(Xây dựng) – Sinh ra và lớn lên từ vùng quê nghèo hiếu học Thanh Chương (Nghệ An), theo truyền thống gia đình, sau khi học xong phổ thông, tháng 9/1982, Nguyễn Thế Thường được tuyển sinh vào Trường Sĩ quan Pháo binh tại Hà Nội. Trong thời điểm còn là học viên (đầu năm 1985), với những cố gắng trong học tập và rèn luyện, anh đã được tổ chức kết nạp Đảng.
Nguyễn Thế Thường (người đứng giữa) có hơn 30 năm tuổi Đảng, 2 lần được công nhận là Đảng viên 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: Mạnh Cường
Từ người lính quân đội
Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Pháo binh với quân hàm Trung uý (tháng 9/1985), Nguyễn Thế Thường được điều động về Quân khu 7 nhận nhiệm vụ, sau đó anh được chuyển về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo với chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh - Đại đội 34. Đến năm 1987, được bổ nhiệm chức vụ Đại đội phó, Đại đội trưởng Đại đội 34, Pháo binh và là Bí thư chi bộ.
Sau gần 10 năm “tại vị” ở Đại đội 34, anh được bổ nhiệm làm trợ lý tác chiến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Với nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý và cải thiện đời sống cho cán bộ chiến sĩ và xây dựng quân đội, do thời kỳ đó khó khăn, một mặt vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, một mặt phải tìm tòi làm kinh tế để cải thiện đời sống cho chiến sĩ.
“Thời đó khó khăn lắm, cải thiện đời sống để anh em chiến sĩ có chút thu nhập, nhưng không ngờ cái ngành thời đó bập bẹ bước vào thì lại là môi trường học tập và trưởng thành tích luỹ được nhiều kiến thức còn lại và cũng lại là nghề chính cho đến tận bây giờ”, anh cười chia sẻ.
Sống quảng đại, có kỷ luật, hết mình vì anh em, chia sẻ với mọi người về những khó khăn trong cuộc sống… Đó là những gì mà bản chất người lính đã hun đúc và rèn luyện cho Nguyễn Thế Thường như ngày hôm nay.
Năm 2000, khi đã “tích luỹ” được nhiều kinh nghiệm trong mọi vấn đề về quản lý, anh lại muốn thử thách mình trong mặt trận khác, thế là anh “chuyển nghề”. Tuy nhiên, nghề mới của anh có một nền tảng giống những gì trong quân đội anh đã được rèn luyện, chỉ khác là đơn vị quản lý anh lại là đơn vị dân sự.
Đến “người lính” trên thương trường
Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (UDEC) là doanh nghiệp Nhà nước hạng I lúc bấy giờ đang thiếu một vị trí vô cùng quan trọng nên đã xin được chuyển anh về đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy bộ phận nổ mìn, kiêm giám đốc điều hành tại Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng.
Sau một thời gian “đâu cần anh có, đâu khó có anh”, do nhu cầu công việc nên anh lại đi nhận nhiệm vụ khác, Công ty mẹ (UDEC) lại điều anh về xây dựng Công ty Cổ phần Cáp treo Vũng Tàu. Đến năm 2006, anh lại được điều động quay trở lại xí nghiệp cũ với chức vụ Giám đốc Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. “Ở thời đó, cả Xí nghiệp có khoảng 21 cán bộ-công nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông, đời sống anh em thấp lắm, nhìn chung là cũng vất vả, nhìn thấy cảnh đó mình cũng không đành long, trăn trở bao suy nghĩ làm sao để anh em có cái ăn, cái mặc, phải đầy đủ thì họ mới gắn bó với mình chứ”, Nguyễn Thế Thường bùi ngùi nhớ lại.
Trong bối cảnh chỉ có 21 lao động, đời sống thu nhập thấp, bình quân chỉ khoảng 500.000 đồng/người/tháng, anh đã quyết tâm phải tăng thu nhập cho mọi người. Ở cái thời điểm mà nói đến cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước nhiều người còn ngỡ ngàng, còn chưa hiểu cổ phần hoá nó ra làm sao, đời sống cán bộ công nhân viên sau khi cổ phần thì như thế nào, vốn nhà nước có bị mất không, vân vân… Lúc đó anh chỉ nghĩ, nếu không huy động nguồn lực từ chính bên trong thì cũng chẳng biết xoay sở vào đâu, vì thời kỳ đó là tiền khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên rất khó khăn. Sau bao đêm suy nghĩ, với ý chí và bản lĩnh của người lính, với niềm tin chiến thắng anh đã quyết định vượt qua khó khăn, “sống thì phải có bước đi quyết định”.
Tháng 10/2006, Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng do anh làm Giám đốc chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần và thành quả thu được là doanh thu tăng lên 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm, từ 21 lao động đã tăng lên hơn 100 người (chưa kể lao động thời vụ). Công ty Thành Chí ra đời từ đó, với đa chức năng, đa ngành nghề, Thành Chí chú trọng vào sản xuất vật liệu xanh, vật liệu thân thiện với môi trường, đảm bảo thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Thắng lợi trên mọi chiến tuyến
Dù ở mặt trận nào, anh vẫn thể hiện được bản lĩnh của người lính. Đến nay, sau 10 năm hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần anh đã đưa 1 doanh nghiệp “èo uột” chỉ với 21 lao động thành một doanh nghiệp “có số má” trong tỉnh với giá trị doanh nghiệp 200 tỷ đồng cùng hàng trăm lao động và nhiều chức năng kinh doanh như: Kinh doanh kho vận, Logistic, khai thác khoáng sản, sản xuất đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng…
Cho đến nay, nói đến các sản phẩm vật liệu xây không nung (VLKN) phải nói đến Thành Chí. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư nhà máy sản xuất VLKN, giai đoạn đầu nhà máy chỉ đáp ứng cho thị trường được 50 triệu viên/năm. Do nhu cầu của thị trường, đến nay, nhà máy được nâng cấp lên đến 120 triệu viên/năm. Với dây chuyền sản xuất các loại VLKN đa dạng phong phú như gạch block, gạch terrazzo, ngói không nung sơn màu.
“Khi thị trường bất động sản đóng băng, Công ty mẹ cũng gặp nhiều khó khăn, sẵn đang có mỏ đá và lại được khuyến khích sản xuất VLKN theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng, đồng thời, chúng tôi phải tìm ra giải pháp để người lao động trong Công ty không thất nghiệp, với những lý do đó nên nhà máy được xây dựng ngay. Mục tiêu của chúng tôi sẽ cung cấp cho 07 tỉnh miền Đông Nam bộ và cũng sẽ vươn ra xuất khẩu khi đủ nguồn lực. Trước đây, khi chưa có dây chuyền sản xuất VLKN, bụi từ mỏ khai thác đá chúng tôi phải mất nhiều chi phí để xử lý. Bây giờ, với dây chuyền này, chúng tôi đã tận dụng được hết nguồn liệu dư thừa. Vừa bảo vệ được môi trường lại đỡ mất tài nguyên biến từ tạp chất ra sản phẩm có giá trị cao”, Nguyễn Thế Thường tâm đắc cho biết.
Ngoài nhà máy gạch này ra, hiện tại Công ty anh còn có 18ha kho bãi ngoại quan; 32ha mỏ vật liệu san lấp; 03 mỏ đá với 110ha, có trữ lượng 35 triệu khối. “Trong xu thế hội nhập và phát triển, chủ trương của Công ty sẽ mở rộng thêm nhiều ngành nghề. Trong đó, chú trọng đến các lĩnh vực bất động sản, du lịch, dịch vụ y tế cộng đồng, kinh doanh trong lĩnh vực môi trường. Đặc biệt, Thành Chí đang chuẩn bị đầu tư nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn các huyện của tỉnh Nghệ An, góp phần tỉnh Nghệ An trong phát triển xây dụng nông thôn bền vững nhà máy này có công nghệ hiện đại của Tập đoàn Carson - Mỹ, với công suất 200 tấn rác/ngày. Hiện dự án đang trong thời gian trình tỉnh Nghệ An xem xét ”, anh cho biết thêm.
Ngoài chuyện tích cực trong các hoạt động, nhanh nhạy trong kinh doanh và bản lĩnh trong điều hành doanh nghiệp thì anh còn tích cực tham gia trong các hoạt động từ thiện cũng như trong nhiều hoạt động khác mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Là Đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng như anh, cùng những thành quả mà anh đã gặt hái trong nhiều năm qua, những “trái ngọt” đó đã được thể hiện qua 2 lần được công nhận là Đảng viên 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được nhận Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Top 100 nhà lãnh đạo giỏi, 100 doanh nhân Tâm – Tài, lãnh đạo tiêu biểu, Doanh nhân cựu chiến binh tiêu biểu của cả nước diện kiến Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Nước. Bên cạnh đó, anh còn được tặng thưởng nhiều Bằng khen và Giấy khen cấp Trung ương và cấp tỉnh. |
Mạnh Cường
Theo