngập mênh mông quanh xã, khiến sinh hoạt của bà con nhân dân hoàn toàn bị đảo lộn. Tuy nhiên, vẫn còn những gia đình an toàn, tự chủ, bảo vệ được tính mạng, tài sản nhờ hiệu quả của nhà chống lũ. Đó là những ngôi nhà được xây dựng theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” từ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Chính phủ.

Đón nhận những phần quà của đoàn công tác, bà con xã Châu Nhân lạc quan kể về những ngày nước lũ đạt “đỉnh”, cách mà họ chạy lúa thóc, trâu bò và giúp đỡ hàng xóm tránh con nước xiết. Để bám trụ lại mảnh đất này, cũng như những “tổ ấm mùa lũ” kiên cố kia, họ phải có một nghị lực phi thường để chống chọi lại sức tàn phá của mẹ thiên nhiên. Những con người chẳng hề sợ lũ! Tôi đã đem những suy nghĩ tích cực đó vào bài truyền hình của mình. Cho đến nay, đó vẫn là tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất.

Gần 1 năm đồng hành cùng Báo Xây dựng đã cho tôi thật nhiều kỷ niệm. Những ấn tượng ban đầu về nghề báo, những người tôi có cơ duyên được gặp gỡ đã truyền cho phóng viên trẻ năng lượng sống tích cực để làm việc và sáng tạo, tôi tự nhủ sẽ gìn giữ những khoảnh khắc đó để tiếp tục làm giàu vốn sống và nâng cao trình độ của bản thân.

Tuấn Nghĩa

Nhịp cầu hạnh phúc ở Hữu Sản

nha bao ke chuyen nghe

Đó là một chuyến đi khá bất ngờ mà tôi gần như không có sự chuẩn bị trước. Vào một ngày hè tháng 7/2019, Trưởng phòng giao nhiệm vụ tôi theo chân đoàn thiện nguyện tham gia lễ đổ bê tông kết cấu nhịp cầu cho đồng bào vùng cao để viết bài.

Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội vào ban đêm để lên tới Hà Giang vào sáng hôm sau cho kịp giờ đổ bê tông.

Vì lên Hữu Sản vào một ngày mưa to nên tôi có may mắn được chứng kiến tận mắt “sự lầy lội” của con đường đất dài hơn 4 km dẫn vào nơi sinh sống của hơn 100 hộ dân người Pà Thẻn, Mông, Tày ở thôn Trung Sơn, xã Hữu Sản. Mặc dù vậy, nỗi sợ lớn nhất của hầu hết người dân Hữu Sản vẫn là những con suối hung tợn vào mùa lũ. Mỗi khi có mưa lớn, con suối yên ả ngày thường sẽ hóa thành một con “thủy quái” đáng sợ, nuốt chửng tất cả những gì xuất hiện trên đường đi của nó.

Cá nhân tôi cũng được cảm nhận một phần nào sự dữ dội của dòng suối Thản chảy qua địa phận xã Hữu Sản. Chuyện là trong cái đêm chúng tôi từ Hà Nội lên Hữu Sản, trời mưa to khiến nước suối chảy rất mạnh. Bà con địa phương lo lắng nước suối chảy mạnh quá sẽ cuốn kết cấu nhịp thép nên phải bố trí người thay phiên nhau thức đêm để trông cầu. Rất may là các nhịp cầu vẫn an toàn sau đêm mưa lớn đó.

Để có một góc chụp đẹp về cảnh mọi người hăng say lao động, tôi đã phải lội ra giữa suối. Và khi nhìn thấy tôi cởi giày để lội xuống nước, một số người dân địa phương đã cảnh báo rằng, chỗ tôi muốn đến có dòng chảy rất xiết, tôi cần phải cẩn thận để tránh bị ngã. Nhưng dù được cảnh báo trước thì tôi bị bất ngờ và phải lập tức hạ thấp trọng tâm của thân người để không bị ngã.

Điều đặc biệt ở dự án này là các nhóm thiện nguyện chỉ hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật, còn người dân địa phương phải trực tiếp thi công. Trong chuyến công tác may mắn đó, tôi có thể cảm nhận rõ niềm hạnh phúc của những người dân chất phác tự tay xây lên cây cầu của chính họ. Dù lưng áo thấm đẫm mồ hôi, nhưng họ vẫn cười rất hạnh phúc, cười từ lúc bắt đầu làm việc cho đến khi ngồi liên hoan. Tất cả đều sung sướng khi nhìn thấy chiếc cầu dần thành hình và nghĩ về ngày mai được bước trên cây cầu mới qua suối mà không còn phải lo sợ khi nước lũ về.

Lê Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load