(Xây dựng) - Ngày 04/4, biết tin Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên từ trần, nhiều người dân vùng Đông Bắc Quảng Ninh xót thương một vị cách mạng tiền bối khi đương chức có tâm, có tài, khi về hưu với tầm nhìn xa còn để đời một công trình xây dựng quý giá nơi biên ải.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên, người đi rồi tiếng thơm còn để lại ở vùng Đông Bắc.
Tháng 6/2002, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên ra thăm vùng đất địa đầu hình chữ S Việt Nam. Ông đi từ Sa Vĩ, qua Lục Lầm đến ngã 3 con sông biên giới, nhánh chảy vào nội địa nước ta gọi là sông Ka Long, nhánh dọc đường biên từ Bắc Phong Sinh xuống vẫn gọi chung là sông Bắc Luân.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên dừng chân ở đoạn Xoáy Nguồn, bờ kia thuộc thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc), bên này là thị trấn Móng Cái (Việt Nam), tay chỉ vào một cây đa cổ thụ, dưới gốc có một ngôi miếu cổ; ông hỏi anh cán bộ địa phương dẫn đoàn: Đền miếu gì kia? Anh cán bộ (tên Bùi Thiềm khi ấy là Phó Chủ tịch UBND huyện Móng Cái) báo báo: Thưa bác đấy là đền Quan Sơn, dân địa phương tự dựng, nay còn thờ cả Thủy thần.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên hỏi tiếp: Dọc tuyến biên giới này còn đền chùa nào không? Anh Bùi Thiềm mau miệng định bảo có, nhưng đầu thập niên 60 cải cách văn hóa ta phá mất rồi. Anh Bùi Thiềm chuyển sang tích mới, thưa bác thổ đất này trước đây cũng là một ngôi đền cổ. Ba tháng trước, chị Nguyễn Thị Hoa dân ngụ cư đến khai khẩn đất này làm vườn, cuốc xới bật lên một tấm bia đá lớn, mặt bia khắc nhiều chữ nho đã báo chính quyền địa phương đưa về trụ sở nhờ người dịch. Các thầy giáo Trung văn, nhà nho già ở địa phương bảo đây là bia hưng công trùng tu đền thờ Xã tắc. Bia niên yết danh tính người công đức, trong đó có quan Phủ Chánh đường họ Bùi, vị quan đứng đầu tỉnh ngày đó. Tích xưa cũng truyền tục lại như vậy.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên mừng ra mặt, ông bảo mình đã từng là sinh viên trường võ bị Hoàng Phố, có thời gian dài lưu học và công tác ở bên nước bạn Trung Quốc. Từ thời Trung hoa dân quốc, người dân Trung Quốc trong nội bộ cũng tranh chấp điền thổ giữa các châu, các trấn. Mốc điền địa nay chỗ này mai chỗ khác, kẻ mạnh đè nén người yếu, tùy tiện chuyển mốc giới để chiếm điền trì của người yếu. Nhưng đình miếu của làng thì chẳng ai cả gan phá bỏ. Chính quyền không nên ngăn cản dân trùng tu công trình cổ kính, mà phải định hướng cho dân xây dựng trùng tu các công trình văn hóa cổ đại, đáp ứng cuộc sống tâm linh; đồng thời phục dựng quản lý lễ hội, sao cho đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, tránh mê tín dị đoan. Cột mốc 1368 (khi ấy xây dựng chưa kiên cố, chưa có cơ sở pháp lý chắc như bây giờ) do hiệp ước Pháp - Thanh cắm ở kia mưa nắng mỏi mòn, thăng trầm lịch sử... có thể bị xê dịch. Nhưng đình, đền là cột mốc văn hóa không một quốc gia nào xóa được.
Đền Xã Tắc - cột mốc văn hóa vùng biên cương.
Người dân địa phương đang khao khát tín ngưỡng, lại được vị Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thổi hồn vào công trình trùng tu đền Xá Tắc, nên chỉ một thời gian ngắn nhân dân cả nước đã hưng công xây dựng trùng tu xong đền Xã Tắc. Một ngôi đền có trần tích phong phú với 6 cổ vật (3 thần vị, 3 bài vị) và một kho tàng văn hóa phi vật thể, bao gồm các khoa lễ, tế thần...
Giáo sư Hoàng Giáp cho biết: Thần vị ghi rõ năm 1879 (Kỷ Mão) đền Xã Tắc được trùng tu, có niêm yết danh sách người cung tiến, hưng công xây dựng. Thần phả tạc bia đá, chữ hán nôm nét văn tự riêng của người Việt. Năm 2009, TP Móng Cái xây dựng trùng tu đền Xã Tắc bề thế hơn xưa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự lễ thượng nương và lễ hô thần nhập tượng. Hôm khánh thành GS.TS Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự và trồng cây lưu niệm tại tự môn.
Đền Xã Tắc thờ Xã Tắc Đại vương (điền địa lúa gạo), nhưng dân địa phương coi đền Xã Tắc là ngôi đề thiêng duy nhất ở Việt Nam thờ Sơn Hà - Xã Tắc, công trình xây dựng phục cổ kết hợp với nét kiến trúc hiện đại vững chắc, nghi lễ tổ chức hàng năm trọng thể.
Đền Xã Tắc như một cột mốc văn hóa tỏa sáng ở biên ải vùng Đông Bắc Quảng Ninh, nay Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên không còn nữa, vẫn để lại tiếng thơm ở đất này.
Vũ Phong Cầm
Theo